Một Hội Thánh nghèo và cho người nghèo
Vị giáo hoàng yêu mọi người, giàu cũng như nghèo, nhưng vị giáo hoàng có nghĩa vụ nhân danh Đức Kitô nhắc mọi người rằng người giàu phải giúp đỡ, tôn trọng và thăng tiến người nghèo. Tôi khuyên anh chị em hãy liên đới quảng đại và hãy đưa kinh tế và tài chánh về với một phương thức luân lý phục vụ con người… Niềm tin của ta vào Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo khó và luôn luôn gần gũi người nghèo và người bị gạt ra bên ngoài, là cơ sở khiến ta quan tâm đến sự phát triển toàn diện của các thành viên bị quên lãng nhất của xã hội.
Vị giáo hoàng yêu mọi người, giàu cũng như nghèo, nhưng vị giáo hoàng có nghĩa vụ nhân danh Đức Kitô nhắc mọi người rằng người giàu phải giúp đỡ, tôn trọng và thăng tiến người nghèo. Tôi khuyên anh chị em hãy liên đới quảng đại và hãy đưa kinh tế và tài chánh về với một phương thức luân lý phục vụ con người… Niềm tin của ta vào Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo khó và luôn luôn gần gũi người nghèo và người bị gạt ra bên ngoài, là cơ sở khiến ta quan tâm đến sự phát triển toàn diện của các thành viên bị quên lãng nhất của xã hội.
Mỗi cá nhân Kitô hữu và mọi cộng đồng được kêu gọi hãy là một công cụ của Thiên Chúa để giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ hoàn toàn trở nên một bộ phận của xã hội. Việc này đòi ta phải sẵn sàng và chú tâm nghe tiếng kêu của người nghèo và đến giúp họ.
Hội Thánh đã ý thức rằng chính nhu cầu quan tâm đến tiếng kêu cầu này xuất phát từ hành động giải phóng của ân sủng trong mỗi người chúng ta, và vì thế đây không phải là vấn đề chỉ là một sứ vụ dành cho một số ít người. Đây là hoạt động diệt trừ các cơ cấu gây nên đói nghèo và cổ vũ sự phát triển toàn diện cho người nghèo, cũng như các hành vi nhỏ hằng ngày đáp ứng các nhu cầu thực tế mà ta gặp. Thuật ngữ “liên đới” nghe có phần sói mòn và đôi khi được hiểu một cách hạn hẹp, nhưng nó nhắm đến một điều gì lớn hơn một vài hành vi quảng đại rời rạc. Liên đới có nghĩa là tạo ra một tâm tư mới biết quan tâm đến cộng đồng và ưu tiên đặt sự sống lên trên việc chiếm hữu của cải bởi một số ít người….
Ta không chỉ đang nói về việc bảo đảm sự dinh dưỡng hay một “điều kiện sinh sống xứng đáng” cho mọi người, mà cả “hạnh phúc và sự thịnh vượng vật chất chung”[1]của họ. Điều này có nghĩa là một nền giáo dục, sự chăm sóc y tế, và trên hết là công ăn việc làm, vì chính nhờ lao động có tính tự do, sáng tạo, tham gia và nâng đỡ lẫn nhau mà con người thể hiện và nâng cao phẩm giá cuộc sống của họ. Một mức lương công bằng sẽ giúp họ tiếp cận một cách thoả đáng mọi mặt hàng khác để sử dụng trong đời sống bình thường.
Đối với Hội Thánh, lựa chọn người nghèo là một phạm trù chủ yếu thuộc về thần học hơn là một phạm trù xã hội học, chính trị hay triết học. Thiên Chúa tỏ “lòng thương xót của Người trước tiên”[2]cho những người nghèo. Sự ưu ái này của Thiên Chúa có những hệ quả cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, vì chúng ta được kêu gọi để có “tâm tư như Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2,5). Được gợi hứng bởi điều này, Hội Thánh đã có sự chọn lựa vì người nghèo, được hiểu như là một “hình thức đặc biệt hàng đầu trong việc thực thi bác ái Kitô giáo luôn dược toàn thể truyền thống của Hội Thánh làm chứng”[3]. Sự chọn lựa này – như Đức Bênêđictô dạy – “hàm ẩn trong đức tin Kitô giáo của ta vào một vị Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó vì ta, để ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người”[4]. Đây là lý do tại sao tôi muốn một Hội Thánh nghèo và cho người nghèo. Người nghèo có nhiều điều để dạy ta. Không những họ tham dự vào cảm thức đức tin (sensus fidei), nhưng giữa những khó khăn họ nhận biết Đức Kitô thống khổ. Ta cần phải để cho bản thân mình được họ phúc âm hoá. Tân phúc âm hoá là một lời mời gọi nhìn nhận quyền năng cứu độ đang hoạt động trong đời sống của họ và đặt các cuộc đời này vào trung tâm cuộc lữ hành của Hội Thánh. Ta được kêu gọi tìm thấy Đức Kitô nơi họ, lên tiếng ủng hộ họ, nhưng cũng là bạn của họ, lắng nghe họ, nói thay họ và ôm lấy sự minh triết nhiệm mầu mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với ta thông qua họ.
