24/12/2024

Việc làm và phẩm giá

Thiên Chúa không muốn cho trọng tâm của thế giới là một ngẫu tượng, mà là con người, là người đàn ông và người phụ nữ, họ làm cho thế giới này tiến bước nhờ lao công của họ.

 Việc làm và phẩm giá

Viếng thăm mục vụ Cagliari
Gặp giới Công nhân Largo Carlo Felice, Cagliari
Chúa Nhật XXV Thường Niên, 22/9/2013

Anh chị em thân mến, xin chào buổi sáng!

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em: công nhân, thương gia, các cấp chính quyền, các gia đình đang hiện diện nơi đây, và đặc biệt, Đức Tổng Giám mục Arrigo Miglio, và ba bạn giữa anh chị em đã nói lên những vấn nạn và những mong đợi của anh chị em, cũng như những cảm nghĩ của anh chị em. Cuộc viếng thăm này – như tôi đã nói – bắt đầu với anh chị em là những người cấu tạo nên thế giới lao động. Qua cuộc gặp gỡ này, trước tiên tôi muốn biểu lộ với anh chị em sự gần gũi của tôi, đặc biệt đối với tình hình đau khổ, đối với nhiều bạn trẻ thất nghiệp, đối với những người thất nghiệp về mặt kỹ thuật hay đang trong tình thế bấp bênh, đối với những chủ doanh nghiệp hay những thương gia đang gặp khó khăn trong công ăn việc làm.

Đây là một thực tại mà tôi biết rất rõ, do kinh nghiệm tôi có tại Achentina. Phần tôi, tôi chưa trải nghiệm vấn đề này, nhưng gia đình tôi thì biết rất rõ: trong thời thanh xuân, ba tôi đi đến Achentina, lòng đầy hy vọng, để “thử thời vận tại châu Mỹ”, và ba tôi đã phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh hoàng vào thập niên 30. Họ đã đánh mất tất cả! Và không có việc làm. Và trong thời thơ ấu của tôi, trong gia đình, tôi đã nghe nói về thời kỳ này… Tôi không có kinh nghiệm về thời kỳ này, tôi chưa sinh ra, nhưng tại nhà, tôi đã cảm thấy sự đau khổ này, tôi đã nghe nói về sự đau khổ này. Tôi đã biết rất rõ điều này! Nhưng tôi phải nói với anh chị em rằng: “Can đảm lên!” Nhưng tôi cũng ý thức rằng tôi phải làm tất cả những gì có thể để cho từ “can đảm!” không phải là một từ ngữ theo thời thật đẹp đẽ! Không chỉ là một nụ cười của một người nhân viên thân tình, một người nhân viên của Giáo Hội đến và nói với anh chị em rằng “can đảm lên!”. Không! Tôi không hề muốn điều đó! Tôi muốn rằng từ ngữ này đến từ bên trong, và thúc đẩy tôi làm tất cả mọi sự, với tư cách là mục tử, với tư cách là con người. Với tình liên đới, chúng ta phải đương đầu, giữa anh chị em – cũng như giữa chúng ta – tất cả cùng liên đới, với trí óc thông minh, để đương đầu với thách đố lịch sử này.

