23/01/2025

Để môi trường trong sạch, ở Mỹ giám sát ra sao?

Ở Mỹ, Quốc hội là cơ quan giám sát các chương trình về môi trường từ góc độ giảm thiểu gian lận, lãng phí, lạm dụng, hành vi phi đạo đức và quản lý yếu kém.

 

Để môi trường trong sạch, ở Mỹ giám sát ra sao?

 

 Ở Mỹ, Quốc hội là cơ quan giám sát các chương trình về môi trường từ góc độ giảm thiểu gian lận, lãng phí, lạm dụng, hành vi phi đạo đức và quản lý yếu kém.

 

 

 

 

Để môi trường trong sạch, ở Mỹ giám sát ra sao?
Mới đây từ phản ảnh của người dân, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện rác thải của Formosa đổ trái phép ở mỏ đá 171, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) – Ảnh: VĂN ĐỊNH

Tiến sĩ TERRY F. BUSS  (Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) đã cho biết như vậy khi đề cập đến vấn đề môi trường đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhằm góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ xin giới thiệu đến bạn đọc ý kiến này.

Theo dõi báo chí VN, tôi được biết có đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội quan tâm giám sát về môi trường. Xin giới thiệu hệ thống giám sát của Quốc hội Mỹ để các bạn tham khảo.

Mỗi năm, Chính phủ Mỹ chi 45 tỉ đôla ngân sách cho môi trường và các quy định môi trường thông qua 269 chương trình do 28 cơ quan liên bang phụ trách. Chỉ trong 8 năm qua, quy định của các chương trình này đã khiến khu vực tư nhân tiêu tốn 64 tỉ đôla.

Quốc hội là cơ quan giám sát các chương trình này từ góc độ giảm thiểu gian lận, lãng phí, lạm dụng, hành vi phi đạo đức và quản lý yếu kém.

Bao quát hoạt động giám sát của Quốc hội

Để môi trường trong sạch, ở Mỹ giám sát ra sao?
Tiến sĩ Terry F. Buss – Ảnh: NHẬT HUY

Cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều bao gồm 21 uỷ ban và trên 100 tiểu ban chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ chương trình và các cơ quan liên bang. Mỗi năm, các uỷ ban đều công bố danh sách chương trình sẽ được đánh giá, thường là các chương trình có “nguy cơ thất bại cao”. Hầu hết chương trình được đánh giá khi xảy ra sự cố như một vụ bê bối, khủng hoảng, kiểm toán có vấn đề hoặc “một sự cố bất ngờ”.

Thường thì các nhóm lợi ích công, các hiệp hội kinh doanh, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tư vấn chính sách (think-tanks), các nghiệp đoàn hoặc nhà nghiên cứu tại các trường đại học sẽ đề xuất giám sát. Những người tố giác cũng góp phần 
thúc đẩy giám sát.

Mỗi ủy ban đều có bộ quy định cứng hướng dẫn công tác giám sát để đảm bảo công bằng. Cán bộ uỷ ban được lựa chọn theo tỉ lệ thành viên của lưỡng viện Quốc hội.

Với số nhân sự ít ỏi, các uỷ ban phải một phần dựa vào ý kiến của những cơ quan chuyên môn và người dân trong giám sát các chương trình môi trường. Cơ quan chuyên môn của Thượng viện là Văn phòng Giải trình chính phủ (GAO) thực hiện kiểm toán tài chính và đánh giá quản lý.

Viện Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (NAS) và Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ (NAPA) là hai cơ quan được Quốc hội trao đặc quyền đánh giá về quản lý. Và Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội, Văn phòng phụ trách các vấn đề về đạo đức Chính phủ và Văn phòng tư vấn đặc biệt chịu trách nhiệm giám sát đặc biệt…

Cần thiết 
phải giám sát

Chính quyền liên bang ngày càng có xu hướng chối bỏ trách nhiệm giải trình. Nhiều nhân sự của Cơ quan Bảo vệ môi trường liên bang (EPA) vẫn nhận lương đầy đủ cho các kỳ nghỉ phép dài. EPA biết rõ tình trạng hệ thống cấp nước ở thành phố Flint, bang Michigan nhiễm độc chì nhưng họ đã không làm gì cả. Trẻ em ở đó đã bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo và các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Nhưng EPA 
vẫn cố tình bao che.

Chính quyền cũng ngày càng ít hợp tác với Quốc hội trong hoạt động giám sát, thậm chí còn cố tình gây khó khăn. Văn phòng An ninh nội địa của EPA đã ngăn, không cho tổng thanh tra tiếp cận thông tin cần thiết để đánh giá chương trình.

Chính quyền thường xuyên báo cáo sai lên Quốc hội. Một khu mỏ bị bỏ hoang ở Colorado đã thải hơn 3 triệu gallon chất thải độc hại ra sông Animas năm 2015. EPA nhận thức rõ nguy cơ nhưng đã không có động thái gì. Sau đó EPA lại cho rằng sự cố này là do các tác nhân tự nhiên gây ra…

Vai trò giám sát của dân

Cùng với Quốc hội, người dân có vai trò chủ chốt trong giám sát. Quốc hội đã thông qua luật cho phép các cơ quan và các chương trình tự đưa ra các quy định hướng dẫn. Các quy định này được đăng trên website để lấy ý kiến (Bộ pháp điển các quy định liên bang). Người dân có thể đọc hoặc phản hồi về các quy định đang được xem xét, đang lấy ý kiến công chúng hoặc đã được ban hành trên Federal Register (một dạng công báo liên bang xuất bản mỗi ngày làm việc – www.regulations.gov).

Bên cạnh đó, các thông tin về chương trình, báo cáo thường niên, luật, mô tả chương trình, các kế hoạch chiến lược phải được đăng trên website của cơ quan đó để người dân đọc và phản hồi. Mỹ là nước có chính sách nghiêm nhất về dữ liệu mở, cho phép người dân được tiếp cận các thông tin chính phủ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.

Truyền thông cũng là một bên tham gia chính trong việc đóng góp vào hoạt động giám sát của Quốc hội. Quốc hội dựa vào các phóng sự điều tra và các tin bài tổng hợp trên truyền thông để buộc chính phủ có trách nhiệm giải trình…

Hệ thống chính trị Mỹ đang tồn tại trong sự “ách tắc” cao độ. Việc kiểm soát và đối trọng trong hệ thống – Quốc hội, toà án và tổng thống – không còn thật sự hiệu quả nữa. Quyền lực tổng thống đang lấn át hai nhánh quyền lực còn lại. Một tổn thất trông thấy là việc giám sát chính phủ của Quốc hội đã không thực hiện được.

Kết quả là người dân không kiểm soát được chính phủ của họ nữa. Mặc dù chưa rõ hệ thống chính trị này có thể được khắc phục bằng cách nào, nhưng điều này có thể giúp Quốc hội Việt Nam nhìn nhận rõ hơn về chức năng giám sát. Việt Nam có thể cân nhắc việc tăng cường hơn nữa các cơ chế kiểm soát và đối trọng trong công tác giám sát.

Tiến sĩ TERRY F. BUSS (Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) – THÚY ĐÀO ghi