Chuyện ít biết về tác giả Quốc huy VN
Những lời chia sẻ của ông Bùi Trang Tước và bà Bùi Minh Thuỷ, hai người con của hoạ sĩ Bùi Trang Chước (1915 – 1992), tác giả Quốc huy VN, giúp chúng ta tỏ tường hơn chân dung một con người cả đời thầm lặng cống hiến cho nghệ thuật.
Chuyện ít biết về tác giả Quốc huy VN
Những lời chia sẻ của ông Bùi Trang Tước và bà Bùi Minh Thuỷ, hai người con của hoạ sĩ Bùi Trang Chước (1915 – 1992), tác giả Quốc huy VN, giúp chúng ta tỏ tường hơn chân dung một con người cả đời thầm lặng cống hiến cho nghệ thuật.
Hoạ sĩ Bùi Trang Chước (tên gọi khác là Nguyễn Văn Chước), nguyên quán P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội. Ông được giới mỹ thuật đánh giá là bậc thầy trong nghệ thuật đồ hoạVN. Trong đó, mẫu Quốc huy VN là tác phẩm đỉnh cao và tiêu biểu nhất của ông, được Quốc hội phê duyệt tháng 9.1955 và sử dụng làm biểu tượng quốc gia từ đó đến nay.
Ông tổ vẽ tem bưu chính VN
Có thể nói Bùi Trang Chước là một trong những người vẽ tem bưu chính đầu tiên ở VN và toàn Đông Dương. Bà Bùi Minh Thuỷ (hiện sống tại Hà Nội) cho biết để bù lại những tổn thất do việc Đông Dương bị cắt đứt với chính quốc (do Chiến tranh thế giới 2 – PV), năm 1944, Đô đốc Decoux quyết định cho Đông Dương phát hành loại tem mới có giá trị nghệ thuật cao.
Các mẫu tem này được hoạ sĩ Bùi Trang Chước, cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội, thực hiện với các đợt phát hành liên tiếp. Đó là các mẫu tem Nam Giao, hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, hội chợ Sài Gòn, ký túc xá Đại học Đông Dương, nhà vua Sihanouk, Alexandre de Rhodes… với nhiều mẫu và mệnh giá khác nhau. Trước đó, việc thiết kế tem chỉ dành riêng cho các hoạ sĩ Pháp. Hiếm hoi lắm mới có một vài mẫu của hoạ sĩ Việt được chọn như mẫu của họa sĩ Tôn Thất Sa và hoạ sĩ Nguyễn Đình Chi (người Huế).
Bà Minh Thuỷ nói thêm: “Những mẫu tem do cha tôi vẽ đã được Chính phủ nước VN Dân chủ Cộng hòa sử dụng tiếp tục sau Cách mạng Tháng 8.1945, bằng cách in đè dòng chữ Việt Nam DCCH lên các mẫu tem Đông Dương. Năm 1951, nhà nước phát hành một bộ 3 mẫu tem Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và họa sĩ Bùi Trang Chước chính là tác giả; hai năm sau tiếp tục phát hành bộ tem Gặt lúa gồm 4 mẫu. Tháng 10.1954, cha tôi được chọn bộ tem Chiến thắng Điện Biên Phủ với 4 mẫu tem. Từ năm 1955, ông tiếp tục cho ra đời các bộ tem Cải cách ruộng đất (7 mẫu); Mừng Chính phủ về thủ đô (4 mẫu); Đường sắt Hà Nội – mục Nam Quan (4 mẫu); Anh hùng Cù Chính Lan (7 mẫu); Anh hùng Mạc Thị Bưởi (4 mẫu)… Từ năm 1956 – 1971, ông vẫn là người vẽ tem chủ lực của ngành bưu chính VN”.
Cha đẻ của mẫu tiền giấy VN
Ông Bùi Trang Tước tiết lộ một trong những nhiệm vụ bí mật của hoạ sĩ Bùi Trang Chước là vẽ một bộ giấy bạc mới chỉ trong 7 ngày vào đầu năm 1956 để đưa trình duyệt. Yêu cầu cụ thể của Ngân hàng Quốc gia VN đề ra là: nét vẽ, hình vẽ và màu sắc trên tờ giấy bạc phải đảm bảo đặc điểm tính dân tộc, tính hiện đại; công việc phải được giữ bí mật tuyệt đối, từ khi bắt tay vào làm, in xong cho đến khi Chính phủ công bố lệnh cho lưu hành.
“Thật tình trong thâm tâm tôi nảy sinh sự lo lắng không nhỏ về trách nhiệm của mình với nhiệm vụ được giao, nhất là yêu cầu “bí mật” về “thời gian hoàn thành”, công việc lẽ ra phải 1 tháng nay đề ra có 7 ngày…”, trong di cảo của mình, hoạ sĩ Bùi Trang Chước đã viết.
