24/01/2025

Sẽ dừng ngay dự án nếu không đảm bảo môi trường

Theo ông Lê Phước Vũ, dự án thép ở Ninh Thuận của HSG đang ở thời điểm khá nhạy cảm, nhất là sau vụ ô nhiễm môi trường của Formosa và các vấn đề xoay quanh Biển Đông.

 Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen:

Sẽ dừng ngay dự án nếu không đảm bảo môi trường

 

Theo ông Lê Phước Vũ, dự án thép ở Ninh Thuận của HSG đang ở thời điểm khá nhạy cảm, nhất là sau vụ ô nhiễm môi trường của Formosa và các vấn đề xoay quanh Biển Đông.




Phối cảnh 3D dự án thép Cà Ná	 /// Ảnh: TL

Phối cảnh 3D dự án thép Cà NáẢNH: TL

Chiều 7.9, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã trao đổi với báo chí xoay quanh nội dung về dự án xây dựng “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận” mà dư luận đang rất quan tâm.
Theo ông Lê Phước Vũ, dự án thép ở Ninh Thuận của HSG đang ở thời điểm khá nhạy cảm, nhất là sau vụ ô nhiễm môi trường của Formosa và các vấn đề xoay quanh Biển Đông. Tuy nhiên, quyết định đầu tư vào dự án thép đã được HSG đưa ra trước khi xảy ra câu chuyện của Formosa.
Thuê nhiều tập đoàn tư vấn


Ông Lê Phước Vũ cho biết những nội dung trao đổi tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 6.9 chỉ là lời nói “với người trong nhà”,  là thông tin nội bộ trong cuộc họp cổ đông, không phải là lời nói ra với công luận. Bản thân là Chủ tịch HĐQT, ông phải trấn an cổ đông trước nhiều thông tin trái ngược nhau. 

Thời gian qua, HSG đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát tìm địa điểm, từ Dung Quất vào đến Ninh Thuận cùng chuyên gia đến từ các tập đoàn tư vấn quốc tế như SMS (Đức), Primetals (liên doanh từ Nhật, Áo, Đức, Ý), Daneili (Ý)… Ông Vũ phân tích, hiện ngành thép thế giới đang khủng hoảng thừa khiến các nhà máy chế tạo thép thiếu đơn hàng. Từ đó, giá thiết bị, công nghệ giảm mạnh sẽ giúp chi phí đầu tư cho dự án giảm mạnh, thậm chí chỉ còn 50% so với chi phí đầu tư thông thường. Ví dụ, Formosa đầu tư công suất 7,5 triệu tấn thép các loại với nguồn vốn 10 tỉ USD thì dự án Hoa Sen có công suất lên gấp đôi, hơn 16 triệu tấn thép, tổng vốn đầu tư ước tính cũng chỉ trên 10 tỉ USD. Trong khi đó, tại VN, nhu cầu tiêu thụ thép đang gia tăng cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Theo dự báo của Bộ Công thương, mức nhập siêu của ngành thép cả năm 2015 là 6,6 tỉ USD và ước tính năm nay mức nhập siêu lên gần 7 tỉ USD.

