23/01/2025

Chúa Nhật XXIV TN C – 2016: Cảm nghiệm và thể hiện Lòng Chúa xót thương

Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót đã gần đến tháng cuối cùng mà dường như chúng ta vẫn chưa cảm nghiệm và thể hiện được lòng thương xót của Thiên Chúa.Tại sao?

Cảm nghiệm và thể hiện Lòng Chúa xót thương

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót đã gần đến tháng cuối cùng mà dường như chúng ta vẫn chưa cảm nghiệm và thể hiện được lòng thương xót của Thiên Chúa theo ý ĐTC Gioan Phaolô II và ĐTC Phanxicô mong muốn qua các tông huấn và tông sắc của các ngài. Vì thế, hôm nay chúng ta muốn hỏi: “Tại sao chúng ta chưa cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa? Nếu chúng ta chưa cảm nghiệm thì làm sao chúng ta có thể thể hiện được lòng thương xót đó cho mọi người?

1. Tình trạng vô cảm

1.1. Trong cộng đồng xã hội

Bài sách Xuất Hành (x. Xh 32,7-11.13-14) đã nhắc nhở chúng ta về dân tộc Do Thái: “họ đã đi ra ngoài con đường mà Chúa truyền cho họ đi”, họ đã đúc con bê bằng vàng để sụp xuống thờ lạy và tế lễ nó, họ đã tôn vinh nó là thần đã cứu họ thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập chứ không phải là Thiên Chúa, dù họ thừa hưởng mỗi ngày những ân huệ của lòng Chúa thương xót: manna, nước uống chảy từ tảng đá, cột mây che nắng ban ngày, cột lửa soi sáng ban đêm…

Trong thời hiện đại này, người ta cũng đang tôn thờ đủ loại thần tượng: tiền của, danh vọng, khoa học, chủ nghĩa, ý thức hệ, kinh tế thị trường, hệ thống chính trị, đảng phái… Họ nghĩ rằng tất cả những thứ đó có thể thoả mãn những yêu cầu của họ, có thể cứu thoát họ khỏi những khốn khổ ở đời này.

Chúa có quyền trừng phạt lòng vô ơn, vô cảm của họ và loại bỏ họ để tạo dựng nên một dân tộc mới. Nhưng vì ông Môsê đã can thiệp, xin Chúa nhớ lại cha ông của họ là Abraham, Isaac và Jacob nên Chúa đã tỏ lòng thương xót tha thứ cho dân tộc Do Thái.

1.2. Về phương diện cá nhân

Mỗi người chúng ta có thể cảm nghiệm được như thánh Phaolô (x.1Tm 1,12-17) rằng mình cũng đáng bị trừng phạt vì thói vô cảm, vô ơn như thế. Trước khi trở lại đạo Công giáo, Phaolô cũng đã lộng ngôn, xúc phạm đến Chúa Giêsu, đã bắt đạo và ngạo ngược đối với các tín hữu.

Nhưng ngài đã cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa và của Đức Giêsu trên con đường đi Damas. Thiên Chúa đã tha thứ cho Phaolô, nên ngài nói rằng: “ Sở dĩ tôi được thương xót là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ tội lỗi đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời”.

Chúng ta cũng được Chúa kêu gọi và đặt ta làm gương cho những anh chị em khác nếu chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót đối với tội lỗi nặng nề của ta và chúng ta sẽ giúp cho tất cả những người chung quanh cảm nghiệm được tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta: Vì sao chúng ta lại không, hay chưa, cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa?

2. Nguyên nhân vô cảm

2.1. Chỉ quan tâm đến cái mình có và quên mất cái mình là

Qua các dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 15,1-32) Chúa Giêsu như mời gọi chúng ta suy nghĩ về tình yêu của Cha Trên Trời: Ngài vui mừng như thế nào khi những người tội lỗi ăn năn trở lại. Tuy nhiên dường như con người như vô cảm trước tình yêu thương xót của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cảm nghiệm được tội lỗi của chúng ta xúc phạm đến Ngài, bởi vì từng giây từng phút Chúa yêu ta mà ta lại không yêu Chúa. Từng giây từng phút Chúa ban cho chúng ta sự sống, tình yêu, tư tưởng; Chúa ban cho chúng ta trời đất sống núi, biển khơi với không khí ta thở, với muôn vật hy sinh cho ta để giúp ta sống. Tất cả là những quà tặng Chúa ban không cho ta. Chúa muốn cho chúng ta sống ở trần thế này vài chục năm để chúng ta cảm nghiệm được lòng thương yêu ấy và chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh hằng, tốt đẹp và cao quý gấp bội khi Ngài đón nhận chúng ta như là con yêu dấu của Ngài vì đã ban Đức Giêsu là Con Một của Ngài cho ta để giúp ta sống, chết và sống lại như Người.

