24/12/2024

Lo ngại ‘Formosa ở Long An’

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đóng cửa nhà máy nhiệt điện đốt than để tránh tàn phá môi trường, thì tại VN các nhà máy mới không ngừng được xây dựng.

 

Lo ngại ‘Formosa ở Long An’

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đóng cửa nhà máy nhiệt điện đốt than để tránh tàn phá môi trường, thì tại VN các nhà máy mới không ngừng được xây dựng.




Bãi xỉ than khổng lồ ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. /// Ảnh: Quế Hà

 

Bãi xỉ than khổng lồ ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.ẢNH: QUẾ HÀ


Mới nhất là dự án ở H.Cần Giuộc (tỉnh Long An), chỉ cách TP.HCM khoảng 30 km. Dự án có tên Nhà máy nhiệt điện than Long An I, do Tập đoàn Deawoo E&C (Hàn Quốc) triển khai, có công suất 1.320 MW. Deawoo E&C và UBND tỉnh Long An đã thống nhất chọn xã Phước Vĩnh Đông, giáp ranh TP.HCM, để xây dựng nhà máy có vốn đầu tư khoảng 2,7 tỉ USD này, theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BOT).


TP.HCM trong vòng nguy hiểm
Cho rằng đây là một quyết định vội vã và thiếu cẩn trọng trong tham vấn các địa phương lân cận về mức độ ảnh hưởng môi trường mà dự án sẽ gây ra, thạc sĩ Nguyễn Thị Quí, chuyên gia tế bào học của Úc, đặt vấn đề: Đây là một dự án nhiệt điện lớn, ảnh hưởng đến môi trường dân sinh của nhiều địa phương, không chỉ Long An, nên không thể giao về địa phương quyết mà cần có sự tham vấn từ cấp chuyên môn của Chính phủ, các địa phương lân cận. “Cần Giuộc, nơi triển khai dự án nhà máy nhiệt điện than, chỉ cách TP.HCM và tỉnh Tiền Giang 30 – 50 km. Khi quyết dự án này, TP.HCM và Tiền Giang đã được tham vấn chưa? Thứ hai, đây là dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế quốc gia, môi trường, sức khoẻ của người dân cả vùng, không nên giao trách nhiệm tự quyết cho một địa phương”, bà Quí nhấn mạnh. 

 
 
Lo ngại ‘Formosa ở Long An’ - ảnh 2
Cho dù dự án đã được cấp phép thì vẫn có thể rút lại. Long An cần cảnh giác sau sự cố Formosa, phải cẩn trọng hơn về tác động môi trường. Dự án dù ở Long An nhưng khả năng ảnh hưởng đến các địa phương lân cận rất lớn, đặc biệt là TP.HCM
Lo ngại ‘Formosa ở Long An’ - ảnh 3
 
Chuyên gia Phạm Chi Lan
 


Dẫn chứng về dự án Nhà máy nhiệt điện than Hazelwood ở tiểu bang Victoria, một trong những nhà máy nhiệt điện than được đánh giá là ô nhiễm nhất thế giới, bà Quí cho biết: “Úc rộng lớn, dân thưa và có nhiều mỏ than lộ thiên lớn, nên quốc gia này vẫn đang cho phép khai thác và sử dụng than đá để phát điện.
Tuy nhiên, việc khai thác được kiểm soát rất gắt gao. Úc làm nhiệt điện than bằng công nghệ hiện đại, song sự phản đối của người dân về môi trường vẫn xảy ra”, bà Quí nói và nghi ngại có thể xảy ra một “Formosa ở Long An” trong tương lai nếu nhà máy đi vào vận hành, trực tiếp gây ô nhiễm ra sông Nhà Bè và các vùng phụ cận.
Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, uỷ viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường (Ủy ban MTTQ VN TP.HCM), nói: “Khi nghe tin Long An đầu tư một dự án nhiệt điện than, tôi tự hỏi nguồn nguyên liệu lấy từ đâu? Long An hiện không có mỏ than. Nếu làm điện bằng than mà phải đi mua than thì giá thành thế nào, có cạnh tranh nổi không…
Về vấn đề môi trường, nhà máy nhiệt điện than dù làm bằng công nghệ tiên tiến nhất vẫn ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Tỉnh Long An đã tiên liệu hết những vấn đề này chưa hay chỉ thấy nguồn lợi trước mắt mà lãng quên vấn đề đánh giá tác động môi trường cũng như hiệu quả kinh tế”.
Ông Ninh khuyến cáo Long An nên nghiên cứu, kêu gọi đầu tư vào điện gió và điện mặt trời tốt hơn làm điện than. Khí độc từ than thổi đi khắp nơi, không giới hạn địa phương nào cả. Bài học từ ô nhiễm bụi đen của Bắc Kinh (Trung Quốc) là ví dụ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã tiến hành đóng cửa 4 nhà máy nhiệt điện than cuối cùng trong thành phố để giảm ô nhiễm môi trường trong vài ba năm gần đây.
Nên xem xét dừng dự án
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp VN, khẳng định không nên tiếp tục triển khai dự án nhà máy nhiệt điện than ở Long An. Lý do, nhiệt điện than đã được chứng minh ảnh hưởng tiêu cực bậc nhất đến môi trường, nhiều quốc gia hạn chế xây dựng nhà máy mới hoặc kiên quyết đóng cửa nhà máy cũ.
Các nước đã tìm mọi cách phát triển các nguồn điện khác, thậm chí là nguồn dầu, để thay thế. Theo bà Lan, thực tế nguồn than ở VN đã cạn kiệt, các nhà máy nhiệt điện than đều phải lo nhập khẩu than từ bên ngoài phục vụ cho sản xuất, vì nguồn than trong nước không đủ. Vì thế, giá than nhập khẩu lẫn giá than trong nước càng ngày càng đắt lên, nên không hy vọng một nguồn điện rẻ từ các nhà máy nhiệt điện trong tương lai.
Nhà máy nhiệt điện Na Dương Ảnh: Ngọc Thắng