Liên quan đến vấn đề thuê chuyên gia tư vấn, ông Vũ cho biết HSG cũng mới ở giai đoạn ban đầu, làm việc với các tập đoàn, các chuyên gia tư vấn về giải pháp, công nghệ để xúc tiến lập dự án và làm thủ tục xin phép đầu tư nên chưa có quyết định lựa chọn về đơn vị cung cấp thiết bị. Hơn nữa, vì dự án trong quá trình chào thầu nên không thể công bố mua của ai vì điều đó sẽ khiến HSG bị thiệt hại nặng.
“Sau sự việc của Formosa, nhiều người lo ngại dự án thép sẽ gây ô nhiễm môi trường là chính đáng. Chúng tôi hiểu điều đó và không bao giờ làm trái ý nguyện của người dân. Trong quá trình tư vấn, lựa chọn giải pháp công nghệ, nếu thấy không đảm bảo an toàn tuyệt đối về môi trường thì tôi sẽ dừng dự án ngay lập tức. Nhưng đây là cơ hội để đầu tư công nghiệp hóa, hiện đại hoá nâng cao năng lực của HSG nói riêng và năng lực cạnh tranh nói chung của VN. Nếu để chậm 1 – 2 năm nữa thì cơ hội sẽ khác hoàn toàn. Ngoài ra, còn có vấn đề tạo thêm công ăn việc làm cho 15.000 – 20.000 người và tận dụng nguồn tài nguyên trong nước, góp phần giảm nhập siêu của VN”, ông Lê Phước Vũ khẳng định.
Nêu ví dụ Trung Quốc đã đóng cửa nhiều nhà máy thép gây ô nhiễm, ông Vũ cũng cho rằng đây là bài học lớn cho cả VN và bản thân HSG. Bởi nếu đang hoạt động mà bị đóng cửa nhà máy là “chính tôi tự giết mình”. Vì vậy, HSG sẽ phải đầu tư bài bản, có ý thức bảo vệ môi trường ngay từ đầu khi lập dự án.
Sẽ công khai từng giai đoạn của dự án
Trả lời câu hỏi về việc khối lượng nước khổng lồ sử dụng cho dự án trong khi Ninh Thuận được xem là tỉnh thường xuyên bị khô hạn, người dân thiếu nước cho cây trồng vật nuôi, ông Lê Phước Vũ cho biết, hiện nay Ninh Thuận đang xây dựng thêm các hồ chứa nước và dung lượng nước sẽ được tăng lên từ từ. Trong giai đoạn 1.1, dự kiến dự án chỉ sử dụng khoảng 15.000 m3/ngày. Hiện tại, Nhà máy cấp nước Phước Nam đang thừa công suất để có thể đáp ứng nhu cầu này và đường ống dẫn nước cũng đã được kéo gần tới vị trí dự án. Trong các giai đoạn tiếp theo, nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng dần theo tiến độ của dự án. Tuy nhiên, UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen cũng đang tiến hành phối hợp chặt chẽ để đưa ra phương án nhằm đáp ứng nhu cầu về nước của dự án trong các giai đoạn tiếp theo, đồng thời tránh ảnh hưởng đến các hoạt động của tỉnh Ninh Thuận. Ngoài ra, chúng tôi còn có kế hoạch dự trù nếu thiếu sẽ lọc nước biển. “Nếu để lọc nước biển cho sinh hoạt của con người thì chi phí rất cao nhưng lọc nước biển để làm mát cho hệ thống nhà máy thép thì không khó và chi phí cũng thấp. Các tổ hợp sản xuất trên thế giới đa số đều đang lọc nước biển để làm mát. Hiện nay, Tập đoàn GE (Mỹ) cũng đang giới thiệu với HSG về toàn bộ công nghệ hút bụi, lọc nước biển…” – ông Vũ nói.
Ông Heyno M.Smith, chuyên gia xử lý môi trường đến từ Tập đoàn GMC (Mỹ) – đơn vị đang tư vấn cho HSG về dự án thép tại Cà Ná, cho biết thêm: HSG sử dụng công nghệ luyện cốc, nhưng không thu hồi hóa chất mà thu hồi nhiệt để làm phát điện. Tất cả nước thải của dự án sẽ được xử lý trong phạm vi nhà máy và được tái sử dụng. Đây là tiêu chuẩn thông thường của nhiều nhà máy trên thế giới. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp chấp nhận đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải khoảng 5 – 10% hoặc thậm chí tính toàn bộ các thiết bị có thể lên tới 15 – 20% tổng vốn đầu tư của dự án như HSG thì nguy cơ về ô nhiễm là rất thấp. Thậm chí ngay các cống thoát nước mưa cũng được thu hồi đưa về hồ xử lý và có lắp đặt quan trắc để đo chi tiết các chỉ tiêu chất lượng và kiểm soát liên tục.
Bản thân ông Lê Phước Vũ khẳng định: Ngoài lời hứa với Chính phủ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận, công ty sẽ minh bạch toàn bộ dự án trong từng công đoạn thực hiện. Ví dụ, HSG sẽ họp báo không khai về việc mua thiết bị của ai, các công nghệ giải pháp lựa chọn của đơn vị nào…

 

Thảo Vy