23/01/2025

Truy tìm mùi hôi ở Nam Sài Gòn: Phải có cơ sở khoa học

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, trong buổi trao đổi với báo chí liên quan đến mùi hôi ở H.Bình Chánh, H.Nhà Bè, Q.7 trong thời gian qua.

 

Truy tìm mùi hôi ở Nam Sài Gòn: Phải có cơ sở khoa học

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, trong buổi trao đổi với báo chí liên quan đến mùi hôi ở H.Bình Chánh, H.Nhà Bè, Q.7 trong thời gian qua.




Rác khi đưa về bãi Đa Phước để chôn lấp được khử mùi và phủ bạt  /// Ảnh: Khả Hòa

Rác khi đưa về bãi Đa Phước để chôn lấp được khử mùi và phủ bạtẢNH: KHẢ HOÀ

Đây cũng là quan điểm của các chuyên gia, các nhà khoa học trong ngành môi trường. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Sở đã và đang tổng kiểm tra hết các nguồn thải ở khu vực có thể phát sinh mùi hôi trước ngày 5.9.
Truy tìm mùi hôi ở Nam Sài Gòn: Phải có cơ sở khoa học - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

‘Vua rác’ nói gì về mùi hôi ?

Việc dân cư khu Phú Mỹ Hưng, Q.7, H.Nhà Bè (TP.HCM) phản ứng dữ dội vì phải sống chung với mùi hôi thối đang gây xôn xao dư luận.
Nhiều nguồn có thể phát tán mùi hôi
Ông Thắng cho biết không phải chờ tới lúc người dân phản ánh Sở mới biết. TP có Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý chất thải với chức năng giám sát việc xử lý chất thải trên địa bàn. Đơn vị này cũng đã báo cáo vụ việc và Sở chủ động phối hợp với các quận thành lập đoàn kiểm tra gồm 16 người, trực tiếp tới nghe phản ánh của người dân và theo dõi thực tế tình hình để xác định nguyên nhân, tìm ra giải pháp.
“Chúng tôi cử người túc trực 24/24 ở những nơi được báo có mùi hôi, đã khoanh lại những vùng phát sinh. Nếu theo hướng Nhà Bè, Bình Chánh, Q.7 thì có thể xác định mùi phát ra lớn nhất từ khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của TP, nên đoàn đã kiểm tra ngay nơi này. Trong khu liên hợp có nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt công suất tiếp nhận 5.000 tấn/ngày (Công ty TNHH xử lý chất thải VN), đơn vị xử lý bùn (Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh), đơn vị xử lý hầm cầu (Công ty TNHH dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình). Căn cứ vào những mùi mà chúng tôi cùng người dân ghi nhận, khả năng có thể phát sinh từ khu vực này. Chính vì vậy, chúng tôi triển khai một số giải pháp như: Đối với nhà máy tiếp nhận và xử lý rác sinh hoạt, Sở theo dõi quy trình đóng mở bãi tiếp nhận rác. Với hướng gió tây nam, nếu ở khu liên hợp phát sinh ra mùi cũng sẽ ảnh hưởng đến các khu vực kể trên. Sở đã yêu cầu tăng cường liều lượng chế phẩm sinh học để xử lý, khử mùi nhằm xem xét có làm giảm bớt mùi hôi trong những ngày tới hay không. Tiếp theo là đề nghị đơn vị này tiếp nhận rác trong thời gian ngắn nhất để giảm thiểu mùi. Đối với nhà máy xử lý bùn, Sở rà lại quy trình tiếp nhận các loại bùn mà hiện nay đơn vị đưa về đây. Bên cạnh đó, lưu ý công ty trong quy trình tiếp nhận và xử lý làm sao nhanh nhất để tránh phát tán mùi hôi. Liên quan đến nhà máy xử lý hầm cầu, Sở cũng xem lại quy trình kiểm tra và xử lý luôn. Đây là những bước tập trung kiểm tra và xử lý đối với khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước”.
 
 
Sở TN-MT mở đường dây nóng
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hiện Sở TN-MT có đường dây nóng để người dân phản ánh mùi hôi và cùng giám sát, ghi nhận diễn biến mùi, qua đó cùng các nhà khoa học, các địa phương xác định khoanh vùng tìm nguyên nhân. Số điện thoại nóng là 08.38293653 và số di động của ông Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (thuộc Sở) Lê Trung Tuấn Anh là 0909022688.

 

“Ngoài nguồn khả năng phát tán mùi kể trên, chúng tôi mở rộng ra những nguồn khác. Đến ngày 30.8, sau cơn mưa lớn, lại không phát sinh mùi, trong khi thông thường giờ đó người dân phản ánh có mùi như ở một vài địa điểm trong khu vực Phú Mỹ Hưng, Đa Phước, Hưng Long, Nhơn Đức, Phước Lập, Phước Kiển… Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát kỹ lưỡng”, ông Thắng phát biểu.

