23/12/2024

Tường thuật ngày chứ ba chuyến công du của ĐTC tại Ba Lan

Thứ sáu 29 tháng 7 là ngày thứ ba ĐTC Phanxicô viếng thăm mục vụ Ba Lan nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 31 tại Cracovia. ĐTC đã có 4 sinh hoạt chính: viếng thăm 2 trại tập trung Đức quốc xã là Auschwitz và Birkenau, Nhà thương Nhi đồng Prokocim, và vào ban chiều chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá với giới trẻ tại Cánh đồng Blonia (đọc là Buonie).

 Tường thuật ngày chứ ba chuyến công du của ĐTC tại Ba Lan

 

 

ĐTC Phanxicô ban phép lành cho các bạn trẻ sau buổi đi Đàng Thánh Giá tại Cánh đồng Blonia chiều 29-7-2016 – AFP

Thứ sáu 29 tháng 7 là ngày thứ ba ĐTC Phanxicô viếng thăm mục vụ Ba Lan nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 31 tại Cracovia. ĐTC đã có 4 sinh hoạt chính: viếng thăm 2 trại tập trung Đức quốc xã  là Auschwitz và Birkenau, Nhà thương Nhi đồng Prokocim, và vào ban chiều chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá với giới trẻ tại Cánh đồng Blonia (đọc là Buonie). Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của ĐTC.

Lúc 7 giờ sáng, ĐTC đã dâng Thánh lễ riêng trong nhà nguyện Toà Tổng Giám mục Cracovia. Sau đó vào lúc 8 giờ 15, ngài đi xe đến phi trường Balice cách đó 16 cây số để lấy trực thăng quân sự bay đến Oswiecim cách đó 30 cây số. Máy bay đã tới nơi sau nửa giờ bay.

Đón tiếp ĐTC có ĐC Roman Pindel, GM Bielsko Zywiec, và ông thị trưởng thành phố. ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Tín hữu Kitô, cũng theo đoàn tuỳ tùng trong cuộc viếng thăm này.

Oswiecim là một trong những thành phố lâu đài cổ xưa nhất Ba Lan, nằm gần sông Sola, có gốc gác hồi thế kỷ XII, và có biểu tượng là lâu đài trên đồi, ngày này là một viện bảo tàng. Lịch sử của thành phố này bị ghi dấu bởi các biến cố thê thảm của Đệ nhị Thế chiến. Tại đây, quân Đức quốc xã đã xây dựng trại tàn sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại: đó là Trại Tập trung Auschwwitz Birkenau, nơi có hơn 1,1 triệu người bị giết trong các năm 1940-1945. Ngày nay thành phố có hơn 40.000 dân cư, là trung tâm của nhiều sáng kiến hoà bình và nơi gặp gỡ của con người thuộc nhiều quốc tịch và tôn giáo khác nhau. Năm 1998, Liên Hiệp Quốc đã tặng nó tước hiệu “Sứ giả Hoà bình”. Giáo phận Bielsko-Zywiec là một trong 4 giáo phận thuộc Tổng Giáo phận Cracovia, có hơn 800.000 dân cư, 90% theo Công giáo và 80.000 theo các tôn giáo khác. Giáo phận gồm 210 giáo xứ với 525 linh mục triều, 121 linh muc dòng, 136 tu huynh, 450 nữ tu và 69 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 32 học viện giáo dục và 11 trung tâm bác ái.

Lúc 9 giờ 20 phút, ĐTC đi xe đến Viện Bảo tàng Auschwwitz cách đó 700 mét.

** Ngược dòng lịch sử, ngày mồng 1 tháng 9 năm 1939, quân Đức quốc xã xâm lăng Ba Lan và đổi tên Oswiecim thành Auschwitz, và thành lập trại tâp trung gần thành phố. 17 ngày sau, Hồng quân Liên Xô tiến chiếm nửa còn lại của Ba Lan. Trại tập trung hoạt động từ ngày 14 tháng 6 năm 1940 đến ngày 27 tháng 1 năm 1945 và gồm 3 phần: Auschwwitz I có các dãy nhà bằng gỗ cũ kỹ, Birkenau hay Auschwwitz II và khoảng 40 trại phụ thuộc gần các nhà máy và các nông trại của Đức. Trong thời gian đầu quân Đức quốc xã tàn sát 150.000 tù nhân chính trị gồm các thành phần ưu tú của xã hội Ba Lan. Với thời gian, họ cũng bắt đầu gửi vào trại các tù nhân thuộc các nước khác, và từ mùa xuân năm 1942, quân Đức quốc xã bắt đầu tàn sát hàng loạt người Do Thái. Chính tại đây đã có hơn 1 triệu người Do Thái bị giết, 23.000 người Rom, 15.000 tù nhân chiến tranh Liên Xô và hàng ngàn người thuộc các quốc tịch khác. Trong số các vị tử đạo tại Auschwitz có Cha Massimiliano Maria Kolbe và Thánh nữ Teresa Benedetta Thánh Giá Edith Stein, gốc Do Thái.

