Một con tim ao ước
Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Lc 12,32-48) nói với chúng ta về niềm ao ước được gặp Đức Kitô sau cùng, một niềm ao ước làm cho chúng ta luôn sẵn sàng, lòng trí luôn tỉnh thức, bởi vì chúng ta mong chờ cuộc gặp gỡ này với hết cả tấm lòng, với hết cả con người chúng ta.
Một con tim ao ước
Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XIX Thường Niên, 11/8/2013
Anh chị em thân mến, xin chào buổi sáng!
Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Lc 12,32-48) nói với chúng ta về niềm ao ước được gặp Đức Kitô sau cùng, một niềm ao ước làm cho chúng ta luôn sẵn sàng, lòng trí luôn tỉnh thức, bởi vì chúng ta mong chờ cuộc gặp gỡ này với hết cả tấm lòng, với hết cả con người chúng ta. Đây là một khía cạnh cơ bản của cuộc đời. Đây là một nỗi ao ước mà tất cả chúng ta đều có trong tâm hồn, dù là rõ ràng hay giấu ẩn, tất cả chúng ta đều có nỗi ao ước trong lòng.
Chúng ta cũng cần thấy giáo huấn của Đức Giêsu trong bối cảnh cụ thể, hiện sinh mà qua đó Người chuyển trao cho chúng ta giáo huấn này. Trong trường hợp này, thánh sử Luca chỉ cho chúng ta thấy Đức Giêsu cùng các môn đệ của mình trên đường tiến về Giêrusalem, về cuộc Vượt qua cái chết và sống lại của Người, và trong cuộc hành trình này, Người dạy dỗ họ, bằng cách thổ lộ cho họ thấy điều Người đang cưu mang trong lòng, thái độ sâu xa của tâm hồn Người: siêu thoát khỏi của cải trần gian, hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Cha Quan Phòng, và thái độ tỉnh thức nội tâm và sự mong chờ Nước Chúa cách chủ động. Đối với Đức Giêsu, Người luôn mong chờ ngày trở về nhà Cha. Đối với chúng ta, chúng ta luôn mong chờ Đức Kitô đến để gặp và đưa chúng ta về hưởng ngày lễ không bao giờ kết thúc, cũng như Người đã làm thế cho Mẹ của Người, là Đức Maria Rất Thánh; Người mang Mẹ về Trời với Người.
Bài Tin Mừng hôm nay muốn nói với chúng ta rằng Kitô hữu là một ai đó nuôi một ước muốn vĩ đại, một ước muốn sâu xa trong lòng mình: gặp được Chúa cùng với những người anh em của mình, với những người bạn đường của mình. Và những điều Đức Giêsu nói với chúng ta được tóm tắt trong câu nói nổi tiếng của Người sau đây: “Vì kho tàng các ngươi ở đâu, thì lòng trí các ngươi cũng ở đó” (Lc 12,34). Một con tim ao ước. Nhưng tất cả chúng ta đều có một niềm ao ước. Người nghèo là người không có niềm ao ước, không ước muốn tiến về phía trước, tiến về phía chân trời; và đối với chúng ta là những Kitô hữu, thì chân trời này đó là cuộc gặp gỡ Đức Kitô, là sự sống của chúng ta, là niềm vui của chúng ta, là hạnh phúc của chúng ta.
Tôi muốn hỏi anh chị em hai câu hỏi. Câu thứ nhất: tất cả anh chị em có một con tim ao ước không? Một con tim ao ước không? Anh chị em hãy nghĩ đến điều này, và thinh lặng trả lời trong lòng mình. Tôi hỏi anh chị em: con tim anh chị em có ao ước không, hay đó là một con tim khép kín, một con tim đang ngủ say, một con tim tê liệt không còn biết đến những điều của cuộc sống? Ước muốn tiến về phía trước để gặp Đức Giêsu. Câu hỏi thứ hai: kho tàng của anh chị em ở đâu? Anh chị em đang khao khát điều gì? Đức Giêsu nói với chúng ta: kho tàng anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó – và tôi hỏi anh chị em: Kho tàng anh chị em ở đâu? Đối với anh chị em, thì đâu là thực tại quan trọng nhất? Đâu là thực tại quý giá nhất? Thực tại nào lôi cuốn tâm hồn anh chị em như thể một kim nam châm? Tôi có thể nói được rằng đó là tình yêu của Thiên Chúa không? Anh chị em có ao ước làm điều thiện cho người khác không? Anh chị em có ao ước sống cho Chúa và cho anh chị em của mình không? Tôi có thể nói như thế không? Mỗi người hãy thinh lặng trả lời.
