Chúa Nhật XXIII TN C – 2016: Từ bỏ tất cả để trở thành môn đệ Chúa Giêsu
Nếu từ bỏ cả mạng sống mình, từ bỏ chính mình rồi thì ta lấy cái gì để vác thánh giá mình mà đi theo Chúa Giêsu? – Hơn nữa, nếu từ bỏ chính mình, ta trở thành hư không mất rồi, thì ta còn lại gì khi từ bỏ hết những gì mình có?
Từ bỏ tất cả để trở thành môn đệ Chúa Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh Chúa Nhật tuần này mời gọi chúng ta suy nghĩ về giá trị tuyệt vời của người môn đệ Chúa Giêsu và dạy ta phải làm gì để trở thành người môn đệ ấy. Hôm nay, 4/9/2016, Giáo Hội tuyên phong Mẹ Têrêsa Calcutta lên bậc hiển thánh. Mẹ trở thành hình ảnh sống động của người môn đệ Chúa Giêsu cho toàn thế giới.
1. Người môn đệ Chúa Giêsu là ai?
1.1. Muốn biết người đó là ai, ta cần phải khôn ngoan
Một sinh viên muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư hay nhà văn, nhà báo, người đó phải suy nghĩ tìm hiểu kỹ lưỡng ngành nghề mình chọn và hoạch định cả một chương trình hành động để đạt được ước mơ của mình. Người đó phải bỏ đi những giờ chơi trò chơi trực tuyến, những phim ảnh đồi truỵ, những trò giải trí vô ích, bớt đi những cuộc thăm viếng bạn bè để tập trung vào việc học hành, đào tạo. Sau một số năm cố gắng kiên trì, người đó mới trở thành bác sĩ, kỹ sư… như lòng mình mong ước, mới đạt được hạnh phúc, địa vị, tiền bạc và trở nên người hữu ích cho gia đình, xã hội.
Muốn trở hành môn đệ Chúa Giêsu, ta lại càng cần phải khôn ngoan để tìm hiểu xem mình sẽ là người như thế nào, cần những điều kiện gì, khả năng gì, giống như người biết suy nghĩ cân nhắc trước khi xây tháp hay đem quân chống lại quân đội nước khác (x. Lc 14,28-32). Rất nhiều tín hữu Công giáo hiện nay không suy nghĩ, tìm hiểu về giá trị vô cùng cao quý của người môn đệ Chúa Giêsu. Họ tưởng rằng đó là một danh hiệu thông thường thêm vào đời làm người hay làm tín hữu của mình.
1.2. Cần Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần soi sáng
Muốn hiểu được giá trị cao cả của môn đệ Đức Giêsu, chúng ta cần phải nhờ đến Chúa Giêsu là nguồn của sự khôn ngoan và Thần Khí của Người soi sáng (x. Kn 9,17).
Bài sách Khôn Ngoan (x. Kn 9,13-18) nhắc bảo chúng ta rằng: là người phàm làm sao ta hiểu được ý định cao cả của Thiên Chúa khi tạo dựng nên con người theo hình ảnh sống động của Ngài, ban cho con người tất cả những ân huệ tốt đẹp, ban cho tinh thần biết mở ra đến vô biên để có thể gặp gỡ được Thiên Chúa. Đó là bản chất cao quý tuyệt vời của mỗi con người. Bản chất đó mang tính vĩnh hằng vì nó thuộc về Thiên Chúa.
Nhưng khi sống ở trần gian, con người thuòng không để ý đến bản chất hiện hữu ấy mà chỉ chú ý đi tìm những gì mình sở hữu nhất thời: nhà cửa, tiền bạc, ruộng vườn, địa vị, kể cả cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè, quốc gia, dân tộc. Nhiều người đã lẫn lộn giữa cái họ là và cái họ có, giữa hiện hữu và sở hữu. Họ nghĩ mình “là” người Việt Nam, “là” người giàu có nhưng thật sự đó chỉ là những thứ sở hữu cho cuộc sống ở trần thế: bước qua ngưỡng cửa cái chết, họ sẽ bỏ lại tất cả, chỉ còn là một con người mang hình ảnh Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, thánh Phaolô mới khuyên chúng ta: “Vậy không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di hay mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong tất cả” (Cl 3,11).
Tuy nhiên, đó mới chỉ là giá trị cao cả của một con người thụ tạo, còn người môn đệ của Chúa Giêsu thì cao quý hơn gấp bội vì họ không còn phải là thụ tạo, nhưng được nâng lên ngang hàng với Thiên Chúa nhờ kết hợp thành một với Chúa Giêsu Kitô. Họ chính là hiện thân của Chúa Giêsu cho thế giới hôm nay để tiếp tục công trình cứu độ bằng việc loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại và tác động đến vạn vật để giải thoát muôn loài. Đây là bản chất vĩnh hằng của người môn đệ vượt lên trên tất cả những cái gì họ có đi kèm theo: dù là các ân sủng hay chức thánh, dù là sống đời tu trì hay hôn nhân…
Hơn nữa, Chúa Giêsu không ép buộc ta phải trở thành môn đệ của Người nhưng để ta tự nguyện chọn lựa sau khi đã suy nghĩ kỹ càng để ta khỏi bỏ dở nửa chừng mà không được lợi ích gì như người sinh viên bỏ dở dang việc học. Nhiều Kitô hữu rất muốn trở thành những môn đệ thân tín của Người như các tông đồ xưa, nhưng họ không kiên trì đến cùng. Vậy muốn trở thành môn đệ đích thực, họ cần phải làm gì?