Ngày giải phóng Trại Tập trung Suschwitz 27 tháng 1 được Liên Hiệp Quốc tuyên bố là Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân Cuộc diệt chủng. Ngày 27 tháng 7 năm 1947, chính quyền Ba Lan quyết định duy trì khu vực của trại tập trung và thành lập Viện Bảo tàng quốc gia Auschwwitz-Birkenau trên một vùng rộng 191 mẫu. Năm 1979, Liên Hiệp Quốc đưa nó vào trong danh sách của “Gia tài nhân loại”. Cho đến nay đã có hơn 30 triệu người viếng thăm viện bảo tàng này. Năm 2000, chính quyền Ba Lan đã cho thành lập Uỷ ban Quốc tế gồm 22 thành viên thuộc nhiều nước khác nhau để bảo trợ các hoạt động kỷ niệm của khu vực này.

Vài tháng sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, có một nhóm cựu tù binh người Ba Lan bắt đầu phát động việc tưởng niệm các nạn nhân của Trại Tập trung Auschwitz. Vài người đến khu vực này thành lập một Hội đồng thường trực của Trại Tập trung Auschwitz và cung cấp sự trợ giúp cho hàng ngàn người hành hương kéo nhau đến đây để tìm dấu vết của các thân nhân, bạn bè bị sát hại, cầu nguyện và tưởng niệm những người đã bị giết tại các nơi này. Viện Bảo tàng Auschwitz Birkenau bao gồm các khu vực của Trại Tập trung Auschwitz I tại Oswiecim và Trại Tập trung Birkenau Auschwitz II ở Brzezinka và tất cả những nơi khác bao gồm các dụng cụ tàn sát hàng loạt người Do Thái và hơn 150 loại cơ cấu gồm các dinh thự và các nhà gỗ cho tù nhân, nhà tiêu, dinh thự cho các nhân viên hành chánh và người chỉ huy trại tập trung, các nhà cho mật vụ Đức quốc xã, bàn giấy ghi danh các tù nhân mới tới, các tháp canh, cổng trại tập trung, vài cây số hàng rào kẽm gai, các con đường bên trong trại và đường rầy xe lửa. Viện bảo tàng cũng bao gồm những hố chôn tập thể vài trăm tù nhân bị giết trước khi Hồng quân Liên Xô vào trại tập trung, hay chết sau khi trại được giải phóng. Nghĩa là tất cả những chứng tích và các vật dụng tội phạm của Đức quốc xã, tiếp tục nghiên một cách khoa học các dấu tích ấy để trình bày cho công chúng kết quả các nghiên cứu này. Nhưng trước hết, Trại Tập trung Auschwitz Birkenau là một nghĩa trang và một nơi tưởng niệm, một đài tưởng niệm, một trung tâm giáo dục và tìm hiểu tình trạng của những người đã bị sát hại tại đây. Từ khi được thành lập đã có hơn 30 triệu người thuộc hơn 100 quốc gia đến viếng thăm viện bảo tàng. Nơi tưởng niệm cũng bao gồm các sưu tầm lịch sử, văn khố và bộ sưu tập lớn nhất thế giới các tác phẩm nghệ thuật dành cho Auschwitz.

