9 ngày 65 cây ở Sài Gòn đổ đè người
Trong vòng 9 ngày (22 đến 30-8) trên địa bàn TP.HCM xảy ra 65 vụ cây xanh ngã, tét nhánh làm chết hai người, nhiều người bị thương và hư hỏng nhiều xe cộ…
9 ngày 65 cây ở Sài Gòn đổ đè người
Trong vòng 9 ngày (22 đến 30-8) trên địa bàn TP.HCM xảy ra 65 vụ cây xanh ngã, tét nhánh làm chết hai người, nhiều người bị thương và hư hỏng nhiều xe cộ…
Hiện trường vụ cây ngã trên đường An Dương Vương, Q.5 (TP.HCM) khiến một người chết. Phần rễ cây đa số đã mục mà không được phát hiện – Ảnh: UYÊN TRINH |
Thời gian vừa qua, hầu hết các trường hợp bị tai nạn do cây xanh ngã đổ chủ yếu được Công ty Công viên cây xanh TP thoả thuận mức hỗ trợ |
Ông TRẦN QUANG LÂM (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, đưa ra thông tin này khi đề cập chuyện sẽ mua bảo hiểm cây xanh) |
Trong đó có 28 cây xanh ngã khiến ngành cây xanh nhìn nhận quy trình kiểm tra cây xanh hiện nay chưa đánh giá được cây xanh có khả năng gây ra những tai nạn chết người.
Không thể kiểm tra rễ cây sâu dưới đất!
Nói về nguyên nhân khiến hàng loạt cây xanh ngã đổ, tét nhánh trong mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM, cho biết chủ yếu do mưa dông, lốc xoáy cục bộ.
Cũng theo bà Anh, trong 8 tháng đầu năm nay, số lượng cây gãy đổ tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫn nhiều trường hợp cây xanh bị xâm hại thời gian qua nhưng các quy định, xử lý chế tài hiện nay chưa hoàn chỉnh, chưa có trường hợp nào được xử lý tới nơi tới chốn, bà Quỳnh Anh cho rằng đây cũng là nguyên nhân khiến cây xanh ngã đổ nhiều trong thời gian qua.
Trong các cây xanh gãy đổ vừa qua, có trường hợp nào do yếu tố chủ quan trong công tác chăm sóc, bảo dưỡng? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, bà Quỳnh Anh cho rằng đã làm nghề này từ công nhân đến cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo công ty đều đặt trách nhiệm lên hàng đầu.
“Vì cây xanh liên quan đến vấn đề an toàn nên chúng tôi luôn cố gắng hết sức làm theo quy trình từ khâu chăm sóc, bảo dưỡng đến xử lý sự cố. Những cây bị ngã đổ thời gian qua, quan sát bằng mắt thường cây vẫn xanh tốt, không thấy dấu hiệu gì là có thể ngã đổ” – bà Quỳnh Anh cho biết.
Thực tế cho thấy nhiều cây cổ thụ khi ngã đổ đã lộ rõ bộ rễ mục nát như cây cổ thụ trên đường An Dương Vương, Sư Vạn Hạnh, hai cây này ngã liệu có phải do chủ quan trong khâu kiểm tra, xử lý sâu bệnh cho cây?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Công ty Công viên cây xanh TP cho rằng theo quy trình chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh hiện nay, đối với cây loại 3 (cây lớn), mỗi năm sẽ kiểm tra sâu bệnh, cắt cành, mé nhánh hai lần.
Tuy nhiên, với quy trình này không kiểm tra được tình trạng rễ cây sâu dưới đất!
Thử nghiệm mô hình kiểm tra cây xanh
Nếu quy trình hiện nay không kiểm tra được tình trạng rễ cây sâu dưới đất, chẳng lẽ chấp nhận tình trạng cây xanh bật gốc gây chết người là không thể ngăn chặn?
Trả lời câu hỏi này, bà Quỳnh Anh cho rằng Sở GTVT TP đã đặt hàng cho Sở Khoa học – công nghệ TP thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá nguy cơ rủi ro về hệ thống cây xanh đô thị, nhưng đến giữa năm 2017 đề tài nghiên cứu này mới thực hiện xong.
Từ kết quả nghiên cứu này mới có thể đánh giá cây xanh nào có nguy cơ ngã đổ để có biện pháp xử lý chuẩn hơn.
Trước mắt, UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT TP, các khu quản lý giao thông đô thị và Công ty Công viên cây xanh TP rà soát, đánh giá toàn bộ hiện trạng cây xanh và đề ra những giải pháp trước mắt, lâu dài hạn chế tình trạng cây ngã đổ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Lâm, phó giám đốc Sở GTVT TP, nhìn nhận trong các tai nạn do cây xanh gây ra thời gian qua, dẫu Công ty Công viên cây xanh TP đã thực hiện kiểm tra sâu bệnh, mé nhánh, cắt cành đúng quy trình, nhưng để hạn chế rủi ro, Sở GTVT TP đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục cắt bớt nhánh, cành những cây cao và xử lý cây nghiêng.
Cũng theo ông Lâm, Sở GTVT TP sẽ tổ chức hội thảo khoa học xây dựng mô hình kiểm tra cây xanh chặt chẽ, khoa học hơn. Hướng là chọn một số cây loại lớn để mô phỏng mô hình các cơn dông, gió tác động vào cây để xem xét cây cao như vậy, tán cành rộng như vậy thì khả năng chịu đựng được sức gió cỡ nào.
Quá trình thí điểm phát hiện cây nào yếu thì sẽ xử lý phù hợp để tránh nguy cơ ngã đổ. Trước mắt sẽ khảo sát làm thí điểm một số cây và sau đó sẽ triển khai một vài tuyến đường. “Nếu thấy cách này khả quan sẽ đề xuất UBND TP ban hành thành quy trình kiểm tra cây xanh.
Việc kiểm tra cây xanh như trên chủ yếu tập trung vào cây loại 3 (cây cao trên 10m), hiện trên địa bàn TP còn hơn 5.000 cây loại này” – ông Lâm nói.
Ngoài ra, Sở GTVT TP đang phối hợp với Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ lập một bản đồ gió cho các khu vực, trên cơ sở xác định những khu vực nào thường xảy ra những trận gió, lốc lớn để cảnh báo những khu vực cây xanh có nguy cơ ngã đổ và có biện pháp xử lý thích hợp.
Đồng thời, Sở GTVT TP đang gút lại một số nội dung với các công ty bảo hiểm để mua bảo hiểm cây xanh nhằm có khoản chi trả cho các trường hợp bị tai nạn do cây xanh gây ra.
Máy dò “bệnh” cây xanh đã hư Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết cách đây 10 năm Công ty Công viên cây xanh TP có mua một thiết bị siêu âm cây xanh để xác định thân cây mục ruỗng. Tuy nhiên, nhược điểm của thiết bị này là không thể xác định gốc rễ cây mục ruỗng. Đến nay, thiết bị này đã hư hỏng không còn sử dụng. Ông Ninh cho rằng khó khăn nhất hiện nay là việc xử lý những cây cổ thụ già cỗi vì xử lý thường bị dư luận phê phán do nhìn bên ngoài cây vẫn còn xanh tươi. |