23/12/2024

Chúa Nhật XVIII TN C – 2016: Giá trị của hiện hữu và sở hữu

Việc kết án những người lấy cắp ổ bánh mì với giá trị vài chục ngàn đồng, trong khi nhắm mắt làm ngơ cho những bọn tham nhũng, cướp bóc, lừa gạt hàng ngàn tỉ đồng là thực trạng đáng buồn ở Việt Nam hiện nay. Hình như người ta không còn phân biệt được bậc thang giá trị của “cái mình là” và “cái mình có”.

Giá trị của hiện hữu và sở hữu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh Chúa Nhật 18 này như mời gọi chúng ta suy nghĩ về những giá trị căn bản của đời sống mà có khi chúng ta chỉ biết lờ mờ chứ chưa thấy rõ dưới ánh sáng của Tin Mừng. Đó là nhận thức về những giá trị của hiện hữu và sở hữu của mình. Nói dễ hiểu hơn, đó là ý thức mình là ai và mình có gì?

1. Tình trạng đề cao sở hữu và bỏ quên hiện hữu

1.1. Sự kiện thực tế để suy tư

Có lẽ chúng ta bắt đầu bằng một sự kiện để có thể gợi ý suy tư.

Ngày 20/7/2016, toà án nhân dân quận Thủ Đức đã xét xử hai thiếu niên cướp bánh mì với mức án khá nặng. Chuyện xảy ra là lúc 22 giờ, ngày 11/10/2015, hai em thiếu niên Tuấn và Tân vì đói bụng, nhưng không có tiền, nên đã vào một tiệm tạp hoá mua 2 bịch chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Tất cả những món trên khoảng dưới 50.000 đồng. Khi chủ quán đưa đồ ăn ra, thì Tuấn giật lấy, nhảy lên xe chạy đi. Người dân đã bắt giữ cả hai giao cho công an phường Linh Chiểu, Thủ Đức. Cả hai thiếu niên ấy bị Viện Kiểm soát Nhân dân quận Thủ Đức truy tố về tội cướp giật tài sản với mức án là 10 tháng tù đối với em Nguyễn Hoàng Tuấn, 8 tháng 20 ngày tù đối với em Ôn Thành Tân.

Chính ông Huỳnh Ngọc Ánh, phó chánh án Toà án Nhân dân TP.HCM, đã phản ảnh với báo Tuổi Trẻ, (số ra ngày 26/7/2016), rằng đó là mức án nặng vì các em là những trẻ vị thành niên và tài sản bị cướp không có giá trị gì. Nếu theo luật tố tụng hình sự mới năm 2015, Quận Thủ Đức không có quyền tạm giam trẻ vị thành niên, mà hai em đó đã bị giam gần 1 năm nay rồi. Hơn nữa, em Tân mới chỉ phạm tội lần đầu tiên.

Vụ án này nhắc chúng ta nhớ đến một vụ án khác. Đó là một người đàn ông ở thành phố Genoa, bên Ý, đã được xử trắng án tại toà án Roma, ngày 3/5/2016. vì ông chỉ lấy 1 gói xúc xích và vài miếng pho mát để ăn cho đỡ đói. Toà cho rằng ông hành động theo nhu cầu cấp thiết cho sự sống vì thực phẩm lấy cắp không lớn (x. Trang web Zing.vn, ngày 7/5/2016, mục Tri thức trực tuyến, bài “Người vô gia cư lấy cắp xúc xích vì đói trắng án”).

1.2. Hành vi lấy cắp loại đó không thể bị kết án

Công đồng Vaticanô II trong số 69 của Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes đã xác định rằng: Về phần những người đang sống trong cảnh cùng qun cực độ, họ có quyền nhận được từ sự giàu có của người khác những gì cần thiết để sinh sống. Như thế, trong hoàn cảnh cùng qun đói khát, hành vi của những người kể trên không phải là việc cướp bóc tài sản theo như phán quyết của toà án,  nhưng đó là hành vi được quyền làm của con người, bởi vì họ là người nên họ có quyền bảo vệ sự sống của mình. Chúng tôi cảm thấy đau lòng khi người dân giao nộp 2 em thiếu niên đó cho công an mà không hỏi xem các em đó đói như thế nào. Hành động của các em có thể đáng khiển trách nhưng giam giữ và kết án như những tội phạm thì thật là bất công. Không lẽ người Việt Nam chúng ta vô cảm như thế sao?

Việc kết án những người lấy cắp ổ bánh mì với giá trị vài chục ngàn đồng, trong khi nhắm mắt làm ngơ cho những bọn tham nhũng, cướp bóc, lừa gạt hàng ngàn tỉ đồng như chúng ta đang thấy trong xã hội là thực trạng đáng buồn ở Việt Nam hiện nay. Hình như người ta không còn phân biệt được bậc thang giá trị của cái mình làcái mình có, nghĩa là về giá trị hiện hữu của con người và những gì sở hữu của họ.

Công đồng Vaticanô II trong số 35 của Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes cũng nhắc nhở chúng ta rằng: Giá trị con người hệ tại ở cái mình là hơn ở cái mình có.

