Giữ độc lập cho bầu trời: Thần tốc làm chủ máy bay hiện đại
‘Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi đứng trước cả rừng máy bay chiến lợi phẩm hiện đại. Nếu không có phi công, nhân viên lưu dung, chúng tôi khó mà chuyển máy bay A-37 chứ đừng nói sử dụng thành thạo’, phi công Lê Hải nói.
Giữ độc lập cho bầu trời: Thần tốc làm chủ máy bay hiện đại
‘Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi đứng trước cả rừng máy bay chiến lợi phẩm hiện đại. Nếu không có phi công, nhân viên lưu dung, chúng tôi khó mà chuyển máy bay A-37 chứ đừng nói sử dụng thành thạo’, phi công Lê Hải nói.
Để khai thác sử dụng hơn 1.000 máy bay cùng hệ thống vật chất, khí tài quân sự hầu như nguyên vẹn ở hơn 200 sân bay lớn nhỏ vừa tiếp quản, Bộ Quốc phòng đã cho phép các đơn vị không quân mới thành lập tạm tuyển một số phi công và kỹ thuật viên của Việt Nam Cộng hoà làm việc.
Những người được tuyển chọn được gọi là “nhân viên lưu dung”. Đại tá phi công Lê Hải, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 937, nhớ lại: “Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi đứng trước cả rừng máy bay chiến lợi phẩm hiện đại. Nói thực, nếu không có phi công, nhân viên lưu dung, chúng tôi khó mà chuyển loại máy bay A-37 chứ đừng nói là sử dụng thành thạo”.
TIN LIÊN QUAN
Giữ độc lập cho bầu trời: Biên đội ‘U ti ti’
Ngay sau 30.4.1975, Không quân nhân dân VN đã tiếp thu hơn 1.000 máy bay cùng hệ thống vật chất, khí tài quân sự hầu như nguyên vẹn ở hơn 200 sân bay lớn nhỏ của Việt Nam Cộng hoà.
1 phi công – 33 máy bay
Đầu tháng 5.1975, Bộ Quốc phòng giao Quân chủng Phòng không – Không quân (QC PK-KQ) quản lý 12 sân bay lớn ở vùng mới giải phóng, tổ chức khai thác sử dụng vũ khí trang bị và cơ sở bảo đảm kỹ thuật, nhanh chóng huấn luyện, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau đó, 4 trung đoàn không quân được thành lập mới gồm 917, 918, 935, 937, với nhiệm vụ sử dụng các loại máy bay chiến lợi phẩm, bảo vệ vùng trời Nam bộ. Trong số này, Trung đoàn không quân cường kích 937 được quan tâm nhiều nhất.
Đại tá – Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy, Trung đoàn trưởng 937 giai đoạn 5 – 8.1975, kể đơn vị được giao quản lý sân bay Cần Thơ, Phú Quốc và Côn Sơn với toàn bộ máy bay, cơ sở vật chất kỹ thuật của Sư đoàn 4 không quân VNCH để lại gồm 200 máy bay còn hoạt động tốt, xe ô tô và xe chuyên dụng hơn 500 chiếc, hệ thống kho xưởng – sân đường còn hầu như nguyên vẹn. Trong 200 máy bay thì có đến 60 chiếc A-37, nhưng lúc này số phi công của trung đoàn điều khiển thành thạo A-37 chỉ vỏn vẹn 6 người của phi đội Quyết thắng (ném bom Tân Sơn Nhất ngày 28.4.1975) nên chia ra theo đầu người, mỗi phi công phải đảm trách tới… 33 máy bay.
“Quân số đơn vị năm 1975 hơn 2.000 người, nhưng hơn nửa là nhân viên kỹ thuật và phi công lưu dung”, đại tá Nguyễn Văn Bảy nhớ lại. Ông giải thích: “Trong không quân có khái niệm máy bay hệ 2, tức là máy bay chiến lợi phẩm thu được. Lúc ấy, máy bay hệ 2 quá nhiều trong khi bộ đội vừa ít người, vừa non kém về trình độ ngoại ngữ – tiếp cận vũ khí khí tài mới nên chúng tôi phải cầu cứu cấp trên. Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, chúng tôi tuyển chọn một số phi công và nhân viên kỹ thuật, chuyên môn cho chuyển loại máy bay và hồi phục sửa chữa, bảo quản trang bị kỹ thuật hệ 2”.
Trong hàng trăm phi công VNCH chuyên lái A-37, chỉ huy Trung đoàn 937 lựa chọn ra vài chục người để dạy phi công ta mới từ miền Bắc vào làm quen, điều khiển cường kích A-37. Số phi công lưu dung này còn tham gia các nhiệm vụ trên máy bay trinh sát và trực thăng cùng phi công ta. Với nhân viên kỹ thuật chuyên môn, con số lên đến vài trăm người, làm việc chủ yếu ở xưởng động cơ và thân cánh, bảo quản trang bị…
“Trò bên ta, thầy bên kia”
Đại tá Lê Hải là Trung đoàn trưởng 937 đúng thời điểm đơn vị sử dụng nhiều phi công, nhân viên lưu dung nhất (8.1975 – 8.1977) nên vẫn nhớ hình ảnh hàng trăm người lính không quân VNCH đến sân bay Cần Thơ trình diện và tha thiết xin được tiếp tục làm việc trong sân bay. “Hồi ấy có nhiều anh cán bộ nghi ngờ động cơ trốn tránh cải tạo của họ, nhưng tôi gạt ngay bởi qua tiếp xúc mới thấy họ gắn bó với nghề từ nhiều năm nên thực sự yêu nghề. Bên cạnh đó, tình hình biên giới Tây Nam bắt đầu căng thẳng, tin đồn về lính Khmer Đỏ vượt biên giới, cướp đảo, bắn giết đồng bào lan khắp miền Tây nên rất nhiều anh em chế độ cũ muốn nhanh chóng hồi phục máy bay để đánh trả quân xâm lược”, đại tá Lê Hải kể lại và cho biết ông đặc biệt ấn tượng với một phi công tên Hùng: “Anh ta xin gặp tôi chỉ để nói: Hồi trước tôi phải thực hiện một số phi vụ bay ném bom vùng giải phóng nhưng thực hiện tít trên cao vì ngán hỏa lực phòng không và nhất là chúng ta cùng dân tộc, máu đỏ da vàng. Giờ đã hết chiến tranh, không thể để bà con bị người ngoài chém giết. Xin cho chúng tôi cùng bảo vệ đồng bào, trên tư cách quân nhân”.