TS Nguyễn Văn Khải (ông Khải ozone) thì cho rằng mùi hôi ở các quận, huyện tại TP.HCM có thể xuất phát từ nhiều nguồn. Trước hết có thể từ những dòng sông, kênh rạch… trong khu vực đang bị ô nhiễm nặng, đầy rác bẩn. Thứ hai là từ các bãi rác và ba là mùa mưa các cống rãnh ngay các hố ga… cũng bốc nặng mùi. Tại các cửa hàng ăn rất lớn ở TP.HCM thải ra nhiều nước thải đổ thẳng xuống cống cũng là nguồn hôi thối. Nhiều cống bị tắc do mỡ, nên ủ mùi hôi thối, khi nước xuống thì dậy mùi lên. Nhiều nhà ở tại TP không có hố tự hoại cũng rất dễ gây mùi hôi thối. Hoặc những trang trại nuôi lợn, gà rất nhiều, nếu không xử lý mùi thì cũng gây mùi hôi.
“Hiện chúng ta cũng không có hệ thống xử lý nước thải ở khu dân cư, tất cả đều đổ thải ra sông rạch. Trong khi các cống thoát ở ta có chu vi chừng 1 m, thì dễ bị ứ đọng”, ông Khải đưa ra hàng loạt nghi vấn. Theo ông, để xử lý mùi hôi và xác định mùi từ đâu là cả một quá trình.
Cần cơ sở khoa học
Theo ông Thắng, xác định nguyên nhân và đâu là nơi phát sinh mùi hôi ở nam Sài Gòn đòi hỏi phải có cơ sở khoa học để công bố chính thức. Vì vậy, Sở đã phối hợp với nhiều chuyên gia, kể cả các cơ quan dự báo và dùng quan trắc để theo dõi tần suất, mật độ, qua đó có phác đồ cộng hưởng các yếu tố, kể cả hướng gió và các vấn đề khác để chốt, xác định nguyên nhân chính.
Đồng quan điểm này, TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu – Viện Môi trường – Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng để khẳng định chính xác nguyên nhân gây ra mùi hôi thối, có khi mất thời gian vài tuần để đo đạc, chạy mô hình mới có chứng cứ khoa học. Ví dụ, khi nghe người dân ở các khu vực H.Nhà Bè, Q.7 báo ngửi thấy mùi hôi thì xem lại hướng gió gần đây. Sau đó lần theo hướng gió và khoanh vùng lại ở đầu nguồn, trong đó bao gồm nhiều đơn vị, nhà máy… có khả năng gây ra mùi. Nếu gần đây hướng gió ngờ vực là từ hướng tây nam thì khoanh vùng trong đó, bao gồm cả nhà máy lớn như nhà máy xử lý nước thải khu vực này, lò thiêu xung quanh, bãi xử lý rác thải trong bán kính lên đến hàng chục ki lô mét. Để có được số liệu chi tiết, cần phải đo nồng độ mùi tại các điểm nghi ngờ. Sau đó sử dụng mô hình để xác định được mùi bay đến khu vực nào, nồng độ có thể phát tán với khoảng cách bao nhiêu. VN hiện chỉ có tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí đối với một số chất gây mùi hôi. Ví dụ trung bình 1 giờ cho H2S là 42 microgam/m3 nhưng chưa có tiêu chuẩn về ngưỡng mùi. Còn tiêu chuẩn ngưỡng mùi của Mỹ cho H2S là 12,15 microgam/m3. Như vậy, có những đơn vị xử lý mùi trong chuẩn của VN là nhỏ hơn 42 microgam/m3 nhưng chỉ cần vượt mức ngưỡng mùi như của Mỹ là đã ngửi thấy mùi hôi.
TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng thông thường nếu chỉ để xác định nguồn phát ra mùi hôi thì có thể làm nhanh. Nhưng khó hơn là để định lượng chi tiết về số lượng các loại chất thải mà nơi đó tiếp nhận, xử lý cụ thể như sử dụng bao nhiêu hoá chất phun xịt khử mùi. Thậm chí cần phải đo được phản ứng vi sinh hay lượng khí thải phát ra từ nơi bãi chất thải đó… thì cần thiết phải chờ các đơn vị cung cấp. Sau đó, cơ quan chức năng mới có thể tính toán và cuối cùng mới có nhiều thông tin để khẳng định nguồn phát tán mùi hôi cụ thể là chỗ nào. Vì vậy, cần phải có thời gian để thực hiện công việc tìm ra nguyên nhân gây mùi hôi phát tán tại phía nam TP trong thời gian qua.

 

N.T.Tâm – M.Phương