23/01/2025

Kiểm lâm đã thay đổi cách bảo vệ rừng

Sau đề xuất của một kỹ sư lâm nghiệp trong bài “Kiểm lâm đủ mạnh mới giữ được rừng”, ông Nguyễn Quốc Trị, cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), đã trao đổi thêm về câu chuyện bảo vệ rừng.

 

Kiểm lâm đã thay đổi cách bảo vệ rừng

 

Sau đề xuất của một kỹ sư lâm nghiệp trong bài “Kiểm lâm đủ mạnh mới giữ được rừng”, ông Nguyễn Quốc Trị, cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), đã trao đổi thêm về câu chuyện bảo vệ rừng.

 

 

 

 

Kiểm lâm đã thay đổi cách bảo vệ rừng
Lực lượng kiểm lâm Lâm Đồng kiểm tra gỗ lậu trong chuyên án của Bộ Công an – Ảnh: S.BÌNH

Tôi đã đọc ý kiến “Kiểm lâm đủ mạnh mới giữ được rừng” trên Tuổi Trẻ. Ý kiến rất tâm huyết khiến chúng tôi là những người kiểm lâm thấy vui vì đang có nhiều người hỗ trợ trong công tác bảo vệ rừng, giữ rừng.

Về trách nhiệm của kiểm lâm, tôi cho rằng đang có thay đổi về cách tiếp cận, kiểm lâm hiện nay không ngồi một chỗ, bảo vệ rừng ở vòng ngoài nữa mà khi cần thiết là bảo vệ tận gốc. Đây là thay đổi về tư duy bảo vệ rừng.

Các yếu tố quan trọng trong bảo vệ rừng là chống cháy, chống phá rừng, không chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác. Và cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp mới thực hiện được mục tiêu bảo vệ rừng.

Với nhiệm vụ chống cháy rừng – nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, chúng tôi ở cục đang tập trung theo dõi qua vệ tinh về phát hiện sớm và thông tin kịp thời cho các địa phương, cơ sở hoặc chủ rừng để yêu cầu kiểm tra nếu có cháy rừng và chữa cháy ngay; thông tin dự báo tình hình thời tiết trước 7 ngày cho các địa phương để chuẩn bị và thường xuyên ứng trực các điểm có nguy cơ cháy cao; chuẩn bị phương án hỗ trợ chữa cháy khi có đề nghị của địa phương.

Các địa phương xác định sớm những điểm có nguy cơ cháy rừng cao để có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; quản lý được việc sử dụng lửa trong rừng thông qua việc đốt nương làm rẫy, du lịch sinh thái…

Đối với nhiệm vụ chống phá rừng, việc quan trọng chúng tôi đang làm là triển khai nhiều giải pháp chống phá rừng, trong đó có việc vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra, truy quét những tụ điểm trọng yếu về chặt phá trái phép, xử lý nghiêm các vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với việc chuyển đổi rừng thì dừng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang các mục đích khác, kể cả rừng nghèo kiệt bởi nếu giữ thì rừng nghèo kiệt sẽ trở thành rừng giàu.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng lực lượng bảo vệ rừng, trong đó lấy lực lượng kiểm lâm làm nòng cốt, bên cạnh có lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng, sự phối hợp của các ngành liên quan như công an, quân đội…

Để xảy ra mất rừng thì trách nhiệm không chỉ của chủ rừng mà tính đến trách nhiệm thực thi công vụ của cả cán bộ kiểm lâm, chủ tịch xã sở tại.

Về hiệu quả bảo vệ rừng, nếu xác định từ đầu năm đến nay bảo vệ được bao nhiêu thì chúng tôi chưa đánh giá ngay, nhưng việc triệt phá các đầu nậu, giám sát chặt hoạt động của các đầu nậu cũng là biện pháp ngăn chặn gỗ rừng bị chặt phá và tuồn về thành phố.

Đã có nhiều điểm buôn lậu gỗ lớn ở Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam bị triệt phá và còn nhiều đường dây nữa đang trong quá trình bóc gỡ, chưa thể công bố ngay nhưng đó cũng đều là các đầu nậu lớn. Khi giám sát chặt các tụ điểm buôn lậu gỗ thì không còn điểm để gỗ rừng tập kết về.

Ông TÔ VĂN TÁM 
(đại biểu Quốc hội, ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội):

Phải làm ngay 2 việc

Về tổ chức lực lượng kiểm lâm hiện nay (UBND tỉnh và trực tiếp là sở nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý) theo tôi là cách tổ chức hợp lý, gắn với trách nhiệm của UBND tỉnh, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh.

Nhưng muốn lực lượng kiểm lâm làm tốt nhiệm vụ của mình, theo tôi, cần sớm làm 2 việc. Thứ nhất là rà soát ngay xem tỉ lệ một cán bộ kiểm lâm đang được giao kiểm tra kiểm soát bao nhiêu diện tích rừng, liệu diện tích được giao có lớn so với phương tiện và điều kiện quản lý không.

Việc thứ hai là hoàn thiện khung pháp lý theo hướng chặt chẽ hơn, đảm bảo về an toàn cho họ khi bị lâm tặc tấn công, đồng thời cũng nên quy định rõ hơn về trách nhiệm công vụ khi để xảy ra mất rừng, sản vật rừng hay động vật hoang dã có liên quan đến khu vực họ được giao quản lý.

Khung pháp lý cho hoạt động của lực lượng kiểm lâm hiện nay, theo tôi, còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

L.ANH ghi