23/12/2024

Kỷ nguyên robot tác chiến của cảnh sát

Việc cảnh sát Mỹ dùng robot để tiêu diệt tay bắn tỉa, người hạ sát 5 cảnh sát ở Dallas thuộc bang Texas hồi đầu tháng, được cho là mở ra một thời kỳ mới của lực lượng công vụ xứ cờ hoa.

 

Kỷ nguyên robot tác chiến của cảnh sát

Việc cảnh sát Mỹ dùng robot để tiêu diệt tay bắn tỉa, người hạ sát 5 cảnh sát ở Dallas thuộc bang Texas hồi đầu tháng, được cho là mở ra một thời kỳ mới của lực lượng công vụ xứ cờ hoa.




Remotec Andros Mark V-A1 đồng hành cùng cảnh sát Mỹ /// Ảnh: Portland Press Herald

 

Remotec Andros Mark V-A1 đồng hành cùng cảnh sát MỹẢNH: PORTLAND PRESS HERALD


Trong vụ việc trên, theo tờ The Washington Post, sau nhiều giờ đàm phán bất thành, lực lượng cảnh sát đã quyết định dùng robot Remotec Andros Mark V-A1 để cho nổ bom nhằm tiêu diệt tay bắn tỉa Micah Xavier Johnson. Remotec Andros Mark V-A1 là dòng robot gỡ bom khá quen thuộc với cảnh sát Mỹ. Nó nặng khoảng 362 kg, được trang bị hệ thống bánh xe có thể di chuyển trên nhiều loại địa hình, tốc độ di chuyển tối đa đạt hơn 5,5 km/giờ. Ưu điểm nổi bật chính là hệ thống camera có khả năng zoom quang học lên đến 26 lần. Kèm theo còn có cánh tay vật lý đủ sức nâng vật nặng đến gần 27 kg và thực hiện một số thao tác cơ bản. Toàn bộ hoạt động của robot này được điều khiển từ xa.
Trong hành động trên, robot Remotec Andros Mark V-A1 đã được điều khiển mang theo khối thuốc nổ C-4, âm thầm tiếp cận nghi phạm Johnson rồi kích nổ lượng C-4 mang theo. Nhờ đó, hung thủ bị tiêu diệt mà lực lượng cảnh sát không cần triển khai nhân lực, vốn có thể lại trở thành “bia tập bắn” cho Johnson.
Sự kiện trên đánh dấu việc lần đầu tiên lực lượng cảnh sát Mỹ sử dụng robot để hạ thủ mục tiêu. Nhất là khi cảnh sát Mỹ đang dần sử dụng nhiều robot và thiết bị bay không người lái (UAV) trong quá trình thực thi công vụ. Trong năm nay, ít nhất 41 bang tại Mỹ đang xem xét cho phép cảnh sát triển khai UAV ở nhiều hoạt động, từ canh gác nhà tù đến kiểm soát tình trạng săn bắn. Năm ngoái, lực lượng cảnh sát ở bang North Dakota còn được nghị viện thông qua việc sử dụng UAV trang bị súng bắn đạn cao su và hơi gas, theo Đài NPR.
 
Số lượng robot và UAV của cảnh sát Mỹ được trang bị phần lớn được chuyển giao bởi quân đội Mỹ thông qua một chương trình của Lầu Năm Góc nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí của Bộ Quốc phòng nước này. Tờ The Washington Post dẫn một số nguồn tin khẳng định số phương tiện do Lầu Năm Góc chuyển giao cho cảnh sát Mỹ từ giữa thập niên 1990 đến nay đã đạt tổng giá trị hơn 6 tỉ USD. Bên cạnh đó, từ năm 2003 khi bùng nổ chiến tranh ở Iraq, cảnh sát Mỹ lại càng được chuyển giao nhiều loại robot và UAV để chống khủng bố. Ước tính quân đội đã chuyển gần 1.000 robot trinh sát và gỡ bom cho cảnh sát.
Không những vậy, nhiều công ty trong lĩnh vực quốc phòng cũng đang quảng bá nhiều loại robot vũ trang được cho là sẽ rất hữu dụng cho cảnh sát. Tương tự, cảnh sát một số nước như Israel cũng đã dùng đến robot vũ trang để đảm bảo an toàn cho cảnh sát khi tấn công khủng bố. Điều đó có thể khiến cảnh sát Mỹ cũng muốn sở hữu những phương tiện như thế.
Trong khi đó, nhiều cảnh báo đang được đưa ra nhằm phản đối việc cảnh sát sử dụng robot để trấn áp mục tiêu, thậm chí để tiêu diệt đối tượng. Lý do phản đối là lực lượng công quyền có thể lạm dụng robot trong quá trình thực thi công vụ. Bên cạnh đó, robot còn có thể bị “hack” hoặc gặp trục trặc có thể tạo ra nhiều hệ luỵ.

 

Hoàng Đình