23/01/2025

Đức Thánh Cha viếng Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót

CRACOVIA – Sáng thứ bảy, 30-7-2016, trong lúc các bạn trẻ Ba Lan và quốc tế đi bộ khoảng 15 cây số từ Cracovia đến Cánh đồng Lòng Thương Xót, thì ĐTC tiếp tục cuộc viếng thăm của ngài, bắt đầu là cuộc kính viếng Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót.

 Đức Thánh Cha viếng Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót

 

 

 

CRACOVIA – Sáng thứ bảy, 30-7-2016, trong lúc các bạn trẻ Ba Lan và quốc tế đi bộ khoảng 15 cây số từ Cracovia đến Cánh đồng Lòng Thương Xót, thì ĐTC tiếp tục cuộc viếng thăm của ngài, bắt đầu là cuộc kính viếng Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót.

ĐTC đến Nhà nguyện Thánh nữ Faustina Kowalska, ở Lagiewniki, một khu vực của thành Cracovia, cách Toà TGM 6 cây số. Tại đây có tu viện của các nữ tu Dòng Đức Mẹ Maria Thương Xót, nơi Thánh nữ Faustina đã sống 5 năm quan trọng nhất với những mạc khải thần bí thánh nữ nhận được. Thánh Gioan Phaolô II đã 3 lần viếng thăm nơi này và ĐTC Bênêđictô XVI đến đây 1 lần vào năm 2006.


Thánh nữ Faustina

Thánh nữ Faustina Kowalska sinh năm 1905, tục danh là Helena. Năm lên 7 tuổi, cô bé đã cảm thấy có ơn gọi sống đời tu trì, nhưng không được cha mẹ chấp thuận, nên cô tìm cách bóp nghẹt ơn gọi đó. Tuy nhiên, năm lên 20 tuổi, Helena được Chúa Kitô đau khổ mời gọi trong một thị kiến, nên chị đã tới thủ đô Varsava, và ngày 1-8-1925, để gia nhập tu viện các nữ tu Đức Maria Thương Xót, và được nhận tên dòng là Maria Faustina. Trong 13 năm, chị lần lượt được bổ tới 3 tu viện của dòng, đảm nhận công việc làm bếp, làm vườn và coi cổng. Bên ngoài, không có dấu hiệu gì chứng tỏ đời sống thần bí lạ thường của chị trong nội tâm. Chị Faustina chuyên cần chu toàn mọi công việc, trung thành tuân giữ luật dòng, và sống âm thầm, nhưng đồng thời luôn tỏ ra đầy tình thương dịu hiền và vị tha.

Đàng sau cuộc sống đều đều và thầm lặng của chị Faustina có một cuộc kết hiệp sâu xa khác thường với Chúa. Chị được những ơn lạ thường, với những mạc khải, thị kiến, mang thánh tích bí ẩn, tham gia vào cuộc thương khó của Chúa. Chị cũng được ơn ở nhiều nơi cùng một lúc, ơn đọc được tâm hồn của tha nhân, ơn kết hôn thần bí với Chúa và ơn nói tiên tri. Chị đã tiên báo Thế chiến II 8 năm trước khi biến cố này xảy ra, cũng như nói tiên tri về việc bầu Đức Karol Wojtila người Ba Lan làm Giáo hoàng. Nhiều người không do dự ví Chân phước Faustina với Cha Pio ở Italia xét về số lượng những ơn lạ.

Chúa đã chọn nữ tu Faustina làm tông đồ về lòng từ bi thương xót của ngài, để phổ biến cho thế giới chân lý về tình thương của Chúa. Sứ mạng của chị gồm có 3 nghĩa vụ: thứ nhất là rao giảng cho thế giới chân lý được mạc khải trong Kinh Thánh về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mỗi người; thứ hai là cầu xin lượng từ bi của Thiên Chúa cho thế giới, nhất là những người có tội. Việc cầu xin này được thực hiện dưới những hình thức mới về sự tôn kính Lòng Chúa Thương Xót; thứ ba là khởi xướng phong trào tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót, cầu nguyện cho thế giới.