Nhưng chúng ta vẫn bám víu vào cuộc sống ở trần gian này giống như hai người con trong dụ ngôn, bám víu vào những cái chúng ta đang có và quên đi bản chất làm con trong nhà Cha. Nhiều người ngoài Kitô giáo, giống như đứa con thứ, đã phung phí những tài sản theo lòng dục của mình, tiêu phí hết những thứ Cha ban đến nỗi trở thành những kẻ khốn cùng, không xứng đáng làm con người và làm con Thiên Chúa. Còn rất nhiều Kitô hữu lại giống như người con cả, sống trong nhà Cha, sống trong ơn nghĩa với Cha với biết bao nhiêu những ân phúc, nhưng vẫn tưởng mình là những tên nô lệ cặm cụi làm việc không lương cho cha. Họ có cả một kho tàng nhưng họ vẫn nghĩ mình trắng tay như người con cả, đến nỗi không dám lấy đi một con dê nhỏ để ăn mừng với bạn vì tưởng rằng đó là tài sản của cha chứ không phải của mình. Cả hai loại người này đều vô cảm trước tình yêu rộng lượng của người cha vì chỉ nghĩ đến cái mình có hay muốn có.

 

2.2.  Trở về với lòng thương xót để nhận ra địa vị làm con cao quý của mình

Chìa khoá để cảm nhận được lòng thương xót của Cha Trên Trời nằm ở những lời mời gọi của người cha đối với người con cả: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Chúng ta phải thay đổi nhận thức: bỏ đi thái độ chỉ quan tâm  đến cái mình có mà phải nhận ra được địa vị làm con cao quý của mình. Muốn thế ta phải kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, người con duy nhất của Chúa Cha, để Người chuyển thông cho chúng ta Thánh Thần Tình Yêu thì chúng ta mới có thể gọi lên tiếng “cha ơi” như Người (x. Rm 8,15; Gl 4,6).

Chính khi kết hợp thành một với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cảm nhận được tất cả tình yêu vô bờ và quyền năng vô tận của Thiên Chúa để trở thành người con thật sự. Lúc đó chúng ta mới thể hiện được tình yêu thương xót của Cha Trên Trời bằng những hành động tốt đẹp trong cuộc sống, bằng cả những phép lạ hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại như Chúa Giêsu.

Chiều ngày 10/9/2016, hôm qua, tại Hội trường Nhà thờ Đa Minh Ba Chuông, chúng tôi tổ chức đêm hội Trung Thu “Vầng Tăng Yêu Thương lần IX” cho hơn 200 em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có nhiều em nhiễm HIV ở TP.HCM và tỉnh Bến Tre. Sáng chủ nhật hôm nay, đoàn tình nguyện viên tặng quà cho 150 em gồm các bệnh nhi nghèo ở các bệnh viện Nhi Đồng I và II, 200 em đồng bào thiểu số ở Bình Phước. Toàn bộ chương trình gồm 550 em, mỗi em nhận được phần quà giá trị khoảng hơn 400.000 đồng. Nhiều nhà hảo tâm đã tặng quà cho các em và chúng tôi cảm nghiệm được phép lạ hoá bánh vẫn còn đang được thực hiện trong thời đại chúng ta khi có nhiều người cảm nghiệm lòng thương xót của Cha Trên Trời và thể hiện lòng thương xót đó cho những con người khốn khổ quanh mình.

Lời kết

Bài học vô cảm và cảm nghiệm ấy sẽ còn được thực tập mãi trong đời sống cho đến khi nào chúng ta để cho Chúa Giêsu hoàn toàn chiếm hữu được mình. Lúc đó chúng ta không còn sống cho chính mình nữa nên không còn là mình nữa. Lúc đó chúng ta trở thành một với Chúa Giêsu và trở nên dung mạo đích thực của Lòng Chúa xót thương.