22/01/2025

ĐTC canh thức cầu nguyện với hàng triệu bạn trẻ

CRACOVIA – Trong buổi canh thức cầu nguyện với hàng triệu bạn trẻ tại Cánh đồng Lòng Thương Xót ở Cracovia, ĐTC mời gọi họ hãy nắm giữ vai chính và đừng “sống vật vờ như người ngái ngủ”. Buổi canh thức bắt đầu lúc 7 giờ 30 tối, nhưng từ 2 giờ 30 chiều, nhiều đoàn trẻ đã đi bộ 15 cây số đến Cánh đồng Lòng Thương Xót

ĐTC canh thức cầu nguyện với hàng triệu bạn trẻ
 

ĐTC cùng các bạn trẻ tiến qua Cửa Thánh tại Cánh đồng Lòng Thương Xót – ANSA

CRACOVIA – Trong buổi canh thức cầu nguyện với hàng triệu bạn trẻ tại Cánh đồng Lòng Thương Xót ở Cracovia, ĐTC mời gọi họ hãy nắm giữ vai chính và đừng “sống vật vờ như người ngái ngủ”.

Buổi canh thức bắt đầu lúc 7 giờ 30 tối, nhưng từ 2 giờ 30 chiều, nhiều đoàn trẻ đã đi bộ 15 cây số đến Cánh đồng Lòng Thương Xót, nhận chỗ trong khu vực dành cho mình, trong khi từ trên lễ đài có những ban nhạc giúp linh hoạt bầu không khí.

Cánh đồng Lòng Thương Xót (Campus Misericordiae) ở khu vực Brzegi Wieliczka mạn nam thành Cracovia, trước đây là vùng bùn lầy, nơi “những kẻ thù của nhân dân” trong thời cộng sản Xô Viết được gửi đến để cải tiến đất đai. Với dự án gặp gỡ giữa ĐTC và các bạn trẻ quốc tế, khu vực này càng được làm sạch hơn. Công binh Ba Lan cũng được huy động thiết lập 4 cây cầu bắc qua sông để phòng khi bất trắc.

Lúc 6 giờ 30 chiều ngày thứ bảy 30-7-2016, ĐTC đã rời Toà TGM Cracovia để tới Cánh đồng Lòng Thương Xót, cách đó 12 cây số.

Khi ĐTC đến Cánh đồng Thương Xót, một quả chuông nặng nửa tấn, tên là Chuông Lòng Thương Xót đã được đánh lên để chào mừng ngài.

Sau khi cùng với 5 bạn trẻ đại diện 5 châu cầm tay nhau tiến qua Cửa Năm Thánh, ĐTC đã dùng xe papamobile để tiến qua các lối đi ở cánh đồng để chào thăm các bạn trẻ và cả các tín hữu Ba Lan. Ban tổ chức nói rằng số người tham dự lên tới 1,6 triệu. Trước lễ đài có khu vực dành riêng cho hàng trăm GM. Bên phải lễ đài được dành cho ca đoàn gồm hàng ngàn ca viên. Cũng ở phía này có bức ảnh lớn diễn tả Chúa Giêsu Thương Xót được ghép thành bằng hàng chục ngàn hình chụp các bạn trẻ từ các nơi gửi đến ban tổ chức.

Canh thức

Buổi canh thức bắt đầu lúc 7 giờ 30 với chủ đề “Chúa Giêsu, nguồn mạch Lòng Thương Xót” và diễn ra qua 5 hồi với 5 tiểu đề: niềm tin cho người nghi ngờ, niềm hy vọng cho người nản chí, tình yêu cho người dửng dưng lãnh đạm, sự tha thứ cho người đã làm sự ác, niềm vui cho những người sầu muộn. 5 tiểu đề lần lượt được diễn ra qua các video, các hoạt cảnh, và các chứng từ bằng tiếng Ba Lan, Anh và Tây Ban Nha. Có một video chiếu lại cảnh tàn phá hai ngọn tháp song đôi ngày 11-9 ở New York. Một video và hoạt cảnh khác diễn lại cảnh ĐGH Gioan Phaolô II tha thứ cho tên Ali Agca, kẻ mưu sát ngài ngày 13-5-1981.

Các bạn trẻ, tuy thuộc các ngôn ngữ khác nhau, nhưng có thể hiệu qua hệ thống thông dịch trựa tiếp được truyền đi qua các làn sóng khác nhau mà họ có thể nhận được qua điện thoại di động.

