22/01/2025

Các bạn trẻ nghĩ gì khi thăm Trại Tập trung Auschwitz

Auschwitz, Ba Lan – Một phần trong cuộc hành hương đến Ba Lan tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ của các bạn trẻ toàn thế giới là viếng thăm Trại Tập trung Auschwitz. Có thể các bạn đã nghe biết về nơi này ở trường hoc, qua sách báo phim ảnh, hay ngay từ những người gốc Do Thái, nhưng đến tận nơi và thấy tận mắt chứng tích của sự tàn độc của con người đối với con người lại là một kinh nghiệm khác.

 Các bạn trẻ nghĩ gì khi thăm Trại Tập trung Auschwitz

 

 

Các bạn trẻ thăm Trại Tập trung Auschwitz – AP

Auschwitz, Ba Lan – Một phần trong cuộc hành hương đến Ba Lan tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ của các bạn trẻ toàn thế giới là viếng thăm Trại Tập trung Auschwitz. Có thể các bạn đã nghe biết về nơi này ở trường hoc, qua sách báo phim ảnh, hay ngay từ những người gốc Do Thái, nhưng đến tận nơi và thấy tận mắt chứng tích của sự tàn độc của con người đối với con người lại là một kinh nghiệm khác.

Ở Trại Tập trung Auschwitz, các bạn trẻ bước trong thinh lặng, qua cổng trại với khẩu hiệu nổi tiếng “Lao động giải phóng các bạn”. Tiếng bước chân của các bạn trẻ vang trên nền đá sỏi, đối với một số bạn trẻ, như bước chân của các người Do Thái, Roma và những người khác đã bị chỉ định vào danh sách phải chết, khi họ lìa xe lửa và bước đến cái chết.

40 bạn trẻ của đoàn Giáo phận Brooklyn, New York, đã cùng với hàng ngàn bạn trẻ khác đến Trại Tập trung Auschwitz vào ngày 25/7, một ngày trước khi Ngày Quốc tế Giới trẻ chính thức khai mạc. Stephanie Dalton, 19 tuổi, thuộc Giáo xứ các Thánh Tông đồ Simon và Giuđa, chia sẻ là cô cảm thấy lạnh xương sống khi bước chân trên vùng đất của trại tập trung của Đức quốc xã ở Auschwitz; cô gọi đó là linh hồn của những người đã chết bởi tay của Đức quốc xã cách đây hơn 70 năm. Cô nói: “Bạn có thể cảm thấy họ vẫn còn hiện diện ở đó.”

Wadley Fleurime, 18 tuổi, người Haiti, đã so sánh sự mất mát người thân của dân Haiti trong cuộc động đất năm 2010 với những người có thân nhân bị giết ở Trại Tập trung Auschwitz. Còn chị em Patricia và Gabriella Ruiz cảm thấy khó hiểu về sự tàn sát đã xảy ra ở đây. Họ muốn biết kỹ hơn về diệt chủng để họ có thêm những chi tiết và hình ảnh và dự định sẽ chia sẻ những điều họ thấy tận mắt và học được cho các giáo dân ở quê nhà.

Dominick Costantino, 24 tuổi, điều phối viên của chương trình ơn gọi của Giáo phận Scranton, Pennsylvania, chia sẻ: “Thật là buồn khi con người đã có thể đối xử như thế với người khác. Trong sự thinh lặng bạn có thể nghe thấy sự vấp ngã, té xuống và tiếng khóc của con người.” 

Hulewicz, 23 tuổi, khẳng định: “Thật là quan trọng việc chúng ta chứng tỏ là nơi đây không chỉ là di sản của Ba Lan nhưng là của toàn thế giới. Nó là một lời nhắc nhớ rất mạnh mẽ làm thế nào chúng ta có thể tránh lặp lại điều này trong tương lai.”

Adrianna Garcia, 26 đến từ San Antonio, Texas, cho biết những gì cô được giáo viên người Do Thái chia sẻ khi học lớp năm không thể so sánh với những gì cô nhìn thấy ở đây. Theo cô, các khách hành hương đến thăm các trại tập trung phải mang những câu chuyện này về nhà và khuyến khích các người khác đi đến đây nếu họ có thể. Cô đã chia sẻ những gì mình thấy trên các mạng truyền thông xã hội, vì “điều quan trọng là không để nó nằm im trong câu chuyện kể. Các câu chuyện đến và đi. Nhưng nếu bạn sống nó, bạn có thể giúp người khác hiểu nó”.

Vài đoàn bạn trẻ của Pháp đã dừng lại ở vài nơi tại trại Birkenau, cầu nguyện và hát thánh thi đền tội cho tội lỗi của nhân loại. (CNS 28/7/2016)

 
 

Hồng Thuỷ OP