24/01/2025

Khởi tố vụ án chôn chất thải Formosa

Cơ quan công an khởi tố vụ án chôn chất thải độc hại của Formosa trong trang trại gia đình ông giám đốc Công ty môi trường đô thị.

 

Khởi tố vụ án chôn chất thải Formosa

Cơ quan công an khởi tố vụ án chôn chất thải độc hại của Formosa trong trang trại gia đình ông giám đốc Công ty môi trường đô thị.




Đại tá Bùi Đình Quang công bố quyết định khởi tố vụ án  /// Ảnh: Nguyên Dũng

 

Đại tá Bùi Đình Quang công bố quyết định khởi tố vụ ánẢNH: NGUYÊN DŨNG


Tại cuộc họp báo chiều 2.8, đại tá Bùi Đình Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết cơ quan công an quyết định khởi tố vụ án chôn chất thải độc hại của Formosa trong trang trại gia đình ông Lê Quang Hoà, Giám đốc Công ty môi trường đô thị TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Theo đại tá Bùi Đình Quang, việc khởi tố vụ án được đưa ra ngay sau khi các cơ quan chức năng xác định được lượng chất thải chôn lấp trong trang trại của gia đình ông H là chất thải nguy hại, có nguồn gốc từ dự án Formosa và việc Công ty môi trường đô thị TX.Kỳ Anh (gọi tắt là Công ty Kỳ Anh) chôn lấp số chất thải này là vi phạm quy định về công tác bảo vệ môi trường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. “Dự án Formosa là nguồn phát sinh chất thải nguy hại nên phải xử lý nghiêm trách nhiệm của chủ đầu tư là Công ty TNHH gang thép và Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Formosa) và các nhà thầu phụ trực tiếp có liên quan”, đại tá Quang khẳng định.
 
 
Khởi tố vụ án chôn chất thải Formosa - ảnh 1
Công an tỉnh đang tiếp tục củng cố hồ sơ, đánh giá chứng cứ đối với các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên quan để sắp tới khởi tố bị can, tiến hành bắt giữ những người liên quan

Khởi tố vụ án chôn chất thải Formosa - ảnh 2
 
Đại tá Bùi Đình Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh
 

Triệu tập giám đốc Formosa

Theo hồ sơ vụ án, chiều 11.7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Hà Tĩnh, Sở TN-MT, chính quyền TX.Kỳ Anh phát hiện việc chôn lấp khoảng 100 m3 chất thải công nghiệp của dự án Formosa trong trang trại tại tổ dân phố Hoàng Trinh (P.Kỳ Trinh, TX.Kỳ Anh) của ông Lê Quang H. Tiếp đó, đêm 15.7, sau khi tiếp nhận trình báo của người dân, lực lượng chức năng đã tới công viên môi trường tại P.Sông Trí (TX.Kỳ Anh) của gia đình ông Hoà kiểm tra thì phát hiện thêm hàng chục tấn chất thải của Formosa được người của Công ty Kỳ Anh chôn lấp tại đây.
Kết quả điều tra cho thấy, Công ty Kỳ Anh không đủ điều kiện và không được cơ quan chức năng cấp phép tiếp nhận, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, nhưng đã tự ý ký với Formosa một hợp đồng vận chuyển, xử lý bùn bánh từ xưởng xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp của dự án Formosa Hà Tĩnh. Tính đến ngày 11.7, Formosa đã giao công ty này 276,19 tấn, gồm 185,9 tấn bùn thải công nghiệp và 90,24 tấn bùn thải sinh hoạt, để công ty này đưa đi chôn, xử lý trái phép.
Trước khi có quyết định khởi tố vụ án, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triệu tập nhiều người, trong đó có ông Ngưu Tấn Phát, Giám đốc Formosa, đại diện Formosa ký hợp đồng với Công ty Kỳ Anh về việc vận chuyển, xử lý bùn bánh từ khu vực xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp của dự án Formosa Hà Tĩnh, để phục vụ công tác điều tra. “Hiện công an tỉnh đang tiếp tục củng cố hồ sơ, đánh giá chứng cứ đối với các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên quan để sắp tới khởi tố bị can, tiến hành bắt giữ những người liên quan”, ông Quang nói, đồng thời cho biết trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước cũng sẽ được xem xét thấu đáo. Tuy nhiên, xử lý như thế nào còn tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Chất thải chứa xyanua vượt ngưỡng
Cùng ngày 2.8, Bộ TN-MT phát đi thông cáo khẳng định trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải có chứa thông số xyanua (CN-) vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Theo đó, sau khi báo chí phát hiện việc chôn lấp bùn thải trong trang trại gia đình ông Lê Quang Hòa vào đầu tháng 7, ngày 13.7, đoàn công tác của Bộ TN-MT tiến hành lấy mẫu bùn thải, mẫu đất và mẫu nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chôn lấp chất thải nêu trên, giao 3 phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn xử lý, phân tích và đối chứng. Đến ngày 1.8, Bộ tiến hành tổng hợp đối chứng, so sánh và tổng hợp kết quả, cho thấy trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải có chứa thông số xyanua (CN-) vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Căn cứ những quy định hiện hành, Bộ TN-MT kết luận Formosa Hà Tĩnh đã vi phạm một loạt lỗi như không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định; chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Bộ TN-MT yêu cầu Formosa Hà Tĩnh phải khắc phục ngay hậu quả do việc chuyển giao bùn thải không đúng quy định. Cụ thể, Formosa chịu hoàn toàn trách nhiệm phối hợp với Công ty Kỳ Anh tiến hành ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý chất thải nguy hại để xử lý ngay 390,72 tấn bùn thải lẫn đất đá nêu trên theo quy định và chịu toàn bộ chi phí cho việc xử lý này; quá trình vận chuyển, xử lý giao Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm chủ trì và phối hợp giám sát, kiểm tra. Bên cạnh đó, Formosa phải tiến hành đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với các loại bùn thải nguy hại phát sinh cho toàn bộ dự án và phải hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền trước ngày 30.8.2016.
Phải kiểm soát chặt chẽ việc xả thải ra biển
Ngày 2.8, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về công tác bảo vệ môi trường khu kinh tế ven biển và các vấn đề liên quan trong vụ Formosa xả thải gây ra hậu quả nghiêm trọng vừa qua. Báo cáo với đoàn giám sát, UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh hậu quả của việc xả thải vừa qua là vô cùng nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế của tỉnh, làm mất ổn định trật tự trị an, lòng dân không yên. Tỉnh đưa ra nhiều kiến nghị như: Chính phủ cần thống nhất tiêu chí đánh giá thiệt hại cụ thể, tránh tình trạng chạy đua thống kê số lượng gây mất lòng tin; khẩn trương xác định và sớm trả lời cho nhân dân biết lúc nào có thể đánh bắt hải sản gần bờ, đã yên tâm tắm biển và tiêu thụ hải sản gần bờ được chưa; khám sức khoẻ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng; có các chính sách, biện pháp hỗ trợ cụ thể; Bộ TN-MT phải kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh trước lúc thải ra biển…
Kết luận buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ghi nhận các kiến nghị, ý kiến; trên cơ sở đó sẽ tập hợp và báo cáo lên cấp trên để có những kiến nghị, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện, rút kinh nghiệm. (T.Q.Nam)

 

Nguyên Dũng – Chí Nhân – Lê Quân