3 chứng từ

1. Chứng từ thứ nhất là của cô Natalia, người Ba Lan. Hồi năm 2012, cô Natalia là chủ bút của một tạp chí về thời trang ở Lodz, thành phố lớn thứ ba của Ba Lan. Cô thành công trong nghề nghiệp, quen biết nhiều bạn đẹp trai, trải qua hết lễ này đến lễ khác, ăn chơi thoải mái và coi đó như ý nghĩa cuộc đời. Cho đến một hôm, ngày 15-4-2012, cô tỉnh dậy với nỗi lo lắng băn khoăn vì lối sống của mình không có gì là tốt đẹp. Natalia kể: Con hiểu rằng mình cần phải đi xưng tội ngay trong ngày hôm đó. Con không biết rõ phải xưng tội phải phép như thế nào. Con tìm trong trang mạng google từ “confessione” (xưng tội). Trong một bài, con đọc được câu này: Thiên Chúa đã chết vì yêu thương chúng ta. Con hiểu rõ hoàn toàn ý nghĩa câu đó… Chúa đã chết vì tình yêu đối với con, Chúa muốn ban cho con sự sống trọn vẹn, trong khi con khép mình trong sự dửng dưng. Con vào bếp và hút một điếu thuốc.

Con thấy rõ tình trạng của con trong lúc đó và con bật khóc. Con lấy một tờ giấy và bắt đầu liệt kê các tội của con. Các tội ấy thật là rõ ràng trước mắt con, và con thấy mình đã phạm chống lại tất cả 10 giới răn. Con cảm thấy nhu cầu cấp thiết cần nói với một linh mục ngay. Con tìm trên Internet và thấy lúc 3 giờ chiều có giải tội ở nhà thờ chính toà. Con chạy lại đó, tâm hồn rất sợ sẽ bị linh mục nói với con rằng “tội của con quá nặng, cha không thể làm gì cho con”. Dầu vậy, con cũng tìm được can đảm và đến xưng tội. Khi con vừa chấm dứt, vì linh mục nói: “Đây thật là một sự xưng tội thật đẹp!” Con không hiểu vị linh mục muốn ám chỉ điều gì, trong những điều con xưng thú chẳng có gì là đẹp cả!

Cha giải tội hỏi con: “Con có biết hôm nay là ngày gì không? Là Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Con có biết mấy giờ rồi không? Là đúng 3 giờ chiều, giờ của lòng thương xót. Con có biết con đang ở đâu không? Ở nhà thờ chính toà, nơi mà Thánh nữ Faustina Kowalska vẫn cầu nguyện hằng ngày khi người sống tại thành phố Lodz này. Bấy giờ Chúa hiện ra với thánh nữ và nói là Ngài muốn tha thứ trong ngày ấy tất cả các tội lỗi, dù nặng nề đến đây đi nữa. Các tội của con đã được tha, con đừng để chúng trở lại trong đầu óc con nữa. Hãy bứng chúng khỏi đầu con.” “Đó là những lời thật mạnh mẽ. Con đi xưng tội tưởng là mình sẽ đánh mất sự sống đời đời… Con bước ra khỏi nhà thờ như từ một bãi chiến trường trở về: rất mệt nhưng đồng thời con hết sức vui mừng, với một tâm tình chiến thắng và xác tín rằng chính Chúa Giêsu đang trở về nhà cùng với con.”

2. Chứng từ thứ hai do cô Rand Mittri, 26 tuổi, người Syria ở thành phố Aleppo, một thành phố bị tàn phá, hoang tàn. Ý nghĩa cuộc sống bị xoá bỏ. Thành phố bị quên lãng. Cô trình bày chi tiết về cuộc sống người dân tại thành này bị chết chóc đe doạ.

Cô Rand phục vụ tại Trung tâm Don Bosco ở Aleppo, đón nhận và giúp đỡ hơn 700 thanh thiếu niên nam nữ tìm đến đó để mong được thấy một nụ cười, nghe được một lời an ủi… Anh xin ĐTC và mọi người cầu nguyện cho đất nước Syria yêu quý của anh.