** ĐGH Gioan Phaolô II đã viếng thăm Auschwitz trong chuyến công du Ba Lan lần đầu tiên ngày mồng 7 tháng 6 năm 1979 và đã cầu nguyện trong căn phòng để đói, nơi Thánh Massimiliano Maria Kolbe đã chết. Trong bài giảng Thánh lễ cử hành bên ngoài trại tập trung hồi đó, Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Tôi không thể không đến đây như Giáo hoàng… Tôi đến một lần nữa để nhìn vào mắt lý do của con người, cùng với anh chị em, một cách độc lập với niềm tin của anh chị em. Đặc biệt tôi cùng anh chị em, hỡi những người thân mến tham dự vào cuộc  gặp gỡ này, dừng lại trước tấm bia khắc tiếng Do Thái. Bản khắc này gợi lên ký ức của dân tộc mà con cái bị chỉ định cho sự tiêu diệt hoàn toàn. Trước tấm bia này không ai được phép đi qua với sự thờ ơ. Auschwitz là một tính sổ với lương tâm nhân loại qua các bia khắc làm chứng cho các nạn nhân của các dân tộc, mà người ta không chỉ viếng thăm, mà cũng cần suy nghĩ với sự sợ hãi; suy nghĩ tới điều này là một trong các ranh giới của thù hận. Auschwitz là một chứng tá của chiến tranh. Chiến tranh đem theo mình một gia tăng không cân xứng của thù hận, huỷ hoại và tàn ác.”

Ngày 28 tháng 5 năm 2006, ĐTC Bênêđictô XVI cũng đã viếng thăm Trại Tập trung Auschwitz Birkenau vào cuối chuyến tông du Ba Lan. Phát biểu trong dịp này ngài nói: “Lên tiếng tại nơi của sự kinh hoàng, của tội phạm chồng chất chống lại Thiên Chúa và chống lại con người, chưa từng thấy trong lịch sử, hầu như là điều không thể làm được. Và nó đặc biệt khó khăn và đè nén đối với một Kitô hữu, một Giáo hoàng đến từ nước Đức. Trong một nơi như nơi này, các lời nói giảm đi, nói cho cùng chỉ còn có một sự thinh lặng kinh hoàng – một sự thinh lặng là một tiếng kêu nội tâm lên Thiên Chúa: Lạy Chúa, tại sao Ngài lại thinh lặng? Tại sao Ngài lại đã có thể khoan nhượng với tất cả điều này? Chính trong thái độ thinh lặng này mà chúng ta cúi đầu sâu thẳm trong thầm kín trước hàng hàng lớp lớp những người đã khổ đau và bị giết: tuy nhiên, sự thinh lặng này sau đó lớn tiếng trở thành lời xin tha lỗi, hoà giải, một tiếng kêu lên Thiên Chúa hằng sống xin đừng bao giờ cho phép một điều như vậy xảy ra nữa. Đức Gioan Phaolô II đã đến đây như là người con của dân tộc bên cạnh dân tộc Do Thái đã phải khổ đau hơn tại nơi này, nói chung, trong thời chiến tranh… Hôm nay tôi đến đây như người con của dân tộc Đức, và chính vì thế tôi phải và có thể nói như ngài: Tôi đã không thể không tới. Tôi đã phải tới. Nó đã và đang là một bổn phận trước sự thật và quyền lợi của những người đã khổ đau, một bổn phận trước mặt Thiên Chúa.”

** Cuộc viếng thăm đã bắt đầu lúc 9 giờ 30. Xe chở ĐTC đã dừng bên ngoài cổng chính của trại tập trung bên trên có hàng chữ “Lao động khiến tự do”. ĐTC đã được ông Giám đốc Viện Bảo tàng tiếp đón. Ngài đi bộ vào bên trong, rồi lên chiếc xe nhỏ chạy bằng điện để đến Khu số 11. Khi đến sân Gọi, tên là sân nhỏ nơi mật vụ Đức quốc treo cổ các tù nhân, ĐTC đã dừng lại cầu nguyện rồi hôn cây cột gỗ. Đây là nơi Cha Massimiliano Kolbe đã hy sinh nhận chết thế cho một người cha gia đình. Bà Thủ tướng Beata Maria Szydlo đã đón tiếp ĐTC trước cửa vào khu 11. Ngài đã gặp 11 nạn nhân sống sót của trại tập trung, ôm hôn và nói chuyện với từng người. Người cuối cùng trao cho ngài một cây nến. ĐTC đã cầm cây nến thắp ngọn đèn dầu ngài tặng cho trại tập trung và thinh lặng cầu nguyện trước bức tường nơi quân Đức quốc xã đã xử bắn hàng ngàn tù nhân trong 2 năm, bằng cách bắn vào đầu họ rồi lôi xác vào lò hoả thiêu, từ mùa thu năm 1941 đến mùa thu năm 1943. Sau đó các vụ xử bắn được chuyển qua Trại Tập trung Birkenau. Bức tường này đã bị phá nhưng năm 1946 các cựu tù binh của trại đã xây lại.

