23/01/2025

Làm sao Kitô hữu có thể truyền giáo khi không hiểu biết và sống đạo

Trong tháng 9 tới đây, ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu Công giáo toàn thế giới cầu xin cho các Kitô hữu luôn ngày càng ý thức hơn về sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của mình, bằng cách sống đạo, siêng năng tham dự các Bí tích và suy niệm Thánh Kinh.

 Làm sao Kitô hữu có thể truyền giáo khi không hiểu biết và sống đạo

 

 
Kitô hữu rao truyền Tin Mừng bằng cách sống đạo, tham dự các Bí tích và suy niệm Thánh Kinh

Trong tháng 9 tới đây, ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu Công giáo toàn thế giới cầu xin cho các Kitô hữu luôn ngày càng ý thức hơn về sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của mình, bằng cách sống đạo, siêng năng tham dự các Bí tích và suy niệm Thánh Kinh.

Khi đọc các Phúc Âm, chúng ta thấy đến một lúc nào đó Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi thực tập rao giảng Tin Mừng. Các vị trở về vui mừng kể lại cho Chúa nghe các thành công lớn nhỏ của từng người, đã rao giảng Tin Mừng cứu độ cho dân chúng, chữa lành bệnh tật và xua trừ quỷ dữ, như Chúa đã ban quyền cho các vị. Khi gửi các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu cũng nói với các vị: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con đi.” Thế rồi trước khi về Trời, Ngài chính thức truyền lệnh cho các vị: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20).

Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, đoàn Tông đồ và các môn đệ đã trung thành thi hành lệnh truyền này, và các vị đã truyền lại cho các người kế vị là các giám mục và linh mục cùng lệnh truyền đó của Chúa.

Sứ mệnh truyền giáo ấy được Giáo Hội ngày nay tiếp tục chu toàn. Ngoài các dòng tu và hiệp hội truyền giáo chuyên môn đào tạo các tu sĩ và nhân viên truyền giáo, ngày nay có nhiều giáo dân thuộc vài phong trào hy sinh xung phong ra đi truyền giáo đó đây trên thế giới. Điển hình như phong trào “Con đường Tân Dự Tòng”, mỗi năm vẫn gửi hàng chục gia đình ra đi truyền giáo. Khi quyết định xung phong lên đường truyền giáo, các gia đình này cũng thường bỏ công ăn việc làm đang có, và chấp nhận phiêu lưu trong một môi trường hoàn toàn mới lạ, từ ngôn ngữ, văn hoá, phong tục tập quán cho tới khung cảnh sống. Đặc biệt là họ tới sống trong một quốc gia nghèo và chậm tiến hơn quê hương của họ. Cũng giống như các thừa sai Âu châu xưa kia và ngày nay, khi lên đường truyền giáo, các vị sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, thử thách và gian lao khốn khổ. Chúng ta hãy nghĩ tới các thừa sai xưa kia khi chấp nhận sang rao truyền Tin Mừng tại Việt Nam, đặc biệt trong các thời bắt đạo. Phải có ơn thánh Chúa và phải có ý chí cương quyết, và nhất là tình yêu thương cao độ, các ngài mới đương đầu được với các thập giá lớn nhỏ trên con đường truyền giáo, hy sinh chính mạng sống mình, chết đi vì tật bệnh, vì bị bắt, bị hành hạ, bỏ tù và bị giết chết.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng có ơn gọi lên đường truyền giáo tại các đại lục xa xôi. Nhưng sứ mệnh làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Chúa vẫn luôn là bổn phận của tất cả mọi kitô hữu, mỗi người trong cương vị và hoàn cảnh sống thường ngày của mình. Nhưng vấn đề đó là các thành phần Giáo Hội có ý thức được nhiệm vụ cao quý mà Chúa Giêsu đã trao phó cho từng người hay không. Cho tới nay, có một quan niệm không đúng đắn về Giáo Hội đã khiến cho rẩt nhiều tín hữu không thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu. Một trong những lý do là vì họ cho rằng công việc rao truyền Tin Mừng là bổn phận của hàng giáo sĩ tu sĩ. Đàng khác, cung cách tổ chức Giáo Hội và các sinh hoạt có tính cách “duy giáo sĩ và tập quyền” khiến cho giáo dân như bị gạt bỏ ra ngoài, không được trực tiếp và tích cực tham gia các sinh hoạt đa diện của Giáo Hội, bắt đầu từ cấp giáo xứ. Tất cả đã khiến cho tín hữu tin rằng họ không có quyền lợi và bổn phận gì, nếu có chỉ là bổn phận vâng lời các linh mục tu sĩ và các chức việc.

