Bắt quả tang tàu đổ bùn thải xuống biển Nghệ An
Lực lượng biên phòng vừa bắt quả tang một tàu vận tải đang đổ bùn thải xuống vùng biển Nghệ An và đang điều tra làm rõ nguồn gốc số bùn thải này.
Bắt quả tang tàu đổ bùn thải xuống biển Nghệ An
Lực lượng biên phòng vừa bắt quả tang một tàu vận tải đang đổ bùn thải xuống vùng biển Nghệ An và đang điều tra làm rõ nguồn gốc số bùn thải này.
Ngày 12.9, ông Nguyễn Thế Hậu, Phó giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường Nghệ An, cho biết trung tâm đang lưu giữ 3 mẫu bùn được lấy trên khoang tàu LA 03266 do ông Huỳnh Sâm Ral (34 tuổi, ngụ H.Hòn Đất, Kiên Giang) làm thuyền trưởng, bị lực lượng chức năng bắt quả tang đang đổ bùn xuống vùng biển Nghệ An, chờ phân tích có độc hại hay không.
TIN LIÊN QUAN
Bắt giữ tàu đổ bùn thải ra biển
Cơ quan chức năng Nghệ An đang điều tra, xác minh một tàu chở bùn từ cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) ra đổ tại vùng biển huyện Quỳnh Lập (Nghệ An) bị lực lượng biên phòng phát hiện, bắt giữ vào đêm 8.9.
Theo báo cáo của UBND TX.Hoàng Mai (Nghệ An), tối 8.9 nhận tin báo từ các ngư dân, Đồn biên phòng Quỳnh Phương (đóng tại TX.Hoàng Mai) phối hợp UBND xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai) đến hiện trường kiểm tra, phát hiện ông Ral cùng 3 thuyền viên đang đổ bùn từ tàu LA 03266 công suất 350 CV xuống vùng biển Đông Hồi (xã Quỳnh Lập). Thời điểm này, trên tàu còn 2/12 khoang chứa đầy bùn. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, sau đó đưa tàu về tạm giữ để xác minh, làm rõ hành vi đổ thải.
Theo hồ sơ của chủ tàu LA 03266 là Công ty TNHH Hiệp Thành (có trụ sở tại TP.HCM) cung cấp, số bùn này từ hút nạo vét luồng của dự án nạo vét Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn (H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa), hạng mục nạo vét khu nước trước bến 1, 2 và 2A với khối lượng nạo vét 300.000 m3 bùn.
Chưa được cấp phép
Ông Trịnh Thế Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP gang thép Nghi Sơn, nói tàu LA 03266 đang hợp đồng nạo vét luồng, tuyến có đầy đủ các thủ tục đúng với quy định pháp luật. “Việc tàu của nhà thầu hợp đồng với chúng tôi bị bắt giữ là do sau khi đổ ở vị trí đổ thải của công ty đã quay vòng qua vùng biển Nghệ An, do vị trí này nằm giáp ranh với địa phận Nghệ An. Hiện Công ty CP gang thép Nghi Sơn đã vào Đồn biên phòng Nghi Phương để xuất trình các thủ tục cần thiết nhưng đồn này vẫn chưa trao trả con tàu”, ông Dũng nói.
Ngược với giải thích của ông Dũng, chiều 12.9, trả lời Thanh Niên, ông Đặng Văn Ba, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa, khẳng định Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn (thuộc Công ty CP gang thép Nghi Sơn) vẫn chưa được Cảng vụ Thanh Hoá chấp thuận thi công luồng, tuyến và khu vực cảng vì chủ đầu tư chưa có phương án bảo đảm an toàn hàng hải trong quá trình thi công. Vì vậy, việc Công ty CP gang thép Nghi Sơn thuê đơn vị thi công là vi phạm quy định.
“Ngày 8.9, chúng tôi đã phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, phạt 30 triệu đồng đối với Công ty CP gang thép Nghi Sơn vì đã thi công công trình, sử dụng các phương tiện nạo vét luồng khi chưa có sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải Thanh Hoá”, ông Ba nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng An toàn hàng hải và thanh tra hàng hải (Cảng vụ Thanh Hoá), tàu LA 03266 mang cấp VR-SB – vận tải sông biển. Con tàu này cập cảng Nghi Sơn ngày 29.8 và hiện chưa được Cảng vụ Thanh Hoá kiểm tra an toàn kỹ thuật hàng hải, chưa được cấp phép thi công nạo vét luồng lạch. “Về nguyên tắc, con tàu này chưa được phép hoạt động nạo vét, vận chuyển chất thải trong khu vực vịnh Nghi Sơn, muốn ra khỏi khu vực cảng Nghi Sơn phải thông báo cho Cảng vụ Thanh Hoá.
Tuy nhiên, con tàu này đã hoạt động nạo vét trái phép, ra vào không thông báo. Có thể do chủ đầu tư và đơn vị thi công tiến hành nạo vét “trộm” vào ban đêm, nên chúng tôi không phát hiện được”, ông Sơn nói.
Liên quan đến việc Công ty môi trường Nghi Sơn hợp đồng với Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xử lý 400 tấn chất thải nguy hại của Formosa, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn, nói đến thời điểm này chưa có 1 kg chất nguy hại nào của Formosa được đưa về Công ty môi trường Nghi Sơn. “Ngày 6.9, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn đã làm việc với Công ty môi trường Nghi Sơn, yêu cầu báo cáo vụ việc cụ thể. Tại buổi làm việc, chúng tôi khuyến cáo công ty không nên xử lý chất thải của Formosa vì Bộ TN-MT chưa cho phép. Phía công ty cũng khẳng định sẽ không hợp đồng với Formosa”, ông Thi nói.
|
N.Minh – K.Hoan – P.Đức