Phấn khởi được trên tin cậy giao phó cho công việc hệ trọng, hoạ sĩ tin tưởng vào khả năng chuyên môn và lòng quyết tâm của mình để nhận trọng trách. “Tôi làm liên tục cả ngày, không giải lao mà chỉ dừng tay vẽ để ăn cơm, khi vợ tôi gõ cửa đưa cơm vào. Còn đêm về, thường thì dừng tay chợp mắt vào khoảng 2 hay 3 giờ sáng… Có đêm vì mải mê công việc, tôi làm miết đến khi chợt nghe thấy loa phóng thanh ngoài phố phát bài nhạc thể dục buổi sáng, lúc đó tôi mới biết là trời đã sáng… Cứ như thế, 7 ngày đêm trôi qua, bộ phác thảo tiền mới cũng vừa hoàn thành. Đúng hẹn, tôi đã trao cho đồng chí giám đốc mang đi trình cấp trên”, di cảo của hoạ sĩ Bùi Trang Chước ghi.
Ông Tước kể thêm: “Sau hơn một năm hoàn thành nhiệm vụ, mãi đến sáng 28.2.1959, Đài tiếng nói VN phát lệnh, công bố đổi tiền của Chính phủ… Cha tôi thở phào nhẹ nhõm và vui mừng khôn xiết vì ông đã hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Người con trai thứ của hoạ sĩ Bùi Trang Chước, hoạ sĩ Bùi Trang Toàn (1947 – 2012) cũng nối nghiệp cha, trở thành cha đẻ của nhiều mẫu tiền giấy VN trước khi chuyển sang in tiền polymer. “Có người đã nói, gia đình tôi có lẽ là duy nhất khi hai cha con cùng thiết kế mẫu tiền cho nhà nước”, bà Bùi Minh Thuỷ nói.
Người cha giàu tình cảm
Trong chuyến vào Sài Gòn cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi được dịp gặp gỡ ông Bùi Trang Tước. Ông kể dù hoàn cảnh gia đình đông con, với 12 người cả trai lẫn gái, mà đồng lương eo hẹp của một cán bộ nhà nước trong những năm bao cấp, nhưng cha ông vẫn dành tình cảm quan tâm đến các con. Trách nhiệm của người cha trong gia đình cha ông đều làm tròn, trong khi có rất nhiều những trắc trở của đời sống ông phải vượt qua. “Cha tôi không chỉ dành tình yêu trọn vẹn với hội hoạ mà còn trách nhiệm với những đứa con tinh thần của mình, nhất là nỗi đau khi tác phẩm Quốc huy VN nhiều năm liền bị người khác đứng tên. Đến năm 2004, Chính phủ đã xác định những mẫu Quốc huy VN là do cha tôi vẽ để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện. Cha tôi là người sống có trách nhiệm với từng người con”, ông Tước chia sẻ.
Bên ngoài căn nhà lá thuộc khu tập thể Nhà in Ngân hàng cũ ven đường Đê La Thành (khu vực Ô Chợ Dừa, Hà Nội), hoạ sĩ Bùi Trang Chước đã truyền tình yêu nghệ thuật cho các con Bùi Trang Toàn, Bùi Trang Thế… từ những việc khai tâm trong tranh sơn khắc. Còn với Bùi Trang Tước, người con trai ít có điều kiện được gần ông và theo nghề y chứ không theo hội hoạ, ông dặn con sống đúng với tư cách của một công dân trong xã hội. Không nổi tiếng như cha, nhưng các con của ông đều trưởng thành và họ luôn tự hào về người cha của mình.
Xứng đáng đặt tên đường Bùi Trang Chước tại Hà Nội
Tháng 6.2016, ông Phạm Đình Hoan, nguyên Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), và các hoạ sĩ Ngọc Linh, Lê Lam, Thục Phi đã gửi đơn đến UBND TP.Hà Nội, đề nghị đặt tên đường phố ở Hà Nội mang tên danh hoạ Bùi Trang Chước.
Tháng 7.2016, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã giao Sở Văn hoá – Thể thao đề xuất theo quy trình, quy định về việc đặt tên đường phố Bùi Trang Chước. Trước thông tin này, ông Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, cho biết: “Cụ Bùi Trang Chước là tác giả Quốc huy VN. Trước đây từng xảy ra tranh chấp về vấn đề tác giả Quốc huy và nay vấn đề đã được sáng tỏ. Cụ Bùi Trang Chước xứng đáng được đặt tên đường phố ở thủ đô Hà Nội”.
|
Kiều Mai Sơn