Ta dấn thân không chỉ trong các hoạt động hoặc các chương trình thăng tiến và hỗ trợ; điều Chúa Thánh Thần tác động không phải là một thứ hiếu động bừa bãi, nhưng trên hết mọi sự, một sự chú tâm coi người khác “theo một nghĩa nào, đó là một với ta”[5]. Sự để ý ưu ái này là khởi đầu cho một sự quan tâm thực sự đến bản thân họ, gợi hứng tôi thực sự mưu cầu lợi ích cho họ. Điều này bao hàm sự tán thưởng người nghèo về lòng tốt của họ, về kinh nghiệm về cuộc đời, về văn hoá của họ, và về các phương cách sống đức tin của họ…. Khi được yêu, người nghèo “được kính trọng như thể rất đáng quí”[6], và đây là điều làm cho sự chọn lựa người nghèo đích thực khác với bất kỳ ý thức hệ nào khác, khác với bất kỳ cố gắng nào bóc lột người nghèo vì lợi ích cá nhân hay chính trị của bản thân mình. Chỉ trên cơ sở sự gần gũi thực sự và chân thành này, ta mới có thể đồng hành đúng đắn với người nghèo trên con đường giải phóng của người nghèo.
Chỉ có điều này mới bảo đảm rằng “trong mỗi cộng đồng Kitô giáo, người nghèo cảm thấy như ở nhà. Đây chẳng phải là phương pháp lớn nhất và hiệu quả nhất để trình bày tin mừng về Nước Thiên Chúa sao?”[7]Nếu không có sự ưu tiên lựa chọn người nghèo, “việc rao giảng Tin Mừng, tự thân vốn là hình thức hàng đầu của đức ái, có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc bị nuốt trửng vào đại dương những ngôn từ của truyền thông xã hội ngày nay”[8].
Không thể trì hoãn nhu cầu giải quyết các cấu trúc gây ra nghèo khó, không chỉ vì lý do thực dụng mang tính cấp bách của nhu cầu đó đối với trật tự tốt đẹp của xã hội, mà còn vì xã hội cần được chữa khỏi một căn bệnh đang làm nó suy yếu và thất vọng và chỉ có thể dẫn tới những khủng hoảng mới. Các dự án an sinh xã hội, đáp ứng được một số nhu cầu khẩn cấp, nên chỉ được xem là những ứng phó tạm thời. Bao lâu các vấn đề người nghèo không được giải quyết triệt để bằng cách loại bỏ tính tự trị tuyệt đối của các thị trường và nạn đầu cơ tài chánh cũng như bằng cách tấn công vào các cấu trúc là nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng[9], thì sẽ không tìm thấy một giải pháp nào cho các vấn đề của thế giới hoặc, cho bất cứ vấn đề nào trong lãnh vực này. Bất bình đẳng là cội rễ của các tệ nạn xã hội.
Phẩm giá của mỗi nhân vị và sự mưu cầu công ích là những mối quan tâm định hình tất cả các chính sách kinh tế. Tuy nhiên, đôi khi chúng chỉ là một phụ lục được nhập khẩu từ bên ngoài để bù đắp cho một giải pháp chính trị thiếu viễn kiến hoặc thiếu các kế hoạch phát triển đích thực và toàn diện. Biết bao nhiêu từ ngữ gây khó chịu đối với hệ thống này! Khó chịu khi vấn đề luân lý được nêu lên, khi tình liên đới toàn cầu được khơi dậy, khi sự phân phối của cải được nhắc đến, khi nhắc đến việc bảo vệ người lao động và bênh vực phẩm giá của những người không có quyền lực, khi nói đến một vị Thiên Chúa đòi hỏi sự dấn thân cho công lý. Khi khác, các vấn đề này bị khai thác bởi một thứ tu từ làm cho chúng trở nên rẻ mạt. Đôi khi sự dửng dưng trước những vấn đề như thế làm cho cuộc đời của ta trở nên trống rỗng và các lời của ta mất hết ý nghĩa. Kinh doanh là một ơn gọi, và là một ơn gọi cao quí, với điều kiện là những người tham gia kinh doanh thấy mình được thách thức bởi một ý nghĩa lớn hơn trong cuộc sống; điều này sẽ giúp họ thực sự phục vụ công ích bằng cách cố gắng làm gia tăng của cải cho thế giới này và làm cho của cải đến với mọi người nhiều hơn.