2. Khám phá giá trị dưới ánh sáng Lời Chúa

2.1. Phân biệt giữa sở hữu và hiện hữu

Cái mình có, gọi chung là sở hữu, là những gì mình có được trong cuộc hiện hữu làm người, như tài sản, sức khoẻ, sắc đẹp, tài năng, học vấn, địa vị.. nhờ sự cố gắng học hành, làm việc, đào tạo hay may mắn mà chúng ta có được trong cuộc sống. Chúng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó ở bên ngoài, trên thân xác hay trong tinh thần của con người rồi mất đi. Thí dụ như lúc này ta có nhà, có xe, lúc trước ta không có gì cả; lúc trẻ ta khoẻ, ta đẹp, lúc già ta yếu, ta xấu; lúc trẻ ta có kiến thức, về già ta quên tất cả….Những chúng ta đừng quên một điều hết sức quan trọng: ta sẽ bỏ lại tất cả những gì mình có khi bước qua ngưỡng cửa của cái chết.

Còn hiện hữu, hay cái mình là, thuộc về bản chất, về bản tính của con người. Nó ẩn sâu trong con người, làm nên giá trị thật sự của con người, tồn tại mãi mãi với con người, vượt qua được cái chết. Nó thuộc về tinh thần cao đẹp của con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa nên có giá trị vĩnh hằng. Hiện hữu chính là những giá trị của chân thiện mỹ, của tình yêu, của bình an, hạnh phúc… mà con người được chia sẻ với Thiên Chúa để “là” người tốt, người đẹp, người đúng, người yêu thương, người hạnh phúc, người bình an.

2.2. Giá trị thật sự của hiện hữu và sở hữu

Bài sách Giảng Viên (x. Gv 1,2;2,21-23) muốn nhắc nhở ta về giá trị của những cái mình có: những gì “con người đem hết khôn ngoan và hiểu biết” để tạo thành sự nghiệp cho mình, chỉ là phù vân. Chúng giống như đám mây trôi nổi, lúc tụ lúc tan. Con người tốn biết bao công sức, chịu đựng biết bao phiền não để kiếm cho thật nhiều tiền bạc, để bảo vệ danh vọng của mình. Nhưng họ nắm được gì trong bàn tay khi đối mặt với cái chết?

Chúa Giêsu trong dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 12,13-21) cũng nhắc nhở chúng ta về giá trị của hiện hữu: ta phải thật sự “là người giàu có trước mặt Thiên Chúa” chứ không nên suốt cả đời thu tích để có thật nhiều của cải mà vẫn nghèo khó trước mặt Thiên Chúa. Những gì chúng ta có đều là ân sủng, được Chúa trao gửi cho ta như những phương tiện, “những nén bạc”, để ta làm phong phú sự hiện hữu của ta. Tuy nhiên, vì chúng ta thường chỉ nhìn thấy những gì ở bên ngoài, chỉ đánh giá nhau theo những gì mình có, nên ta coi thường giá trị hiện hữu của mình cũng như của người khác.

Chúng ta cần phải nhận ra rằng những sở hữu của ta giống như những lớp áo hoá trang khác nhau, mà một người nghệ sĩ mặc tuỳ theo vở kịch họ diễn: lúc làm hoàng đế, lúc làm dân thường, nhưng bản chất thật sự của người nghệ sĩ đó không phải là những trang phục mặc bên ngoài.

Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay ()x. Cl 3,1-5.9-11) cũng nhắc nhở chúng ta rằng: những gì chúng ta đang sở hữu, có thể “là người Do Thái hay Hy Lạp, cắt bì hay không cắt bì, man di hay mọi rợ, nô lệ hay tự do, …” tất cả chỉ là những tấm áo mặc ngoài con người cũ mà thôi. Ngài mời gọi chúng ta hãy mặc lấy con người mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, hãy để “Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3,10-11). Đó mới là sự hiện hữu đích thực của ta.

Sự hiện hữu cao quý, vĩnh hằng của muôn loài trước hết vì họ là con cái của Thiên Chúa, được Ngài tạo dựng vì yêu thương và muốn chia sẻ cho tất cả bản tính Thiên Chúa của Ngài. Kế đến, Ngài ban cho chúng ta Người Con yêu quý  và biết bao nhiêu ân sủng của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta kết hợp thành một với Người Con ấy để trở thành Thiên Chúa như Người. Đó là sự hiện hữu cao cả nhất của con người chúng ta.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta đang được mời gọi để xem mình có đang quá chú tâm vào những gì mình sở hữu, mà quên mất giá trị làm người và làm con Thiên Chúa cùng với Đức Giêsu Kitô không? Khi chúng ta phát huy giá trị hiện hữu này, chúng ta có thể chia sẻ cho mọi người mọi vật “những gì thuộc thượng giới’ mà con người đang mơ ước là sự sống kỳ diệu, là chân thiện mỹ, niềm vui, hạnh phúc… Khi ấy con người Việt Nam không còn phải lên án nhau vì một khúc bánh mì, giết hại nhau vì một mối lợi cỏn con vì đã nhận ra giá trị của hiện hữu và sở hữu.