Sau khi tưởng niệm các nạn nhân đã bị xử bắn tại đây, ĐTC vào thăm căn phòng nơi Cha Massimilano Kolbe bị bỏ chết đói. Hình phạt bỏ đói được quân Đức quốc xã dùng trong thời gian ban đầu. Các tù nhân được chọn trong nhóm có một người tù bỏ trốn, bị bỏ chết đói trong các phòng bên duới lòng đất. Cha Kolbe đã chết đói trong phòng số 18.  ĐTC được Cha Bề trên Tổng quyền và Cha Bề trên Tỉnh dòng Phanxicô viện tu hèn mọn tiếp đón, rồi ngài xuống các phòng bỏ đói thăm căn phòng nơi Cha Kolbe qua đời. Ngài đã vào ngồi trên ghế và thinh lặng cầu nguyện một lúc lâu. Hiện nay có một bản khắc kỷ niệm cái chết hy sinh của ngài, bên cạnh có một cây nến do Đức Gioan Phaolô II để lại. Trước khi rời khu nhà số 11, ĐTC đã ký tên vào sổ lưu niệm. Ngài viết bằng tiếng Tây Ban Nha: “Lạy Chúa, xin thuơng xót dân Ngài. Lạy Chúa, xin tha thứ cho biết bao tàn ác.” Tiếp đến, ĐTC đi xe sang thăm Trại Tập trung Birkenau cách đó 3 cây số. Trại  tập trung này rộng 175 mẫu và là trại tập trung lớn nhất cũng gọi là Auschwitz II. Nó được quân Đức quốc xã bắt đầu xây năm 1941 trong làng Brzezinka. Dân làng bị đuổi đi nơi khác và nhà cửa của họ bị tàn phá để lấy chỗ cho trại tập trung. Tại Birkenau, quân Đức quốc xã đã xây dựng các hệ thống tiêu diệt tinh vi nhất gồm 4 lò hoả thiêu với các phòng hơi ngạt, 2 phòng hơi ngạt tạm thời trong nhà của dân. Có khoảng 300 dãy nhà bằng gỗ và gạch làm nơi ở cho các tù nhân bị trưng dụng cho lao động và để cho chết dần chết mòn. Vào tháng 8 năm 1944, số tù nhân tại Birkenau lên tới 100.000 người. Tưởng cũng nên biết rằng trong thời Đệ nhị Thế chiến đã có 1.000 linh mục Ba Lan cứu sống người Do Thái. Các nữ tu đã cho người Do Thái tá túc trong 300 tu viện và cơ cấu khác nhau trên toàn nước Ba Lan. Hồi năm 1939, số linh mục tu sĩ Ba Lan là 18.000. Hàng giáo sĩ bị quân Đức quốc xã bách hại một cách có hệ thống, khiến cho 4.000 vị và 6 giám mục đã bị nhốt trong các trại tập trung, và ít nhất có 2.800 vị đã chết.

** Trước đài tưởng niệm các nạn nhân có 1.000 người gồm thân nhân của các nạn nhân và một số các tù nhân còn sống sót chờ ĐTC. Đài tưởng niệm này đã được khánh thành năm 1967 giữa lò hoả thiêu số II và số III. Có 426 dự án đã được đề ra. Dự án vĩnh viễn đã do các kiến trúc sư Ba Lan và Italia thực hiện. Toàn đài tưởng niệm gồm nhiều lớp, khiến ta nghĩ tới các hòm chôn người chết và các bia mộ, trong khi yếu tố cao nhất biểu tượng cho ống khói của lò hoả thiêu. Trước đài tưởng niệm có các tấm bia tưởng niệm bằng 23 thứ tiếng khác nhau của các tù nhân. Bảng tưởng niệm viết: “Hãy luôn mãi để nơi này là tiếng thét của tuyệt vọng và là một cảnh cáo cho nhân loại, nơi quân Đức quốc xã đã giết chết 1,5 triệu người, phụ nữ, trẻ em, đa số là người Do Thái, đến từ các nước Âu châu. Auschwitz Birkenau 1940-1945.”