2. “Từ bỏ tất cả những gì mình có”
2.1. Từ bỏ triệt để
Trong bài Tin Mừng (x. Lc 14,25-33), Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại điều kiện cần và đủ: “phải từ bỏ tất cả những gì mình có”. Người công bố một cách rõ ràng: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được… Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được“.
Người muốn chúng ta nhận rõ giá trị của cái chúng ta “là”, là con người và là con Thiên Chúa, vượt lên trên giá trị của những cái chúng ta “có” như cha mẹ, vợ chồng, con cái, chức tước, quyền lợi, địa vị, tài sản, quốc gia… Người yêu cầu chúng ta bỏ hết những cái mình có để phát huy những cái mình là, để hoà nhập thành một với Người và trở thành hiện thân của Người trong thế giới hôm nay. Đó cũng là tâm tình của thánh Phaolô mời gọi Philêmôn đón nhận lại Ônêsimô như một người anh em hay như chính Phaolô. Ônêsimô trước đây là nô lệ đã bỏ trốn và Philêmôn có quyền bỏ tù hay giết chết như những người chủ khác. Tuy nhiên vì cả ba đều tin vào Chúa Giêsu nên đã là một trong nhau rồi (x. Pl 9b.10.12-17).
Quả thực trong đời tín hữu, chúng ta vẫn bám vào những cái mình có: chúng ta lo lắng cho gia đình, người thân, chúng ta bám chặt vào những công việc, chức vị để lo cho mạng sống, chúng ta nhân danh Chúa để xây dựng nhà thờ, nhà xứ, lo cho giáo xứ, giáo phận, lo các công việc bác ái, đạo đức, hành hương…Chúng ta tốn rất nhiều sức lực, tiền của và cả ân sủng Chúa ban để lo cho những thứ mình sở hữu đến độ quên mất sự hiện hữu cao quý của mình như người môn đệ Chúa Giêsu. Đó cũng là lý do chúng ta không phát huy được tư cách là người môn đệ Chúa.
2.2. Câu hỏi hóc búa
Khi đọc đoạn Tin Mừng này, một người bạn đã gửi đến tôi hai câu hỏi mà tôi nghĩ là khó có thể trả lời nếu ta không phân biệt được cái mình là với cái mình có. Người đó hỏi rằng:
– Nếu từ bỏ cả mạng sống mình, từ bỏ chính mình rồi thì ta lấy cái gì để vác thánh giá mình mà đi theo Chúa Giêsu?
– Hơn nữa, nếu từ bỏ chính mình, ta trở thành hư không mất rồi, thì ta còn lại gì khi từ bỏ hết những gì mình có?
Đây là hai câu hỏi rất hay mời gọi ta khám phá bản thân mình để thấy rằng: khi ta dám lột bỏ tất cả những gì mình có, thì “cái mình là” với bản chất vĩnh hằng mới lộ rõ ra ngoài. Bản chất đó là con người cao quý được Thiên Chúa dựng nên và được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc để hoà nhập thành một với Người trong thân thể nhiệm mầu.
Như thế, khi từ bỏ chính cái tôi sở hữu của mình và cả mạng sống mình thì cái tôi hiện hữu là Chúa Giêsu Kitô hiển hiện trong ta. Chính Người giúp ta mang thập giá của ta, cũng là một phần thập giá của Người, trong toàn bộ công trình cứu độ thế giới. Hơn nữa, khi từ bỏ chính mình như thế, chúng ta không đánh mất bất cứ một giá trị tốt đẹp nào, vì tất cả những sở hữu kia chỉ là những ân sủng Chúa ban trong cuộc đời trần thế để làm giàu cho giá trị hiện hữu của ta.
2.3. Gương sống của người môn đệ
Khi chúng ta theo Chúa Giêsu, bỏ tất cả những gì mình có để trở thành môn đệ của Người, chúng ta mới thấy phép lạ là chuyện rất thường trong đời sống. Chúng ta chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi cả triệu người là chuyện rất bình thường trong cuộc đời tín hữu.
Mẹ Têrêsa khi ra khỏi dòng Đức Mẹ Lorette năm 1948 để lập dòng Thừa sai Bác Ái, Mẹ chỉ có 2 bộ quần áo, với 1 cục xà bông và 5 rupi Ấn Độ (tương đương 5.000 đồng Việt Nam). Nhưng vào năm 1997, khi Mẹ qua đời, số nữ tu con cái của Mẹ là 4.000 người hoạt động trong 610 nhà thuộc 123 nước trên thế giới. Mẹ được cả thế giới ngưỡng mộ. Khi chết, Mẹ được Ấn Độ cử hành quốc tang, trở thành công dân danh dự của Hoa Kỳ, năm 2003 được nâng lên hàng Chân phước, và hôm nay được nâng lên bậc hiển thánh. Người môn đệ ấy của Chúa Giêsu với bao nhiêu phép lạ vẫn còn đang thực hiện cho con người nhiều công trình lo cho những người nghèo khổ, khốn khó.
Lời kết
Đó là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu cho thế giới hôm nay và cũng là lời mời gọi chúng ta bỏ hết tất cả những gì mình có để trở thành người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu như Mẹ Têrêsa. Đây cũng là lời cầu chúc chúng tôi gửi đến anh chị em. Xin thánh nữ Têrêsa Calcutta chuyển cầu cho chúng ta.