Ta không còn có thể tin vào những lực lượng giấu mặt và bàn tay vô hình của thị trường. Tăng trưởng về sự công bằng đòi hỏi một điều gì lớn hơn tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn nhìn nhận sự tăng trưởng đó: nó đòi hỏi những quyết định, những chương trình, những cơ chế vận hành và những qui trình được vận hành một cách cụ thể đến một sự phân phối thu nhập tốt hơn, tạo ra các nguồn lực việc làm và một sự thăng tiến toàn diện người nghèo, một sự thăng tiến vượt quá một não trạng chỉ có an sinh…
Là người rao giảng Tin Mừng tuyệt hảo và hiện thân của Tin Mừng, Đức Giêsu đồng hoá nhất là với những người nhỏ bé (x. Mt 25,40). Điều này nhắc người Kitô hữu chúng ta rằng ta được kêu gọi chăm sóc những người dễ bị tổn thương của trái đất. Nhưng mô hình hiện nay, chú trọng đến thành công và tự lực tự cường, xem ra không thuận lợi cho việc đầu tư vào các nỗ lực cứu giúp những người thấp hèn, yếu đuối hoặc kém tài năng để tìm ra những cơ hội trong cuộc đời.
Điều cốt yếu là phải tiếp cận các hình thức mới của sự nghèo khó và dễ tổn thương mà ta được kêu gọi đi vào để nhận ra Đức Kitô thống khổ, cả khi việc này có vẻ như không mang lại cho ta lợi nhuận hữu hình và trước mắt. Tôi nghĩ đến những người vô gia cư, những người nghiện ngập, những người tỵ nạn, những dân tộc bản địa, những người già đang ngày càng bị cô lập và bỏ rơi, và nhiều người khác.
Có những hữu thể yếu đuối và vô phương tự vệ khác thường xuyên phải chịu thua thiệt trước những lợi ích kinh tế hoặc tình trạng bóc lột vô độ. Tôi đang nói đến toàn thể tạo thành. Loài người chúng ta không chỉ là người thụ hưởng nhưng còn là người quản lý các thụ tạo khác. Nhờ ta có thân xác, Thiên Chúa đã kết hợp ta rất mật thiết với thế giới xung quanh đến mức ta có thể cảm thấy tình trạng sa mạc hoá đất đai gần như là một căn bệnh thể lý, và sự tuyệt chủng của một giống loài như một sự biến dạng đớn đau. Ta đừng nên để lại sau mình vết tích của sự tàn phá và chết chóc sẽ ảnh hưởng tới đời sống của chính ta và của các thế hệ tương lai[10]…
Nhỏ bé nhưng mạnh mẽ trong tình yêu Thiên Chúa, giống như Thánh Phanxicô Assisi, tất cả chúng ta, với tư cách là các Kitô hữu, được kêu gọi canh chừng và bảo vệ thế giới mong manh trong đó ta sống, cùng với tất cả các dân tộc của thế giới.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đan Quang Tâm dịch
Tuyển chọn từ Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui của Tin Mừng) năm 2013 của Đức giáo hoàng Phanxicô các số 58. 186-216.
Nguồn: “A Church That Is Poor and for the Poor – Pope Francis”, Tạp chí The Church in The 21st Century Center, Boston College, số Fall 2014
http://www-test.bc.edu/content/dam/files/top/church21/pdf/C21 FALL 2014 Re– source reduced.pdf)
[1] Đức Phaolô VI, Thông Điệp Populorum Progressio (26-3-1967), 65: AAS 59 (1967), 289.
[2] Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng trong Thánh Lễ cầu cho việc Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc tại Santo Domingo (11-10-1984), 5: AAS 77 (1985), 358.
[3] Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, 42
[4] Diễn từ tại Phiên Khai mạc Hội nghị Khoáng đại Lần thứ V của các Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribê (13-5-2007), 3: AAS 99 (2007), 450.
[5] Thánh Tôma Aquinô, S. Th., II-II, q. 27, a. 2.
[6] Ibid, I-II, q. 26, a. 3.
[7] Gioan Phaolô II, Novo Millennio Ineunte, 50.
[8] Ibid.
[9] Điều này bao hàm một sự dấn thân nhằm “loại bỏ các cấu trúc là nguyên nhân khiến cho kinh tế toàn cầu lệch lạc”: Đức Bênêđictô XVI, Diễn từ cho Ngoại giao đoàn (8-1-2007): AAS 99 (2007), 73.
[10] Cf. Propositio 56.