Sau khi đi bộ qua cổng chính, ĐTC đã lên xe chạy bằng điện tiến vào trại. Ngài đã được bà Thủ tướng và ông giám đốc trại tiếp đón. Một rabbi Do Thái hát Thánh vịnh 130, sau đó ĐTC đã đến trước các tấm bia thinh lặng cầu nguyện rồi thắp lên một ngọn nến. Ngài tiếp tục thăm hết các bia tới tấm bia cuối cùng có tên của 25 người được coi là “Các người công chính của các quốc gia”.

Sau khi thăm đài tưởng niệm, ĐTC đã tặng tràng hạt mân côi cho các nạn nhân sống sót ngồi ở mấy hàng ghế đầu. Tiếp đến, ngài đi xe tới sân trực thăng bay về Balice cách đó 45 cây số, rồi về Toà Tổng Giám mục Cracovia để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi trước khi đi thăm Nhà thương Nhi đồng Prokocim vào ban chiều.

** Đây là nhà thương nhi đồng lớn nhất Ba Lan, do các tu sĩ Dehoniani điều khiển, ằng năm chữa trị cho khoảng 30.000 trẻ em và khám bênh phát thuốc cho 200.000 em. Việc xây cất nhà thương đã do các người Ba Lan sống tại Hoa Kỳ đề xướng, và được chính quyền Hoa Kỳ tài trợ. Trong 5 thập niên qua, nhà thương đã chữa trị cho 900.000 trẻ em. Nhà thương này nổi tiếng vì chuyên giải phẫu tách rời các trẻ em sinh đôi dính vào nhau, chữa phỏng và các thứ bệnh về tim của trẻ em.

Đức Gioan Phaolô II cũng đã thăm nhà thương này vào ngày 13 tháng 8 năm 1991. Nhà nguyện của nhà thương còn giữ vài thánh tích của ngài. ằng ngày tại đây đều có thánh lễ cho trẻ em, cha mẹ, các nhân viên y tế và sinh viên y khoa, vì nhà thương cũng là trường đại học. Mình Thánh Chúa cũng được chầu suốt ngày tại đây.

Lúc 4 giời 30 chiều, ĐTC đã đi xe díp đến nhà thương cách toà tổng giám mục 9 cây số. Ngài đã được bà Thủ tướng và vị giám đốc nhà thương tiếp đón tại sảnh đường. Hiện diện có 50 trẻ em bệnh nhân, cha mẹ các em, các bác sĩ y tá và sinh viên y khoa.

Đáp lời chào của bà Thủ tướng, ĐTC nói lên lý do ngài đến thăm nhà thương:

Tôi muốn ở gần mỗi trẻ em đau yếu một chút, bên cạnh giường các em, ôm các em vào lòng, từng em một, lắng nghe từng em một, mỗi em một chút, và cùng nhau thinh lặng trước các câu hỏi không có câu trả lời tức khắc, và cầu nguyện.

Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu gặp gỡ các người đau yếu, tiếp đón họ và Ngài cũng sẵn lòng đi tìm họ. Ngài luôn luôn nhận ra họ, nhìn họ như một bà mẹ hiền nhìn đứa con không khoẻ mạnh, và cảm thương họ. Như là các Kitô hữu, tôi uớc mong biết bao có khả năng gần gũi người bệnh theo kiểu của Chúa Giêsu, trong thinh lặng, với một cái vuốt ve, với lời cầu nguyện. Rất tiếc xã hội của chúng ta bị ô nhiễm bởi nền văn hoá “gạt bỏ” chống lại nền văn hoá tiếp đón. Và các nạn nhân của nền văn hoá gạt bỏ chính là những người yếu đuối nhất, giòn mỏng nhất; và đó là một sự tàn ác. Trái lại, thật là đẹp trông thấy rằng trong nhà thương này các trẻ em bé nhỏ và cần được giúp đỡ được tiếp đón và săn sóc. Nhờ dấu chỉ này của tình yêu mà anh chị em cống hiến cho chúng tôi! Đó là dấu chỉ của nền văn minh đích thực, nhân bản và Kitô: đặt để các người bị thiệt thòi nhất vào trung tâm của sự chú ý xã hội chính trị.