|
Lớp phi công kỳ cựu của Trung đoàn 937 giờ gặp nhau vẫn kể lại chuyện 41 năm trước choáng ngợp khi chuyển từ buồng lái máy bay Mig-21 ngột ngạt, phức tạp sang buồng lái A-37 đơn giản, hiện đại. Hồi ấy, không ít người “giật mình thon thót” khi biết “thầy hướng dẫn” ngồi trong buồng lái êm ro từng là sĩ quan phía bên kia, được đào tạo ở Mỹ, có số giờ bay gấp 2 – 3 lần mình. Phi công Nguyễn Văn Phúc kể: “Ấn tượng đầu tiên là anh em phi công phía bên kia được đào tạo bài bản, thao tác đầy đủ các quy trình kỹ thuật và kiên nhẫn chỉ bảo rất ân cần, tận tình. Nhưng quan trọng là máy bay Mỹ dễ lái hơn máy bay Liên Xô (cũ) rất nhiều. Chúng tôi giống như đang lái xe số sàn chuyển sang lái số tự động, chỉ vài chuyến là bay thành thạo”.
Chỉ hơn 10 ngày, nhiều phi công chuyển loại đã tham gia trực ban sẵn sàng chiến đấu trên A-37 và từ đầu tháng 6.1975, Trung đoàn 937 đã có thể làm nhiệm vụ cường kích biên đội 2 chiếc. Đặc biệt tại sân bay Cần Thơ, công tác đảm bảo có thể đáp ứng hoạt động chiến đấu, huấn luyện bay với cường độ xuất kích 40 – 50 chuyến/ngày…
Đánh vật với… tiếng Anh
Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) giờ là căn cứ của Trung đoàn không quân 935 (Sư đoàn 370, QC PK-KQ), ngày đêm ầm ì tiếng máy bay SU-30MK hiện đại làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa và vùng trời Nam bộ. Ông Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó trung đoàn trưởng 935, nhà ở ngay cổng sân bay lắc tay tôi: “Hồi chúng tôi mới vào tiếp quản, đi kiểm tra sân bay bằng ô tô cũng nửa ngày mới hết”.
Trước 30.4.1975, sân bay Biên Hoà là căn cứ không quân được xây dựng hiện đại, tập trung khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật hậu cần, vũ khí đạn dược. Sau ngày thống nhất đất nước, ta tiếp quản tương đối nguyên vẹn cơ sở vật chất, các chủng loại máy bay, nhất là tiêm kích F-5 chuyên làm nhiệm vụ phòng không. Theo kiểm đếm, số máy bay F-5 thu được trên 40 chiếc và sau khi kiểm tra phân loại có 17 chiếc còn sử dụng được. Ông Nguyễn Văn Tài nhớ lại: “Anh em mình chưa được trang bị kiến thức cơ bản về máy bay F-5. Tài liệu kỹ thuật, lý lịch sổ sách đăng ký còn lại rất ít và nhất là toàn ghi tiếng Anh, trong khi ta chỉ lõm bõm tiếng Nga. Rút cuộc, đơn vị phải xin sử dụng một số nhân viên kỹ thuật của chế độ VNCH cải tạo, giáo dục về hướng dẫn, chỉ bảo. Gần 10 ngày học tập, ngày 27.5.1975, phi công Nguyễn Văn Nghĩa đã thực hiện chuyến bay đầu tiên của F-5 trên bầu trời Biên Hoà và là giáo viên chuyển loại cho toàn bộ phi công trong đơn vị”.
Ông Phan Minh Thành, nguyên Chính uỷ Trung đoàn 935, hồi ức: “Biên Hoà là sân bay cấp 1 nằm gần các thành phố lớn, xung quanh vành đai sân bay là nhà dân nằm sát, thời điểm ấy có rất nhiều đối tượng phản động lẩn trốn không chịu cải tạo, tìm cách chống đối phá hoại. Một số phi công, nhân viên kỹ thuật – hậu cần của chế độ VNCH được ta tạm tuyển lại làm việc ở nhiều vị trí quan trọng. Rất nhiều cán bộ cấp trên lo lắng bị cướp máy bay, nổ kho tàng, phá hoại các hệ thống trang thiết bị. Tuy nhiên, số anh em lưu dung làm việc rất trách nhiệm và một số người còn được chuyển ngạch công nhân viên quốc phòng, phục vụ quân đội cho đến khi nghỉ hưu, được khen thưởng từ trên”… (Còn tiếp)
Mai Thanh Hải