23/01/2025

Phát triển bền vững với du lịch xanh

Phú Quốc được định hướng trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế nên vấn đề bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu, trong đó du lịch xanh chính là giải pháp để phát triển du lịch Phú Quốc bền vững.

 

Phát triển bền vững với du lịch xanh

 

Phú Quốc được định hướng trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế nên vấn đề bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu, trong đó du lịch xanh chính là giải pháp để phát triển du lịch Phú Quốc bền vững.

 

 

 

 

Phát triển bền vững với du lịch xanh
Du khách đến Phú Quốc mong muốn được tận hưởng không gian xanh, sạch, đẹp và an toàn – Ảnh: HỮU KHOA

Ông MAI VĂN HUỲNH – phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về chiến dịch “Du lịch xanh Phú Quốc”, một hoạt động nhằm hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc – ĐBSCL. Ông Huỳnh nói: Du lịch xanh là một xu hướng đang được nhiều quốc gia khuyến khích phát triển và được du khách thuộc nhiều tầng lớp hưởng ứng do mang lại nhiều lợi ích như góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hoá địa phương; tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân bản địa…

* Thời gian qua, Phú Quốc đã có chuẩn bị gì cho sự phát triển du lịch xanh, thân thiện với môi trường, thưa ông?

Phát triển bền vững với du lịch xanh
Ông MAI VĂN HUỲNH - Ảnh: K.NAM

– Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Phú Quốc nhiều tài sản vô giá. Đó là những cánh rừng nguyên sinh, những bờ biển cát trắng, những dòng sông, con suối thơ mộng… góp phần tạo nên danh xưng “đảo ngọc” Phú Quốc.

Do đó, chính quyền cũng như người dân và các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, đặc biệt các nhà đầu tư lớn, đều rất quan tâm tới loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên – du lịch xanh.

Tại một số địa bàn trên đảo Phú Quốc đã có những khu nghỉ dưỡng được người ta xây dựng trong vườn cây ăn trái, ven bờ suối… để mang lại cho du khách cảm giác gắn bó với thiên nhiên nhiều nhất có thể được.

Trong quá trình làm du lịch, ý thức tránh tác động tới cảnh quan môi trường tự nhiên đã hình thành. Vườn thú Safari của Tập đoàn Vingroup là một ví dụ.

* Nhưng ngành du lịch Phú Quốc cũng đang đối diện nhiều vấn đề, đặc biệt là chuyện ô nhiễm môi trường?

– Ngành du lịch Phú Quốc đã phát triển rất nhanh, có thể nói là phát triển “nóng” những năm gần đây. Số phòng lưu trú từ 1.766 phòng vào năm 2010 tăng lên gần 6.000 phòng vào cuối năm 2015; khách du lịch có lưu trú từ 328.800 lượt vào năm 2010 tăng lên hơn 1 triệu lượt vào cuối năm 2015 và ước đến cuối năm 2016, lượng khách du lịch có lưu trú sẽ đạt khoảng 1,4 triệu lượt.

Và phải thừa nhận rằng sự phát triển “nóng” của ngành du lịch Phú Quốc thời gian qua cũng gây ra một số vấn đề về môi trường, một trong những thách thức lớn nhất mà địa phương đang tích cực tìm giải pháp giải quyết. Thời gian tới chúng tôi sẽ quan tâm hơn đối với công tác quy hoạch và đầu tư các khu, điểm, tuyến du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm theo hướng phát triển bền vững.

Trong các dự án du lịch, chúng tôi sẽ ưu tiên sử dụng các thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, địa phương sẽ có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ để doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn cho toàn đảo Phú Quốc.

* Việc bảo vệ môi trường còn đòi hỏi ý thức của từng thành viên tham gia làm du lịch cũng như người dân phải được nâng cao, thưa ông?

– Trước mắt, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân và du khách ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý thật tốt rác thải… Mỗi mảnh rác, dù nhỏ, nếu không được bỏ đúng nơi, đúng chỗ đều sẽ làm xấu đi hình ảnh của địa phương, ảnh hưởng lâu dài tới môi trường xung quanh.

Bản thân các doanh nghiệp làm du lịch cũng đòi hỏi phải có ý thức giữ gìn tài nguyên mà mình đang khai thác, kinh doanh phải có cái tâm và trách nhiệm với môi trường. Bởi môi trường được bảo vệ, du khách mới trở lại.