3. Chứng từ thứ ba của anh Miguel, 34 tuổi, người Paraguay, ở thủ đô Asunción của nước này. Từ năm 11 tuổi, Miguel bắt đầu nghiện ngập ma tuý và sau đó vào tù ra khám nhiều lần, có lần phạm tội nặng, Miguel bị án tù 6 năm.

Một lần sau khi ra khỏi tù, Miguel được một linh mục bạn của gia đình mời đến thăm một nơi gọi là Nông trại Hy vọng. Anh chấp nhận đến đó, và tại đây anh cảm thấy được chấp nhận và sống như trong một gia đình. Trong cộng đồng này, phương pháp chữa trị là Lời Chúa, sống Lời Chúa… Miguel cũng học cách tha thứ và dần dần anh được giao trách nhiệm trong cộng đoàn. Từ 3 năm nay, Miguel đặc trách nhà “Quo vadis” (Thầy đi đâu) trong Nông trại Hy vọng ở Cerro Chato bên Uruguay.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã dựa vào chứng từ của 3 người trẻ, ngài bắt đầu từ chứng từ can đảm và cảm động của cô Rand người Syria với lời xin mọi người cầu nguyện cho đất nước của cô.

ĐTC nhận xét: “Chúng ta đến từ các phương trời trên thế giới, có những nước đầy chiến tranh, xung đột, có những người mà chúng ta chỉ biết những thực tại đau thương đó qua tin tức, báo chí, truyền hình… Ngày hôm nay chiến tranh tại Syria là sự đau khổ của biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu người trẻ như cô Rand can đảm đang ở giữa chúng ta và xin lời cầu nguyện.”

“Các bạn thân mến, tôi mời các bạn cùng nhau cầu nguyện vì bao nhiêu nạn nhân chiến tranh, để một lần cho tất cả, chúng ta có thể hiểu rằng không có gì biện minh được cho việc sát hại một người anh em, không gì quý giá hơn một người đang ở cạnh chúng ta.

Ở đây chúng ta không kêu gào chống lại ai, chúng ta không cãi vã, không muốn tàn phá. Chúng ta không muốn chiến thắng oán thù bằng cách gia tăng hận thù, không muốn thắng bạo lực bằng một bạo lực lớn hơn. Câu trả lời của chúng ta cho thế giới đang ở trong chiến tranh có một danh xưng, đó là tình huynh đệ, hiệp thông, gia đình. Chúng ta mừng sự kiện chúng ta đến từ các nền văn hoá khác nhau và chúng ta hiệp nhất để cầu nguyện. Lời tốt đẹp nhất của chúng ta là hiệp nhau trong kinh nguyện. Chúng ta hãy im lặng trước mặt Chúa và cầu nguyện.”

Sau khi mọi người cầu nguyện trong thinh lặng, ĐTC nói tiếp:

“Chúng ta đã nghe 3 chứng từ, chúng ta đã động chạm đến lịch sử và cuộc sống của họ. Chúng ta đã thấy 3 chứng nhân đã sống trong sợ hãi lo âu như các môn đệ bị cảm thấy đe doạ và bách hạ… Sợ hãi và lo âu như cô Rand ra khỏi nhà mà biết rằng có thể mình không còn được thấy những người thân yêu, hoặc lo sợ vì không cảm thấy được quý chuộng và yêu mến, hay không có cơ may nào khác nữa. Họ đã chia sẻ với chúng ta cùng kinh nghiệm như các môn đệ đã trải qua. Khi sợ hãi nằm vùng trong tâm hồn, thì nó luôn có một đồng chí tháp tùng, đó là sự tê liệt, cảm thấy mình bị tê liệt. Cảm thấy rằng trong thế giới này, trong các thành thị của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta, không còn chỗ cho sự tăng trưởng, mơ ước, kiến tạo, nhìn về chân trời nữa để sống. Sự tê liệt như vậy là một trong những điều tệ hại có thể xảy ra cho chúng ta trong cuộc sống. Sự tê liệt làm cho chúng ta không còn hứng thú để gặp gỡ, không muốn tình bạn, không cảm thấy thích cùng nhau mơ ước, đồng hành với người khác.”