Đây là thành phố thứ hai tại Ý mà tôi đã đi thăm. Và thật là kỳ lạ, cả hai thành phố – thành phố thứ nhất và thành phố thứ hai này – đều là những hòn đảo. Trong thành phố thứ nhất, tôi đã thấy được sự đau khổ của biết bao người phải trả giá bằng mạng sống  mình, để đi tìm phẩm giá, cơm bánh, sức khoẻ, thế giới của những người tị nạn. Và tôi đã thấy được giải đáp của thành phố này – dù là một hòn đảo – vẫn không hề muốn tự cách ly mình, và đã đón tiếp những người tị nạn, xem họ như dân cư của mình, và đã mang lại cho chúng ta một mẫu gương về sự đón tiếp: đau khổ và giải pháp tích cực. Còn ở đây, trong thành phố thứ hai, thành phố-đảo mà tôi đang thăm viếng này, tôi cũng tìm thấy sự đau khổ. Một sự đau khổ mà một người trong số anh chị em đã nói “nó làm cho bạn phải suy yếu, và cuối cùng cướp đi niềm hy vọng của bạn”. Một sự đau khổ, sự thiếu công ăn việc làm, sẽ làm cho bạn – xin lỗi anh chị em, nếu tôi sử dụng những từ ngữ hơi mạnh mẽ, nhưng tôi nói thật – sẽ làm cho anh chị em cảm thấy mình không còn chút phẩm giá! Và nơi nào không có công ăn việc làm, thì nơi đó thiếu phẩm giá! Và đây không chỉ là vấn đề của vùng Sardaigne – cho dù ở nơi đây vấn nạn thật lớn lao! – đây không phải là một vấn nạn của nước Ý hay của một số quốc gia tại châu Âu, mà là kết quả của một sự lựa chọn mang tính toàn cầu, của một hệ thống kinh tế dẫn đến thảm kịch này; một hệ thống kinh tế đặt trọng tâm vào một ngẫu tượng có tên gọi là tiền bạc.

Thiên Chúa không muốn cho trọng tâm của thế giới là một ngẫu tượng, mà là con người, là người đàn ông và người phụ nữ, họ làm cho thế giới này tiến bước nhờ lao công của họ. Nhưng giờ đây, có một ngẫu tượng đang chiếm vị trí trung tâm của hệ thống không đạo đức này, và thế giới giờ đây tôn sùng “thần-tài”. Chính tiền bạc đang điều khiển! Chính tiền bạc đang điều hành! Và tất cả mọi sự phục vụ tiền bạc, phục vụ ngẫu tượng này giờ đây đang nắm quyền điều khiển. Và cái gì xảy ra? Để bảo vệ cho ngẫu tượng này, mọi người đều quy tụ lại trung tâm và bỏ rơi những vùng ngoại biên, bỏ rơi những người già nua tuổi tác, bởi vì không có chỗ cho họ trên thế giới này! Một số người nói đến thói quen “gây chết không đau cách trá hình”, nói đến việc không chăm sóc họ, không cần quan tâm họ… Vâng, chúng ta cứ bỏ họ đi… ”. Và những người trẻ nào không tìm được việc làm, không tìm được phẩm giá của mình, sẽ bị bỏ rơi.

Nhưng anh chị em có nghĩ rằng trong một thế giới mà những người trẻ – hai thế hệ người trẻ – không tìm được việc làm, thì thế giới đó không có tương lai. Tại sao? Bởi vì họ không có phẩm giá! Thật rất khó để có được một phẩm giá mà không có công ăn việc làm. Đây là nỗi đau khổ của anh chị em. Đây là lời kêu xin của anh chị em: “Việc làm”, “Việc làm”, “Việc làm”. Đây là một lời kêu xin cần thiết. Việc làm có nghĩa là phẩm giá, việc làm có nghĩa là mang về cho gia đình cơm bánh, việc làm có nghĩa là yêu mến!

Để bảo vệ hệ thống kinh tế ngẫu tượng này, người ta thiết lập “nền văn hoá loại bỏ”: người ta loại bỏ ông bà và người ta loại bỏ người trẻ. Và chúng ta phải nói tiếng không với “nền văn hoá loại bỏ” này. Chúng ta phải nói : “Chúng tôi muốn một hệ thống đúng đắn!  Một hệ thống làm cho tất cả chúng ta tiến bước”. Chúng ta phải nói: “Chúng tôi không muốn hệ thống kinh tế toàn cầu hoá đã gây nên cho chúng tôi biết bao điều dữ!”. Người đàn ông và người phụ nữ phải nằm ở trung tâm, như ý Thiên Chúa muốn, chứ không phải tiền bạc!