Nhà máy nhiệt điện Na Dương.ẢNH: NGỌC THẮNG


Các chuyên gia trên thế giới cũng khuyến cáo VN hoàn toàn có khả năng phát triển các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện từ sóng… “Vậy, VN có nên đi theo hướng mà thế giới đã rũ bỏ hay không? Tôi cho là không. VN cần phải điều chỉnh chiến lược phát triển nguồn năng lượng theo xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới. Nếu Long An đặt vấn đề xây dựng nhà máy nhiệt điện than vào đúng bối cảnh này là không phù hợp”, bà Lan phát biểu.
“Kinh nghiệm của Formosa ở Hà Tĩnh cho thấy, đâu chỉ riêng Hà Tĩnh gánh chịu, mà còn kéo dài ở nhiều tỉnh thành. Nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang có thể ảnh hưởng nhiều tỉnh trong khu vực khi nước thải đổ ra sông. Dự án nhiệt điện than của Long An cũng vậy, sẽ ảnh hưởng lớn đến TP.HCM và địa phương lân cận. Đối với những dự án nhạy cảm về môi trường, khi cấp phép đầu tư cần tham khảo ý kiến chuyên gia độc lập và các địa phương xung quanh, cả việc tham vấn cộng đồng dân cư…”, bà Lan nói và khuyến nghị: “Cho dù dự án đã được cấp phép thì vẫn có thể rút lại. Long An cần cảnh giác sau sự cố Formosa, phải cẩn trọng hơn về tác động môi trường. Dự án dù ở Long An nhưng khả năng ảnh hưởng đến các địa phương lân cận rất lớn, đặc biệt là TP.HCM”.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cũng lưu ý cần cân nhắc xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới, không chỉ dự án ở Long An. “Tại cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu cuối năm 2015 ở Paris (Pháp), VN đã bị phê phán vì tiếp tục xây dựng các nhà máy điện chạy than. VN cũng cam kết sẽ điều chỉnh chiến lược phát triển nguồn điện dựa vào than. Vì thế, chắc chắn một điều xây dựng nhà máy điện chạy than phải được xem xét kỹ vì điều đó không phù hợp với cam kết của VN về giảm lượng phát khí thải CO2, đồng thời không phù hợp với xu hướng thế giới. Chúng ta cũng nên xem xét dừng đầu tư dự án ở Long An. Lý do EVN muốn phát triển nhà máy nhiệt điện than là vì việc sử dụng than phát điện rẻ hơn so với các nguyên liệu khác. Nhưng theo tôi vào thời điểm hiện nay chính sách này không còn phù hợp”, ông Doanh khẳng định.
Nguồn ô nhiễm khủng khiếp
Trên thực tế, ô nhiễm của nhiệt điện than đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước. Hồi tháng 4.2015, vì bức xúc trước việc bãi xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) gây bụi, hàng trăm người dân H.Tuy Phong đã chặn xe trên QL1. Một số người dân quá khích đập cửa kính khách sạn và ô tô khiến công an phải khởi tố vụ án. Tuy nhiên, bức xúc của người dân ở xung quanh Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không hề suy giảm.
Với 19 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành hiện nay tại VN, mỗi năm đang thải ra môi trường khoảng 10 triệu tấn xỉ, chưa tính nước thải chứa nhiều chất độc và kim loại nặng. Còn theo Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID), các nhà máy nhiệt điện than thải ra một lượng tro xỉ khổng lồ, ước khoảng 14,8 triệu tấn/năm từ năm 2020 và lên đến 29,1 triệu tấn/năm từ năm 2030. Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho biết, số người chết sớm liên quan đến nhiệt điện than vào năm 2010 ở VN là 31.000 người, riêng ĐBSCL là 8.000 người.

 

Nguyên Nga – N.Trần Tâm