Tiếp tục bài phát biểu, ĐTC nói:

Đôi khi các gia đình phải một mình lo lắng cho chúng. Phải làm gì đây? Từ nơi này trong đó tôi trông thấy tình yêu cụ thể , tôi muốn nói: chúng ta hãy nhân nhiều lên các công trình của nền văn hoá tiếp đón, các công trình được linh hoạt bởi tình yêu Kitô, tình yêu đối với Chúa Giêsu bị đóng đinh, đối với thịt xác của Ngài. Phục vụ với tình yêu thương, dịu hiền những người cần sự giúp đỡ khiến làm cho chúng ta tất cả lớn lên trong nhân bản; và nó mở ra cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu: ai chu toàn các việc lành phúc đức, thì không sợ hãi cái chết.

Tôi khích lệ tất cả những ai đã khiến cho lời mời gọi của Tin Mừng trở thành một lựa chọn cuộc đời: các bác sĩ, y tá, tất cả những ai làm việc trong lãnh vực y khoa cũng như các tuyên uý và các người thiện nguyện. Xin Chúa giúp anh chị em chu toàn công việc của mình, tại đây cũng như tại mọi nhà thương trên toàn thế giới. Và xin Người thưởng công cho anh chị em, bằng cách ban cho anh chị em sự an bình nội tâm và một con tim luôn luôn có khả năng dịu hiền.

Xin cám ơn tất cả mọi người về cuộc gặp gỡ này! Tôi mang anh chị em trong tim và trong lời cầu nguyện. Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.

ĐTC đã tặng nhà thương bức tranh “Trước cửa” của Nghệ sĩ Piero Casentini, diễn tả một cảnh trong cuộc đời Chúa Giêsu: Thánh Phêrô và các Tông đồ đương đầu với người bệnh đi tìm Chúa Giêsu thấp thoáng đàng sau cánh cửa của một căn nhà. Các gương mặt được trình bày theo rẻ quạt để người nhìn có thể quan sát từng gương mặt một.

ĐTC đã nói chuyện và vuốt ve các trẻ em trong đó nhiều em bị bệnh ung thư, trước khi đi thăm vài khu vực của Nhà thương Đại học. Tiếp đó, ngài lên nhà nguyện và được Linh mục Tuyên uý Lucjan Szezepaniak tiếp đón. ĐTC viếng Mình Thánh Chúa và quỳ cầu nguyện một lát.

Lúc 17 giờ 30, ĐTC đi xe đến Cánh đồng Blonia cách đó 10 cây số để chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá với giới trẻ.

Ba giờ trước khi ĐTC tới, hơn 1 triệu bạn trẻ đã tham dự chương trình gặp gỡ gồm các màn trình diễn nhạc cảnh, chiếu phim, chia sẻ các chứng từ, cầu nguyện và hát thánh ca. Các bạn trẻ được xem các phim video nối liền với các cử hành tại nhiều nơi khác liên quan tới lòng thương xót trong thành phố Cracovia.


** Buổi đi Đàng Thánh Giá được cử hành bằng 5 thứ tiếng: Ba Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Ở mỗi chặng, Thánh giá được các bạn trẻ thuộc 14 hiệp hội và phong trào khác nhau vác theo thứ tự gồm: chặng thứ I Cộng đồng Thánh Egidio; chặng thứ II Hiệp hội Trợ giúp các Người vô gia cư Thánh Alberto Chmielowski; chặng thứ III Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ; chặng thứ IV Nhà bà mẹ cô đơn “Cửa sổ của Sự sống”; chặng thứ V Cộng đoàn Con tàu; chặng thứ VI Hiệp hội Trợ giúp nhau “Con tàu” tái hội nhập các tù nhân, trợ giúp người thất nghiệp và vô gia cư; chặng thứ VII Chương trình “Madalena” của các nữ tu Dòng Đức Bà Thương Xót, tức dòng của Thánh nữ Faustina Kowalska, gồm nhà tiếp đón các bà mẹ trẻ và các bà mẹ cô đơn; chặng thứ VIII “Trạm ngừng Giêsu” là Phong trào Rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ sống xa Chúa; chặng thứ IX Cộng đoàn “Nhà Tiệc Ly” chuyên giúp tái hội nhập các người nghiện ma tuý; chặng thứ X Hiêp hội Trợ giúp của Cha Thánh Pio giúp đỡ vật chất, tâm lý, tinh thần và tư pháp với hai trung tâm và 7 nhà tại Cracovia; chặng thứ XI các nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta; chặng thứ XII Cộng đoàn “Bánh Sự Sống” chuyên trợ giứp trẻ em, người nghèo và người tàn tật cũng như cấp học bổng cho trẻ em nghèo với 7 nhà cho người già và vô gia cư gồm 1.000 người; chặng thứ XIII “Nhà thương tại gia” là phong trào chống tệ nạn mại dâm và các hình thức phổ biến cuộc sống tính dục tháo thứ trong xã hội; chặng thứ XIV “Nhà Thánh Ladarô” trợ giúp các bệnh nhân nan y cuối đời.