Nhưng một ai đó có thể nói với tôi; Thưa Cha, con là một người đang làm việc, một người có một gia đình, đối với con, thực tại quan trọng nhất đó là nuôi sống gia đình mình và làm việc…. Chắc chắn là thế, đó là điều quan trọng. Nhưng đâu là sức mạnh liên kết gia đình. Thật sự đó là tình yêu, và Đấng gieo rắc tình yêu trong lòng chúng ta, đó là Thiên Chúa, đó là tình yêu của Thiên Chúa, chính tình yêu Thiên Chúa mang lại ý nghĩa cho những việc làm bé nhỏ thường nhật của chúng ta, và giúp ta đương đầu với những thử thách lớn lao. Kho tàng thực sự của chúng ta là như thế đó: tiến bước trong cuộc đời với tình yêu, với tình yêu mà Chúa đã gieo vào tâm hồn chúng ta, với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là kho tàng thật.
Nhưng tình yêu Thiên Chúa là gì? Đó không phải là một cái gì mơ hồ, một tình cảm chung chung. Tình yêu của Thiên Chúa có một tên gọi và một khuôn mặt: Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu. Tình yêu Thiên Chúa đã được biểu lộ trong Đức Giêsu. Bởi vì chúng ta không thể yêu gió… Chúng ta có yêu gió không? Chúng ta có thể yêu tất cả mọi thứ không? Không, chúng ta không thể, chúng ta yêu những con người, và con người mà chúng ta yêu, đó là Đức Giêsu, món quà tặng của Chúa Cha giữa chúng ta. Đó là một tình yêu mang lại giá trị và vẻ đẹp cho những cái còn lại; một tình yêu mang lại sức mạnh cho gia đình, cho công ăn việc làm, cho vấn đề học hành, cho tình bạn, cho nghệ thuật, cho mọi sinh hoạt của con người. Và tình yêu này cũng mang lại một ý nghĩa cho những kinh nghiệm tiêu cực, bởi vì tình yêu này cho phép chúng ta vượt qua bên kia những kinh nghiệm này, cho phép chúng ta đi xa hơn, cho phép chúng ta không để cho điều xấu giam giữ mình, nhưng tình yêu này giúp chúng ta vượt qua bên kia, tình yêu này luôn mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận hy vọng. Đó là tình yêu Thiên Chúa trong Đức Giêsu luôn mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận hy vọng, đón nhận chân trời hy vọng này, chân trời cuối cùng trong cuộc hành trình của chúng ta.
Như thế, ngay cả những khó khăn và những thất bại cũng tìm được một ý nghĩa. Thậm chí tội lỗi của chúng ta cũng có một ý nghĩa trong tình yêu Thiên Chúa, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô này luôn tha thứ cho chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài luôn tha thứ cho chúng ta.
Anh chị em thân mến, hôm nay, trong Giáo Hội, chúng ta nhớ Thánh nữ Clara thành Assisi, là người đã theo bước chân Thánh Phanxicô, từ bỏ tất cả để tận hiến cho Đức Kitô trong sự khó nghèo. Thánh nữ Clara mang lại cho chúng ta một chứng tá rất đẹp về bài Phúc Âm hôm nay: cùng với Đức Trinh Nữ Maria, ước gì Thánh nữ giúp chúng ta biết sống chứng tá này, mỗi người theo ơn gọi của mình.