Cách đây một tuần, Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Paul Selva cho biết những loại vũ khí tự hành như trong loạt phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng Terminator (Kẻ huỷ diệt), như hệ thống mạng quân sự Skynet tạo ra đội người máy tiêu diệt nhân loại, sẽ không còn là thứ xa vời. “Chúng ta có thể tiến tới khả năng đó trong vòng một thập niên nữa”, tướng Selva phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), theo báo The Christian Science Monitor.
Tuy nhiên, ông Selva lo ngại về những nguy cơ tiềm tàng do chính những hệ thống vũ khí tự hành gây ra cho con người. “Chúng ta phải rất cẩn thận không thiết kế những hệ thống (tự hành – NV) có thể tạo tình huống mà trong đó những hệ thống này thực tế vượt qua quyết định của con người. Chúng ta có thể tiến gần giới hạn đó một cách nguy hiểm và chúng ta phải hành động bảo vệ chính mình và người dân mà mình phục vụ để đảm bảo giới hạn đó luôn an toàn”, tướng Selva nhấn mạnh.
Cạnh tranh phát triển
Theo The Christian Science Monitor, một số quan chức Mỹ cho rằng các đối thủ như Nga và Trung Quốc đang hoặc sắp chế tạo hệ thống vũ khí huỷ diệt hoàn toàn tự hành và di chuyển nhanh. Vì thế, Lầu Năm Góc cũng nên thiết kế những loại vũ khí này, không phải để sử dụng mà để biết chúng hoạt động như thế nào nhằm tìm cách ứng phó.
|
|
Phải chấp nhận nguy cơ ?
Chuyên gia Paul Scharre thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới đây nhận định với tờ The Christian Science Monitor rằng dù vũ khí tự hành có được thử nghiệm kỹ lưỡng đến mức nào thì vẫn có điều bất ngờ xảy ra khi nó được vào môi trường tác chiến thực tế. Do đó, ông Scharre cho rằng phải chấp nhận nguy cơ khi triển khai loại vũ khí này. Theo ông, có vài trường hợp những lợi ích của tình trạng tự hành có thể nhiều hơn nguy cơ mà nó mang lại. Một trong những lợi ích đó là tốc độ đưa ra quyết định. Ông Scharre còn chỉ ra nhiều sáng chế như xe tự lái có thể sẽ cứu hàng chục ngàn người trong nhiều năm tới.
|
|
|
Hồi tháng 10.2015, một công ty Nga đã thử nghiệm thành công phần mềm Unicum, hay còn được gọi là “Skynet Nga”, theo Đài RT. Unicum quản lý 10 robot, liên lạc và phân bổ vai trò cho các robot, chọn chỉ huy và giao nhiệm vụ tác chiến cho chúng mà không cần mệnh lệnh của con người. “Skynet Nga” sẽ lãnh đạo đội robot quân sự trên chiến trường trong tương lai.
Có lẽ do đó mà Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần Frank Kendall hồi tháng trước tuyên bố với các độc giả trang Breaking Defense News rằng Mỹ có thể mất lợi thế so với đối thủ nếu luôn tìm cách kiểm soát vũ khí tự động. Ông nói: “Các bên khác sắp làm điều đó. Họ sẽ không bị ép buộc như chúng ta và chúng ta sẽ gặp phải bất lợi cơ bản nếu không làm”.
Một số quan chức Lầu Năm Góc còn lập luận rằng nếu đối thủ phát triển một hệ thống vũ khí tự động hiệu quả, nó sẽ có thể phản ứng nhanh hơn một hệ thống của Mỹ có sự kiểm soát của con người và trong viễn cảnh này, việc kiểm soát sẽ phải trả giá bằng nhiều mạng sống, theo The Christian Science Monitor.
Câu hỏi đạo đức
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 8, Ban Khoa học quốc phòng của Lầu Năm Góc yêu cầu các nhà nghiên cứu quân sự “tăng tốc khai thác công nghệ tự hành” để cho phép họ “vẫn đi trước những đối thủ vốn cũng sẽ tận dụng những lợi ích của công nghệ này”. Hồi tháng 2.2016, tờ Daily Mail đưa tin Lầu Năm Góc công khai hỗ trợ phát triển những loại vũ khí tự hành và đã đề xuất ngân sách 19 tỉ USD để đẩy mạnh nguồn vốn cho sự phát triển này.
Tuy vậy, việc đẩy mạnh phát triển vũ khí tự hành cũng vấp phải không ít sự phản đối bên trong Lầu Năm Góc. Sau khi Thứ trưởng Frank Kendall đưa ra bình luận nói trên, một số lãnh đạo cấp cao trong lục quân Mỹ đã lên tiếng. Thứ trưởng Lục quân Patrick Murphy tuyên bố: “Phẩm chất cơ bản của binh sĩ Mỹ là bảo vệ người dân và không gây thêm tổn hại. Chúng tôi biết đối thủ và những tên khủng bố không có bộ giá trị cốt lõi tương tự, nhưng đó không phải là điều mà chúng ta sẽ chấp nhận”. Còn Chỉ huy Bộ Tư lệnh quân bị lục quân, tướng Dennis Via thì nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn có luật chiến tranh. Nó vẫn liên quan đến con người”.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đạo đức học và tổ chức phi chính phủ kêu gọi cấm phát triển những cỗ máy hủy diệt ngoài tầm kiểm soát của con người, theo The Christian Science Monitor. Trong đó, nhà đạo đức học Wendell Wallach tại Đại học Yale (Mỹ) từng cảnh báo rằng những robot tấn công mà không cần sự can thiệp của con người như trong phim Kẻ hủy diệt sẽ xuất hiện trong vài năm nếu toàn cầu không nhất trí cấm loại vũ khí này, theo Daily Mail. Ông Wallach còn kêu gọi chính phủ Mỹ cấm những cỗ máy như trên dựa trên cơ sở là chúng vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Văn Khoa