24/01/2025

Nguyễn Quang Thạch: 20 năm “cõng sách”và giải thưởng UNESCO

Dành 20 năm qua và có thể là toàn bộ phần đời còn lại cho “Sách hóa nông thôn”, Nguyễn Quang Thạch trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xoá mù chữ của UNESCO năm 2016 – một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.

 

Nguyễn Quang Thạch: 20 năm “cõng sách”và giải thưởng UNESCO

 

Dành 20 năm qua và có thể là toàn bộ phần đời còn lại cho “Sách hóa nông thôn”, Nguyễn Quang Thạch trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xoá mù chữ của UNESCO năm 2016 – một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.

 

 

 

 

Nguyễn Quang Thạch: 20 năm “cõng sách”và giải thưởng UNESCO
Nguyễn Quang Thạch chia sẻ sách với các em học sinh  - Ảnh: Facebook nhân vật

Chương trình “Sách hoá nông thôn” là lựa chọn duy nhất của Bộ Giáo dục – đào tạo Việt Nam khi gửi hồ sơ xét giải Vua Sejong đến UNESCO. Hôm 1-9, giải được UNESCO chính thức công bố với chiến thắng thuộc về Việt Nam và Thái Lan. Nguyễn Quang Thạch (41 tuổi) nhận giải với tư cách đại diện của “Sách hóa nông thôn” và Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng do anh sáng lập và làm giám đốc.

“Người nông dân quyết liệt thay đổi, lẽ nào ngành giáo dục lại không?”

Trong thư thông báo về giải thưởng, ông Qian Tang – trợ lý tổng giám đốc UNESCO về lĩnh vực giáo dục – cho biết: “Ban giám khảo đánh giá rất cao sáng kiến của chương trình là tập trung xây dựng thư viện ở các vùng nông thôn khó khăn để giúp những người biết chữ rèn luyện khả năng đọc. 

Hơn nữa, chương trình thành lập được hơn 9.000 thư viện trên khắp các vùng nông thôn của Việt Nam trong 10 năm qua với số tiền quỹ ít ỏi và dựa trên việc quyên góp sách”.

Ngày 2-8, chỉ 15 phút trước khi được UNESCO gọi điện thông báo về giải thưởng, anh Thạch vừa gửi đi một bức thư với ước vọng thực hiện “Sách hóa nông thôn” tại Ấn Độ. Thư gửi đến Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Hiệp hội Thư viện Ấn Độ, giám đốc NXB Pratham Books của Ấn Độ. 

Ngay khi nhận được thông báo của UNESCO, suy nghĩ đầu tiên của anh là hướng đến chuyến đi Ấn Độ – nơi có 200 triệu đứa trẻ chưa từng được sở hữu một cuốn sách vì giá quá cao.

Nguyễn Quang Thạch: 20 năm “cõng sách”và giải thưởng UNESCO
Anh Nguyễn Quang Thạch đi bộ 1.750km từ Hà Nội đến TP.HCM để đánh thức cộng đồng với chương trình “Sách hóa nông thôn” – Ảnh: NVCC

“Hãy cùng nhau đặt nền móng cho một thế giới dân chủ, hoà bình, nhân văn và sáng tạo bằng tăng cường quyền đọc sách cho trẻ em trên toàn thế giới. Tôi cam kết sẽ là một thành viên kiên trì cho tiến trình đó bằng đôi chân và tâm trí của mình” - Nguyễn Quang Thạch

Bắt đầu suy tư về “quyền đọc sách” của trẻ em nông thôn từ khi 20 tuổi, anh Thạch đã xây dựng kế hoạch “Sách hóa nông thôn” trong suốt thời tuổi trẻ của mình. Những năm trời miệt mài về Thái Bình xây dựng những tủ sách đầu tiên đúng chuẩn, rồi hành trình đi bộ xuyên Việt năm 2015 dù gây tiếng vang trong và ngoài nước nhưng bản thân anh không hài lòng vì hiệu quả chưa được như mong đợi.

Thiếu thốn, bị hoài nghi, chế giễu và có lúc nản lòng – không khó khăn nào anh Thạch chưa trải qua, nhưng hơn 10 năm qua, “Sách hóa nông thôn” không thiếu những người đồng hành: chị Dương Lệ Nga – cô giáo cùng anh Thạch lập rất nhiều tủ sách ở Thái Bình, Uông Hải Minh – nữ sinh thông minh và ham đọc đã trích 240.000 đồng/năm để ủng hộ “Sách hóa nông thôn”, gia đình người bạn thân thiết Uông Minh Thành đã cho anh tá túc bốn năm liên tục ở Thái Bình để nhân rộng các loại tủ sách, chị Nga Thi – người phụ nữ đi bán bánh mì mỗi cuối tuần ở Canada để góp 40 triệu đồng làm tủ sách…

Quá nhiều người đã nắm tay anh trong những ngày gian khó. Để đến nay, hơn 9.000 tủ sách được lập ở nhiều tỉnh và sắp tới thêm hơn 7.000 tủ ở riêng tỉnh Nam Định.