Mỗi chặng đều có hoạt cảnh minh hoạ, một đoạn Phúc Âm và phần suy niệm quy chiếu cuộc sống ngày nay.

Ngỏ lời với các bạn trẻ, ĐTC trích lại lời Chúa Giêsu nói trong ngày phán xét: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Các lời này của Chúa Giêsu gặp gỡ câu hỏi nhiều lần vang lên trong con tim chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa ở đâu, nếu trong thế giới có sự dữ, nếu có những người đói khát, không nhà cửa, các người di cư tị nạn? Thiên Chúa ở đâu, khi các người vô tội chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu khi bệnh tật không thương xót bẻ gãy các mối dây của sự sống và yêu thương? Hay khi các trẻ em bị khai thác bóc lột, bị hạ nhục và khổ đau vì các bệnh tật? Thiên Chúa ở đâu trước nỗi âu lo của những người nghi ngờ và các thống khổ của tâm hồn? Có các vấn nạn mà con người không có câu trả lời. Chúng ta chỉ có thể nhìn lên Chúa Giêsu và hỏi Ngài. Và câu trả lời của Chúa Giêsu là đây: “Thiên Chúa ở trong họ” Chúa Giêsu ở trong họ, tự đồng hoá một cách sâu xa với từng người. Ngài kết hiệp với họ như thể làm thành “một thân thể duy nhất” với họ.

** Chính Chúa Giêsu dã lựa chọn tự đồng hóa với các anh chị em này, bị thử thách bởi khổ đau và âu lo, bằng cách chấp nhận bước đi trên con đường khổ nạn tiến lên núi sọ. Khi chết trên thập giá, Ngài phó thác mình trong tay của Thiên Chúa Cha, và vác lên mình và trong mình với tình yêu thương trao ban, các vết thương thể lý, luân lý và tinh thần của toàn nhân loại. Khi ôm lấy gỗ của thập giá, Chúa Giêsu ôm lấy sự trần trụi, đói khát và cô đơn, khổ đau và cái chết của con người thuộc mọi thời đại. Chiều hôm nay, Chúa Giêsu, và chúng ta cùng với Ngài, ôm lấy với tình yêu đặc biệt các anh chị em Syria, trốn chạy chiến tranh. Chúng ta chào đón họ và tiếp nhận họ với tình yêu thương huynh đệ và thiện cảm.

Khi bước đi trở lại Con đường Thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta tái khám phá ra tầm quan trọng của việc tự đồng hoá với Ngài, qua 14 việc làm của lòng thương xót. Chúng giúp chúng ta rộng mở cho lòng xót thương của Thiên Chúa, xin ơn hiểu rằng không có lòng thương xót con người không thể làm được gì, không có lòng thương xót bạn, tôi, chúng ta tất cả không thể làm được gì hết. Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào 7 công việc thương xót thân xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người trần trụi áo quần để mặc, cho khách hành hương đỗ nhà, thăm viếng kẻ yếu đau, người tù tội, chôn xác kẻ chết. Chúng ta đã nhận được một cách nhưng không, chúng ta hãy cho đi một cách nhưng không. Chúng ta được mời gọi phục vụ Chúa Giêsu bị đóng đinh trong mọi người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, sờ mó thịt xác của Ngài được chúc phúc nơi người bị loại trừ, đói khát, trần truồng, bị tù đày, đau yếu, thất nghiệp, bị bách hại, di cư tị nạn. Ở đó, chúng ta tìm thấy Thiên  Chúa của chúng ta, chúng ta đụng chạm tới Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói điều này, khi giải thích đâu sẽ là cung cách dựa trên đó chúng ta sẽ bị phán xử: mỗi lần chúng ta đã làm điều này cho các anh em bé nhỏ nhất của Ngài là chúng ta đã làm cho chính Ngài (x. Mt 25,31-46).