PGS.TS Phạm Trung Lương (chuyên gia nghiên cứu phát triển du lịch):

Phải thay đổi nhận thức về làm du lịch

Trước hết, có thể nói tình trạng suy thoái, xuống cấp của tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên do tác động của phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có cả du lịch, cũng ảnh hưở ng rất lớn đến phát triển các sản phẩm du lịch xanh có tính cạnh tranh cao. Nhiều thác nước hùng vĩ ở Tây nguyên không còn nữa do phát triển thuỷ điện thiếu kiểm soát.

Sinh cảnh của nhiều loài sinh vật quý hiếm mất dần do nạn khai thác rừng, môi trường nước bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp, sinh hoạt… Tác động của biến đổi khí hậu ở VN, đặc biệt ở vùng ven biển và vùng ĐBSCL, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thiên nhiên và môi trường, trong đó có các giá trị hấp dẫn của du lịch xanh.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng nhận thức của xã hội nói chung, đặc biệt là các quan chức – những người làm quản lý và có trách nhiệm hoạch định chính sách ở địa phương cũng như trong lĩnh vực du lịch – về ý nghĩa và vai trò của du lịch xanh với phát triển bền vững còn hạn chế.

Đây được xem là thách thức lớn nhất đối với phát triển du lịch xanh, bởi nó dẫn đến tình trạng thiếu các chính sách phù hợp khuyến khích phát triển du lịch xanh, việc xây dựng các sản phẩm du lịch xanh thiếu căn cứ khoa học, chưa đúng với bản chất và chỉ có tầm nhìn ngắn hạn.

Do đó, để phát triển du lịch Phú Quốc với trọng tâm là du lịch xanh theo hướng bền vững, trước hết các lãnh đạo địa phương này phải nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy làm du lịch. Theo đó, ưu tiên phát triển du lịch bền vững với trọng tâm là du lịch xanh, chuyển phương thức làm du lịch từ “số lượng” sang “chất lượng”; từ “đẳng cấp thấp” sang “đẳng cấp cao”.

Ngoài ra, trên cơ sở các bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch thiếu bền vững ở nhiều trung tâm du lịch biển đảo nước ta và trong khu vực, địa phương này cần có được những quy hoạch và dự án khả thi tốt, đảm bảo tính khả thi và cân bằng lợi ích giữa kinh tế – tài nguyên, môi trường – văn hoá, xã hội. Không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch ở Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng trong mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, địa phương để xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng bền vững.

THANH HÀ ghi

Nhiều hoạt động hướng về môi trường thiên nhiên

Chiến dịch “Du lịch xanh Phú Quốc” do báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức cùng UBND tỉnh Kiên Giang, Sở Du lịch Kiên Giang, UBND huyện đảo Phú Quốc với sự đồng hành của Vinpearl Phú Quốc.

Trong thời gian từ đầu tháng 8 đến cuối năm 2016, chiến dịch sẽ triển khai hàng loạt hoạt động nhằm kêu gọi phát triển du lịch thân thiện với môi trường tự nhiên.

Mở đầu là lễ phát động sẽ diễn ra ngày 6-8 với các hoạt động chính như hội thảo khoa học về phát triển du lịch xanh và bền vững, tập huấn kỹ năng làm du lịch xanh cho các tổ chức, cá nhân quan tâm, mời gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm làm du lịch xanh ở các nước tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Phú Quốc, thi vẽ tranh trên cát, tuần hành bảo vệ môi trường, tổ chức tour du lịch tham quan và trồng cây gây rừng…

* Anh Lê Thanh Hùng (31 tuổi, kinh doanh hải sản, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc):

Môi trường đảo Phú Quốc hiện nay còn khá nhiều vấn đề lo ngại. Đặc biệt, do du lịch Phú Quốc phát triển mạnh nên lượng rác mỗi ngày thải ra rất lớn, gây quá tải cho các bãi rác. Do đó, trước mắt cần xây dựng một nhà máy xử lý rác thải để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

* Anh Phan Trọng Trung (34 tuổi, thiết kế đồ hoạ, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc):

Ngoài chuyện thiếu nhà máy xử lý rác thải, ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người dân chưa cao cũng góp phần khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phú Quốc có chiều hướng gia tăng.

Theo tôi, chính quyền cần tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời phải có biện pháp xử phạt mạnh đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường để đảm bảo môi trường Phú Quốc ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

HOÀNG TRUNG ghi

KHOA NAM thực hiện