Không chỉ mang sách về nông thôn, Nguyễn Quang Thạch còn mang cả tình yêu sách đến với những gia đình nông dân trước đó còn xa lạ với sách. Quá trình vận động chính sách ở các cấp tưởng như đã thành công nhưng “cuộc cách mạng thư viện từ trong ngành giáo dục” mà anh ấp ủ bao lâu nay vẫn còn quá chông gai.

“Hàng chục nghìn người nông dân đã góp mỗi người 50.000 đồng/năm để xây dựng hàng nghìn tủ sách cho con cái họ. Bám trụ nông thôn vì sự đọc của con trẻ tôi thấy người nông dân đã quyết liệt thay đổi, lẽ nào ngành giáo dục lại không?” – anh nói.

Ngay sau niềm vui là nỗi buồn

Trăn trở đến ngay sau niềm vui thắng giải, anh Thạch bộc bạch:

“Các quốc gia nhận được giải thưởng Vua Sejong đều là những quốc gia đang phát triển. Còn các quốc gia phát triển, họ hướng đến các giải thưởng có cống hiến quan trọng hơn cho nhân loại.

Chưa dứt niềm vui, lòng tôi tràn ngập nỗi buồn sâu sắc vì nếu những chương trình như “Sách hóa nông thôn” được thực hiện sớm hơn, cách đây hàng chục năm, thì người Việt Nam ngày nay có thể hướng đến những cống hiến lớn lao hơn”.

“Đừng chỉ hỏi là người Việt làm gì cho đất nước nữa, cần hỏi thêm rằng người Việt làm gì cho nhân loại?” – anh chia sẻ một khát vọng.

Và trong khi nhiều người còn nhìn nhận anh Thạch như một “vị cứu tinh” mang sách về nông thôn thì “Sách hoá nông thôn” lại được UNESCO đánh giá cao chính vì tính cộng đồng chứ không phải là nỗ lực của cá nhân.

“Theo đúng nguyên tắc của phát triển bền vững, mỗi cộng đồng phải có trách nhiệm với chính mình chứ không trông chờ vào vị cứu tinh nào cả. Tôi luôn tâm niệm phải đánh thức lương tri của cộng đồng để mỗi người tự mang sách về quê hương của mình” – Nguyễn Quang Thạch bày tỏ.

Giải thưởng Vua Sejong nhắm đến các chương trình x mù chữ trên thế giới, nhưng “Sách h nông thôn” nhắm đến “xóa mù văn h đọc”. Theo anh Thạch, đã đến lúc phải thay đổi khái niệm “mù chữ” trong xã hội hiện đại.

“Giờ đây, nên hiểu rằng xoá mù chữ là giúp người ta lĩnh hội tri thức để bắt kịp sự phát triển. Biết chữ mà không chịu đọc sách sẽ chẳng làm được gì nhiều cho xã hội” – anh nói. Hình ảnh trên logo của “Sách h nông thôn” là bước chân cõng sách đến các vùng xa. Không ai khác đó chính là Nguyễn Quang Thạch, người đã đi bộ 1.750km từ Hà Nội đến TP.HCM để đánh thức cộng đồng.

Ước mơ đang thành hình của anh là đi bộ 1.300km từ New Delhi đến Bombay để mang cơ hội đọc sách đến cho hàng triệu trẻ em Ấn Độ.

“Anh có đủ sức khoẻ cho hành trình gian khổ này không?” – trước câu hỏi đầy hoài nghi này, anh Thạch nói: “Có chết trên đường, tôi cũng cam lòng”.

Ít ai nói về cái chết nhẹ nhàng như thế.

Giải thưởng mang tên vị vua khai trí

Giải Vua Sejong về xoá mù chữ (The UNESCO King Sejong Literacy Prize) là giải chính thức của UNESCO về giáo dục, được lập ra vào năm 1989, tôn vinh các đóng góp giúp nhân loại biết chữ và biết đọc. Giải do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, mang tên vị vua khai trí của Hàn Quốc. Lễ trao giải Vua Sejong 2016 được tổ chức tại trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp vào ngày 8-9.

MI LY