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói: Thêm vào các việc thương xót phần xác là các việc thương xót tinh thần: cố vấn cho người nghi hoặc, dạy dỗ kẻ dốt nát, cảnh cáo người tội lỗi, an ủi kẻ ưu phiền, tha thứ các xúc phạm, kiên nhẫn chịu đựng các người xách nhiễu, cầu nguyện với Thiên Chúa cho kẻ sống và kẻ chết. Tính cách đáng tin cậy của chúng ta như là Kitô hữu là ở nơi việc tiếp đón người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội bị thương tích trên thân xác, và ở nơi việc tiếp đón kẻ có tội bị thương tích trong tâm hồn.

** Ngày nay nhân loại cần đến những người nam nữ, và một cách đặc biệt người trẻ như các bạn, những người không muốn sống cuộc đời mình “một nửa”, những người trẻ sẵn sàng tiêu hao cuộc đời trong việc phục vụ các anh chị em nghèo túng và yếu đuối nhất, noi gương Chúa Kitô, là Đấng đã trao ban tất cả chính mình cho sự cứu rỗi của chúng ta. Truớc sự dữ, khổ đau và tội lỗi, câu trả lời duy nhất có thể có đối với người môn đệ Chúa Giêsu là trao ban chính mình, cả cuộc sống, theo gương Chúa Kitô; đó là thái độ phục vụ. Nếu một người nói mình là Kitô hữu – mà không sống để phục vụ, thì không ích lợi để sống. Với cuộc sống của mình họ khước từ Chúa Giêsu.

Các bạn trẻ thân mến, chiều nay Chúa canh tân lời mời gọi các bạn trở thành các tác nhân trong việc phục vụ; Ngài muốn làm cho các bạn trở thành một câu trả lời cụ thể cho các nhu cầu và các khổ đau của nhân loại; Ngài muốn rằng các bạn là một dấu chỉ tình yêu thương xót của Ngài cho thời đại chúng ta! Để chu toàn sứ mệnh này, Ngài chỉ cho các bạn con đường dấn thân cá nhân và hy sinh chính mình: đó là Con đường thập giá. Con đường thập giá là con đường của hạnh phúc theo Chúa Kitô cho tới cùng, trong các hoàn cảnh thường khi thê thảm của cuộc sống thường ngày; đó là con đường không sợ hãi các thất bại, các gạt bỏ ngoài lề, hay các cô đơn, bởi vì nó làm tràn đầy trái tim con người với sự tràn đầy của Chúa Giêsu. Con đường thập giá là con đường của cuộc sống và kiểu của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu đã đi, cả qua các lối đi của một xã hội đôi khi chia rẽ, bất công và thối nát.

Con đường thập giá là con đường duy nhất đánh bại tội lỗi, sự dữ và cái chết, bởi vì nó đổ vào ánh sáng rạng ngời của sự sống lại, bằng cách mở ra các chân trời của cuộc sống mới tràn đầy. Đó là Con đường của niềm hy vọng và của tương lai. Ai bước đi trên nó với lòng quảng đại và niềm tin, thì trao ban hy gọng và tương lại cho nhân loại. Tôi muốn các bạn trở thành những người gieo vãi hy vọng.

Các ban trẻ thân mến, trong Ngày Thứ Sáu ấy nhiều môn đệ đã buồn bã trở về nhà họ, những người khác thì thích về căn nhà ở đồng quê để quên đi thập giá. Tôi xin hỏi các bạn: chiều nay các bạn muốn trở về nhà mình, về chỗ mình trọ như thế nào? Chiều nay các bạn muốn trở về để gặp gỡ chính mình như thế nào? Mỗi người hãy tự trả lời trong tim cho thách đố của câu hỏi này.

Sau khi ban phép lành Toà Thánh cho các bạn trẻ, ĐTC lên xe trở về Toà Tổng Giám mục cách đó 2 cây số, để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ ba chuyến viếng thăm mục vụ Ba Lan.

Thứ bảy 30-7, ĐTC sẽ kính viếng Đền thánh Lòng Thương Xót Chúa tại Lagiewniki, ban Bí tích Hoà Giải cho vài bạn trẻ, rổi cử hành Thánh lễ với các linih mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh gần Đền thánh Gioan Phaolô II. Vào ban chiều, ngài sẽ cũng 5 bạn trẻ bước qua Cửa Thánh và chủ sự buổi canh thức cầu nguyện với Thánh Gioan Phaolô II tại “Cánh đồng Thương Xót” bên ngoài thành phố Cracovia.


 

 

Linh Tiến Khải