Sứ mạng của Chị Faustina được mô tả trong cuốn “Nhật Ký” chị viết theo đề nghị của các cha giải tội. Trong các tập này, chị trung thành ghi chép tất cả những lời của Chúa và bộc lộ những tiếp xúc của linh hồn chị với Chúa. Trong cuốn Nhật Ký thứ sáu, chị viết: “Một lần kia tôi cầu nguyện cho Ba Lan và tôi nghe thấy những lời này: Ta yêu thương Ba Lan một cách đặc biệt và nếu Ba Lan tuân theo ý Ta, Ta sẽ nâng Ba Lan lên hàng hùng cường và thánh thiện. Từ đó sẽ nảy sinh ra tia lửa chuẩn bị thế giới cho sự giáng lâm cuối cùng của Ta.”

Chị Faustina phải chịu nhiều bệnh tật và đau khổ, nhưng chị vui lòng chấp nhận tất cả như lễ hy sinh để cầu cho tội nhân. Chị qua đời ngày 15-10-1938 tại Cracovia, lúc mới 33 tuổi.

Bản thân ĐTC Gioan Phaolô II, khi còn là một thanh niên Karol Wojtila, ngài thường đến kính viếng mộ Nữ tu Faustina ở Cracovia, vì mỗi ngày, ngài vẫn đi qua đó trên đường tới làm việc tại Hãng Hoá học Solvay. Ít lâu sau khi được bầu làm Giáo hoàng, ngài đã cho thu hồi biện pháp cấm cản của Bộ Giáo lý Đức tin đối với việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót do Chị Faustina truyền bá.

Ngài đã phong chân phước cho Nữ tu Faustina ngày 18-4-1993, rồi phong hiển thánh ngày 30-4-2000 tại Quảng trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của 200.000 tín hữu từ nhiều nơi trên thế giới tựu về.

Đức Gioan Phaolô II đã đích thân cung hiến và khánh thành Vương cung Thánh đường Lòng Chúa Thương Xót ngày 19-8-2002 trong cuộc quê hương Ba Lan lần thứ 9. Đền thánh này cao 25 mét, dài 75 mét, rộng 45 mét, có 2 tầng và tháp cao và có thể chứa được 5.000 người.

Viếng thăm

Khi đến khu vực gần tu viện của các nữ tu Dòng Đức Mẹ Thương Xót ở Lagienewki, ĐTC đã được Nữ tu Bề trên Tổng quyền, cũng như Bề trên tu viện tiếp đón tại cửa nhà nguyện, trước sự hiện diện của 300 người trong đó có 80 trẻ nữ được nhà dòng trợ giúp. Tiến vào bên trong Nhà nguyện Thánh nữ Faustina, trước sự hiện diện của 150 nữ tu, ĐTC cầu nguyện trước bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót và bên dưới bàn thờ tại đó mộ của Thánh nữ Faustina. Bức ảnh được vẽ theo chính lời Chúa Giêsu yêu cầu thánh nữ trong lần hiện ra vào năm 1931 trong phòng của thánh nữ ở thành phố Plock. Do sự chỉ dẫn của Thánh nữ Faustina, hoạ sĩ Eugeniusz Kazimirowski ở Vilnius đã hoạ bức ảnh này lần đầu tiên vào năm 1934, bên dưới có ghi hàng chữ ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa’. Về sau nhiều bức ảnh khác cũng được vẽ ra theo bức ảnh này.

Từ Nhà nguyện Thánh nữ Faustina, ĐTC tiến ra Đền thánh mới kính Lòng Chúa Thương Xót, chỉ cách đó 200 mét. Ngài đứng ở sân thượng trước thánh đường, chào thăm và chúc lành cho hàng ngàn tín hữu chờ đợi bên dưới, rồi chào thăm một số gia đình với những người con nhỏ bị bệnh tật, trước khi Bước qua Cửa Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót.

Liền đó, ĐTC đã ngồi giải tội cho 8 bạn trẻ được chọn theo 3 ngôn ngữ: Italia, Tây Ban Nha và Pháp.

Sau khi giải tội và quỳ cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, và chào thăm hàng ngàn tín hữu hiện diện trong thánh đường. Ngài cũng nhắn nhủ: “Ngày hôm nay, Chúa muốn cho chúng ta cảm thấy sâu đậm hơn nữa lòng thương xót bao là của Ngài. Chúng ta đừng bao giờ lìa xa Chúa Giêsu! Cho dù chúng ta nghĩ tội lỗi và thiếu sót của chúng ta lớn lao nặng nề… Chúng ta hãy tận dụng ngày này để lãnh nhận lòng Chúa thương xót. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ từ bi thương xót.”

 

 

G. Trần Đức Anh OP