Khi nhìn vào thực tại của Giáo Hội đó đây trên thế giới, và cách riêng tình hình của chính Giáo hội Việt Nam, chúng ta phải khiêm tốn công nhận rằng tín hữu Công giáo đã không có tinh thần truyền giáo, hay có rất ít tinh thần truyền giáo. Từ xưa tới nay kiểu sống đạo của chúng ta là “sống đạo chiến luỹ”, chú ý nhiều tới việc duy trì và bảo vệ cộng đoàn và các sinh hoạt nội bộ, các lễ lạc truyền thống, đình đám thường có tính cách phô trương bề ngoài, sống đạo vì thói quen nhiều hơn, mà thiếu hiểu biết giáo lý, thiếu tinh thần sống đạo sâu xa xác tín và lòng hăng say ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Đa số những người theo đạo xem ra là vì lý do hôn nhân, theo đạo để làm đám cưới, chứ không hẳn vì xác tín và hiểu biết đạo, yêu Chúa, cương quyết theo Chúa và sống Tin Mừng của Ngài. Đó là chưa nói tới sự kiện rất nhiều thành phần Giáo Hội sống đạo cho có chuyện, hay còn có các cung cách suy tư hành xử phản Tin Mừng, và gây gương mù gương xấu cho những người không biết Chúa, khiến cho họ đã muốn gia nhập đạo nhưng rồi lại từ bỏ ý định ấy. Có lẽ đây cũng là các lý do khiến cho số tín hữu Công giáo tại Việt Nam đã không gia tăng bao nhiêu trong hơn nửa thế kỷ qua. Năm 6-7 thập niên đã qua rồi, nhưng số tín hữu Công giáo vẫn chưa được 8% trên tổng số 90 triệu dân. Đây là một sự kiện khiến cho chúng ta tất cả phải suy nghĩ, và nhất là phải tìm cách thay đổi kiểu tư duy và lối sống đạo thụ động, chỉ nhận mà không biết cho đi, không biết làm cho các nén bạc sinh lời, không biết giới thiệu Chúa và Tin Mừng của Chúa cho các anh chị em chưa biết Ngài. Là tín hữu Công giáo nhưng nếu chúng ta ít tham dự các buổi cử hành Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, và cũng không biết Thánh Kinh, thông tham dự các sinh hoạt của giáo xứ, thì làm sao chúng ta có thể giới thiệu đạo cho ai và được. Trong gia đình chúng ta cũng không có sách Thánh Kinh, nhưng có mà không đọc, không biết suy gẫm và cầu nguyện với Thánh Kinh, thì việc hiểu biết đạo và hiểu biết Chúa của chúng ta đâu có đủ để giới thiệu đạo và Chúa với người khác.

Tại Á châu có Giáo hội Nam Han nêu gương sáng lớn trong tinh thần truyền giáo. Hồi thập niên 1980, trong thời gian 10 năm chuẩn bị phong thánh cho các vị tử đạo, HĐGM Nam Hàn đã phát động chiến dịch mỗi tín hữu Công giáo phải làm sao lôi kéo thêm được 1 người khác biết Chúa và gia nhập Giáo Hội. Thế là chỉ trong 1 thập niên, số tín hữu Công giáo Nam Hàn đã gia tăng gấp đôi, từ 2 lên tới 4 triệu. Hiện nay số tín hữu Công giáo Nam Hàn đã được 5.120.000, tức hơn 10% tổng số dân. Các tân tòng trong suốt thời gian học đạo được khích lệ gia nhập và sinh hoạt trong một hội đoàn mà họ ưa thích. Đây là lý do giải thích tại sao giáo dân Nam Hàn có ý thức sống và thực hành đạo rất cao, xác tín và tích cực.

Thật ra, bản chất của Kitô hữu là làm chứng nhân cho Tin Mừng yêu thương cứu độ của Chúa, trước hết bằng chính cuộc sống và gương sáng của mình. Vì căn tính của Giáo Hội là truyền giáo nên Kitô hữu, chi thể của Giáo Hội, có sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của Chúa cho tất cả mọi người, giới thiệu Chúa Giêsu Kitô với những ai chưa biết Ngài, hay đã biết nhưng đã bỏ Ngài.

Với các tâm tình trên đây trong tháng 9 này hiệp ý với ĐTC và tín hữu Công giáo toàn thế giới, chúng ta cầu xin cho các Kitô hữu luôn ngày càng ý thức hơn về sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của mình, bằng cách sống đạo, siêng năng tham dự các Bí tích và suy niệm Thánh Kinh.

 
 

Linh Tiến Khải