Tôi đã viết nhiều điều khác nhau cho anh chị em, nhưng khi nhìn anh chị em đây, những lời sau đây chợt đến trong tâm trí tôi. Tôi xin gửi lại cho Đức Giám mục của anh chị em những lời được viết này như thể đó đã là những lời tôi đang nói. Nhưng tôi thích nói với anh chị em những điều tôi đang cưu mang trong lòng khi nhìn anh chị em vào lúc này đây hơn! Anh chị em xem này, thật là dễ khi nói: “Đừng đánh mất niềm hy vọng”. Nhưng với tất cả mọi người, với tất cả anh chị em có công ăn việc làm và với những anh chị em không có công ăn việc làm, thì tôi sẽ nói: “Đừng để cho người ta cướp đi niềm hy vọng của anh chị em! Đừng để cho người ta cướp đi niềm hy vọng của anh chị em!”. Có lẽ niềm hy vọng giống như than hồng dưới đống tro tàn, chúng ta hãy dùng tình liên đới giúp đỡ nhau, khi thổi lên đống tro tàn để cho ngọn lửa lại bùng lên. Nhưng niềm hy vọng làm cho chúng ta tiến bước.

Đây không phải là lạc quan, mà là một điều khác. Nhưng niềm hy vọng không phải là của một người, niềm hy vọng, tất cả chúng ta cùng làm nên niềm hy vọng! Niềm hy vọng, chúng ta phải duy trì ở giữa tất cả, ở giữa tất cả anh chị em, và tất cả chúng tôi là những người ở xa. Niềm hy vọng là của anh chị em và của chúng tôi. Niềm hy vọng là của tất cả! Chính vì thế, tôi nói với anh chị em: “Đừng để cho người ta cướp đi niềm hy vọng của anh chị em!”. Nhưng chúng ta hãy khôn ngoan, bởi vì Chúa nói với chúng ta các ngẫu tượng thì ranh mãnh hơn chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta phải tinh ranh như con rắn, và đồng thời, tốt lành như chim bồ câu.

Chúng ta hãy có sự tinh ranh này, và hãy gọi sự vật bằng tên gọi của chúng. Vào giờ phút này đây, ở tâm điểm tâm của hệ thống kinh tế, của hệ thống toàn cầu hoá mà người ta đang đề nghị cho đời sống chúng ta, ở tâm điểm có một ngẫu tượng và điều đó, chúng ta không thể nào chấp nhận được! Tất cả chúng ta hãy cùng nhau chiến đấu để cho người đàn ông và người phụ nữ, gia đình, tất cả chúng ta nằm ở tâm điểm, ít nhất là ở tâm điểm cuộc đời chúng ta, để hy vọng có thể tiến bước… “Đừng để cho người ta cướp đi niềm hy vọng của anh chị em!”.

Giờ đây, tôi muốn kết thúc bằng cách cầu nguyện với tất cả anh chị em, trong thinh lặng, trong thinh lặng, tôi muốn cầu nguyện với tất cả anh chị em. Tôi nói lên điều tôi suy nghĩ trong lòng, và anh chị em, trong thinh lặng, xin hãy cầu nguyện với tôi.

Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin hãy nhìn chúng con! Xin hãy nhìn thành phố này, hòn đảo này. Xin hãy nhìn các gia đình chúng con.

Lạy Chúa, đối với Chúa, việc làm không thiếu, Chúa đã làm nghề thợ mộc. Chúa thật hạnh phúc.

Lạy Chúa, chúng con thiếu công ăn việc làm.

Các ngẫu tượng muốn cướp đi phẩm giá của chúng con. Các hệ thống bất công muốn cướp đi niềm hy vọng của chúng con.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con một mình, xin giúp chúng con biết giúp đỡ nhau; xin cho chúng con biết quên đi một ít tính ích kỷ của chúng con, và cảm thấy trong lòng cái “chúng tôi”, cái chúng tôi, cái dân tộc muốn tiến bước.

Lạy Chúa Giêsu, đối với Chúa, việc làm không thiếu, xin ban cho chúng con công ăn việc làm, và xin dạy chúng con chiến đấu cho việc làm, và xin chúc lành cho tất cả chúng con. Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.

Xin cảm ơn nhiều và xin cầu nguyện cho tôi!