Trong cùng chiều hướng trên đây, ĐTC cảnh giác các bạn trẻ về một sự tê liệt càng nguy hiểm hơn nữa và khó nhận diện ra chúng: đó là sự tê liệt mà ngài gọi là “hạnh phúc với chiếc ghế bành để nằm”, người ta nghĩ mình được hạnh phúc với sự thoải mái, tiện nghi, an ninh, tự do hưởng thụ. Chiếc đi văng chống đủ mọi thứ đau đớn và sợ hãi khiến ta khép mình trong nhà, chẳng phải vất vả lo lắng gì. Đi văng hạnh phúc có lẽ là một sự tê liệt âm thầm làm hại chúng ta hơn cả, vì dần dần chúng ta ngủ thiếp đi, để cho những người khác quyết định về tương lai chúng ta.

 ĐTC ứng khẩu hỏi các bạn trẻ:

 - Các bạn có muốn là những người trẻ ngái ngủ, choáng váng, chóng mặt hay không? [họ thưa: không!]

 - Các bạn có muốn người khác quyết định tương lai thay cho các bạn không? [họ thưa: không!]

 - Các bạn có muốn tự do không? [họ thưa: có!]

 - Các bạn có muốn tỉnh táo, mau lẹ không? [họ thưa: có!]

 - Các bạn có muốn chiến đấu cho tương lai các bạn không? [họ thưa: có!]

ĐTC nói: Câu trả lời của các bạn có vẻ không xác tín lắm! Các bạn có muốn chiến đấu cho tương lai các bạn không? Họ gào to: Có!

“Các bạn thân mến! Các bạn không sinh ra trong trần thế để sống vật vờ, vất vưởng, sống thoải mái trên chiếc ghế bành dài. Trái lại các bạn vào đời để thi hành một cái khác. Khi chúng ta chọn tiện nghi thoải mái, lẫn lộn hạnh phúc với tiêu thụ, thì cái giá mà chúng ta phải trả thật là đắt đỏ: chúng ta đánh mất tự do!

Ma tuý gây hại cho chúng ta, đó là điều chắc chắn, nhưng có nhiều thứ ma tuý khác mà xã hội chấp nhận, nhưng rốt cuộc chúng làm cho chúng ta trở thành một thứ nô lệ. Cả hai thứ ma tuý ấy đều làm cho chúng ta mất đi một điều quý giá nhất, đó là tự do.

Các bạn thân mến, Chúa Giêsu là Chúa của rủi ro, luôn đi xa hơn. Chúa Giêsu không phải là Chúa của tiện nghi thoải mái, an ninh… Để theo Chúa Giêsu cần có can đảm, cần quyết định thay đổi cái ghế bành thoải mái bằng đôi giày giúp bạn tiến bước trên những con người chưa hề mơ ước, và cũng chẳng nghĩ tới, tiến trên những con đường có thể mở ra những chân trời mới, có khả năng làm cho vui mừng lan toả, niềm vui nảy sinh từ tình yêu Chúa, niềm vui để lại trong tâm hồn các bạn mọi cử chỉ, mọi thái độ từ bi.”

ĐTC kết luận:

“Ngày hôm nay, Chúa Giêsu là Đường, đang kêu gọi bạn hãy để lại dấu vết của Ngài trong lịch sử. Ngài mời gọi bạn hãy để lại một dấu vết làm đầu sức sống lịch sử của bạn và của bao nhiêu người khác. Chúa là Sự Thật, Ngài mời gọi bạn hãy từ bỏ những con đường chia cách, chia rẽ, vô nghĩa. Các bạn có sẵn sàng không? Tay chân bạn trả lời thế nào cho Chúa, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống?”

Sau bài huấn dụ của ĐTC, mọi người đã sốt sắng thờ lạy Mình Thánh Chúa được rước lên đặt trên bàn thờ ở lễ đài. Hàng triệu ngọn nến sáng các bạn trẻ cầm ở tay lung linh trong đêm tối, trong khi ca đoàn Ba Lan lần lượt hát các kinh Lòng Thương Xót và kính Mình Thánh Chúa.

Buổi canh thức của ĐTC với các bạn trẻ kết thúc lúc hơn 9 giờ tối. ĐTC trở về Toà TGM để dùng bữa tối và nghỉ đêm, trong khi các bạn trẻ ngủ lại tại Cánh đồng Lòng Thương Xót để tham dự Thánh lễ bế mạc vào sáng Chúa Nhật hôm sau vào lúc 10 giờ.

ĐTC gặp gỡ các thiện nguyện viên và ban tổ chức Ngày GTTG

G. Trần Đức Anh OP