23/01/2025

Chăm sóc những người đau khổ theo gương Mẹ Têrêsa Calcutta

Noi gương Mẹ Têrêsa và theo chân Chúa Giêsu, chúng ta sống và loan truyền Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho giới này, đặc biệt những anh chị em đau khổ tinh thần lẫn vật chất.

Chăm sóc những người đau khổ theo gương Mẹ Têrêsa Calcutta

Lời Chúa (Lc 10,25-37)

 “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Ngày 04/09/2016 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phong thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta. Đây là vị thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót để ca ngợi tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, đồng thời cũng để mọi người noi gương Mẹ đem lòng thương xót đến những người xung quanh.

Mẹ Têrêsa sinh ngày 26 tháng 08 năm 1910 tại Albania.  Têrêsa mồ côi cha năm lên 9 tuổi và bắt đầu bước vào cuộc sống chật vật. Tuy nhiên Têrêsa vẫn luôn sống trong vòng tay thân thương của người mẹ, Bà Drana, đạo đức thánh thiện. Bà luôn ưu tiên dành thời gian để giáo dục con cái cầu nguyện mỗi tối, tham dự thánh lễ hằng ngày, lần chui Mân Côi và quan tâm giúp đỡ người nghèo. Bà đã tình nguyện chăm sóc một phụ nữ nghiện rượu ở gần đấy. Mỗi ngày hai lần, bà đến rửa ráy và cho người phụ nữ ấy ăn, đồng thời bà cũng chăm sóc một bà góa có 6 con.

Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Têrêsa một môi trường đặc biệt ngay từ nhỏ để sau này trở thành người Samaritanô nhân hậu của thời đại. Năm 18 tuổi Têrêsa bước vào nhà dòng nữ Loreto sống đời tận hiến. Năm 21 tuổi sơ khấn lần đầu và 29 tuổi khấn trọn đời. Từ đó sơ hoàn toàn tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa trong sứ mạng dạy học. Sau này, lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa mời gọi phục vụ anh chị em đau khổ, sơ đã thiết lập nhà dòng Thừa Sai Bác Ái để phục vụ những con người bất hạnh, bị xã hội bỏ rơi.

2

Cuộc đời Mẹ Têrêsa hoàn toàn theo dấu chân Chúa Giêsu, vị Mục Tử đầy Lòng Thương Xót. Qua bài Tin Mừng trên chúng thấy hình ảnh người khổ bị bọn cướp đánh dập dụi rồi bỏ giữa đường là hình ảnh của mỗi con người trong cuộc đời trần thế này. Giữa lúc quằn quại trong cuộc đời tưởng như tuyệt vọng thì Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài, Đức Giêsu Kitô, đến băng bó và chữa vết thương ấy. Chúa Giêsu chính là hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, là “dung mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha.” [1] Nơi Ngài, “lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh.”[2]Khi chăm chú ngắm nhìn Chúa Giêsu và dung mạo lòng thương xót của Người, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ Chúa Cha sứ vụ mặc khải trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8.16).[3] Con người ngày nay cũng đang bị “đánh bầm dập” bởi tội lỗi, lòng ích kỷ, sự hận thù, bởi tính thờ ơ hầu như vô cảm đối với nhau. Cuộc đời này vẫn vậy, vẫn cần những con người dám hy sinh để bày tỏ lòng thương xót của Thiên  Chúa cho anh chị em mình, theo lời dạy của Chúa Giêsu,  mà Mẹ Têrêsa là một mẫu gương tuyệt vời.

Noi gương Mẹ Têrêsa và theo chân Chúa Giêsu, chúng ta sống và loan truyền Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho giới này, đặc biệt những anh chị em đau khổ tinh thần lẫn vật chất. Sống và loan báo Lòng Thương Xót là cũng là điều Đức Thánh Cha kêu gọi con cái Giáo Hội luôn nỗ lực thực hiện. Ngài nói: lòng thương xót nếu không có việc làm thì tự nó chết. Thật vậy Lòng Thương Xót không phải là một đề tài lý thuyết nhưng là một thực tại đụng chạm vào cuộc sống con người. Xin cho mỗi người chúng ta được Lòng Thương Xót của Chúa đụng chạm vào tâm hồn để biết chia sẻ Lòng Thương Xót đó cho anh chị em khác. Như thế chúng ta sẽ trở nên những người Samaritanô nhân hậu của thế giới nhiều đau thương này. Amen.



[1] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót Misericordiæ Vultus (Roma: 11/04/2015), 1.

[2] Ibid.

[3] Ibid., 8.