Có một mặt trời không bao giờ tắt”
Đó là một câu hát mà dường như trẻ em khiếm thị nào cũng thuộc nằm lòng – “Có một mặt trời không bao giờ tắt, chẳng còn đôi mắt em nhìn bằng trái tim”.
Có một mặt trời không bao giờ tắt”
Đó là một câu hát mà dường như trẻ em khiếm thị nào cũng thuộc nằm lòng – “Có một mặt trời không bao giờ tắt, chẳng còn đôi mắt em nhìn bằng trái tim”.
Lê Dương Thể Hạnh ngày tốt nghiệp đại học bên bố mẹ, lúc chưa bị mù – Ảnh nhân vật cung cấp |
Đó cũng là tiếng lòng của một người phụ nữ khuyết tật, Lê Dương Thể Hạnh, tấm gương về nghị lực sống phi thường trong cộng đồng người khiếm thị Việt Nam.
“Thể Hạnh chẳng những có ý chí, nghị lực phi thường mà trong cô còn có một tấm lòng yêu thương cuộc đời rất lớn. Ngay trong lúc bản thân cũng phải chống chọi với bệnh tật, Thể Hạnh đã dùng hết sức lực và khả năng của mình để hỗ trợ và giúp đỡ nhiều người đồng cảnh ngộ |
Ông Nguyễn Quốc Phong (chủ nhiệm mái ấm Thiên Ân) |
Con đường nhỏ ven sông Nhà Bè dẫn chúng tôi đến căn nhà số 366/17F, ấp 4, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Nơi đây từ hơn một năm nay đã là chốn đi về của người phụ nữ khuyết tật, tác giả cuốn sách nổi tiếng Có một mặt trời không bao giờ tắt.
Lớp học của người mù qua mạng Skype
Chúng tôi gặp Thể Hạnh khi chị đang làm việc trong căn phòng nhỏ với những âm thanh thật đặc biệt, không phải tiếng lọc cọc của bàn phím máy tính, không phải tiếng nhạc, tiếng đàn, mà là âm thanh vang vang của phần mềm soạn thảo văn bản dành cho người khiếm thị; là tiếng cười đùa vui vẻ của cô và trò trong một “lớp học tình thương”.
Thể Hạnh tâm sự: “Mỗi ngày, ngoài bốn giờ đồng hồ múa may quay cuồng với những bài tập thể dục, tôi dành phần lớn thời gian của mình cho máy tính, người bạn thân thiết của tôi. Nhờ có máy tính mà tôi tìm lại được chính mình và kết nối được với xã hội, mặc dù xung quanh tôi giờ đây chỉ còn bóng tối”.
Trước mắt chúng tôi là một cô giáo khuyết tật, hai mắt bị mù, tai trái bị điếc hẳn, thính lực của tai phải chỉ còn lại 50%, tay chân yếu ớt đến mức không tự cầm được chén cơm, đôi đũa. Dù sức khoẻ yếu như vậy, Thể Hạnh vẫn ngày ngày “lên lớp”. Lớp học đặc biệt của chị không phải là nơi có bàn ghế, bục giảng, không phải là nơi cô trò có thể nhìn thấy được nhau.
Lớp học của cô giáo Thể Hạnh là lớp học ngoại ngữ trên Internet. Cô giáo Hạnh ngồi một mình trong phòng, trước mặt là chiếc máy tính, phần mềm Skype được mở và bên kia đầu dây là một nhóm học trò đang chờ cô giảng bài.
Hạnh đọc tuần tự các câu tiếng Nhật, sau đó các “học viên” từng người đọc lại cho Hạnh nghe. Mặc dù cơ miệng bị lệch sang một bên nhưng Thể Hạnh phát âm rất chuẩn và luôn luôn nghiêm khắc, đặt yêu cầu cao đối với học trò của mình từ cách phát âm đến cách dùng từ, đặt câu…
Thông qua ứng dụng Skype, Thể Hạnh dạy tiếng Anh, tiếng Nhật cho các bạn trẻ Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Cả cô lẫn trò đều là người khiếm thị, sự đồng cảm đã xoá nhoà mọi khoảng cách và mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc không chỉ cho chị mà còn cho biết bao nhiêu người bất hạnh khác.
Bạn Hồ Thái Hiển, sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng là một học trò qua mạng Skype của cô Thể Hạnh, tâm sự: “Cô Hạnh là người em rất quý trọng và ngưỡng mộ. Em cảm nhận được cô dạy chúng em bằng tất cả tấm lòng của cô, bằng sự ân cần và nhiệt tình hết mực.
Nếu có vấn đề gì khúc mắc, khó hiểu cô sẽ giúp đỡ tụi em giải quyết bằng mọi cách, khi cô băn khoăn một điều gì đó thì cô sẽ nhờ thầy cô, bạn bè cùng thảo luận và chia sẻ một cách cầu thị nhất”.
Dông tố cuộc đời
Thể Hạnh là con út trong một gia đình 6 anh chị em có truyền thống học tập tại Đà Lạt. Năm 2003, chị tốt nghiệp ngành tiếng Nhật, khoa Đông phương Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Trong lúc bạn bè đang loay hoay tìm kiếm việc làm thì Thể Hạnh đã nhanh chóng trở thành một phiên dịch viên kiêm thư ký tổng giám đốc một công ty Nhật Bản.
Người con gái Đà Lạt vừa tài năng vừa xinh đẹp trở thành niềm tự hào của cả gia đình, người thân và bạn bè cùng trang lứa. Năm 2007, trong lúc Thể Hạnh đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi tu nghiệp tại Nhật Bản thì chị lại nhận được lời cầu hôn.
Những tưởng trước mắt Hạnh là một gia đình êm ấm với những đứa con ngoan cùng sự nghiệp vững vàng. Nhưng trớ trêu thay, căn bệnh u não quái ác đã cướp đi tương lai tươi đẹp của chị. Từ ngày ánh sáng rời bỏ Hạnh ra đi thì mối tình 10 năm với người chồng sắp cưới cũng theo đó mà kết thúc bẽ bàng.
Sau 3 ca phẫu thuật với tổng cộng 27 tia xạ trị, Thể Hạnh may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần nhưng cũng từ đây chị trở thành một người khuyết tật và vĩnh viễn mất đi ánh sáng.
Quá đau khổ trước thực tại, Thể Hạnh cùng gia đình quay trở về Đà Lạt với hành trang là phần mềm hỗ trợ tiếng nói dành cho người mù trên điện thoại và máy tính, cùng lời nhắn nhủ chân tình của người thầy khiếm thị đầu tiên trong đời chị, thầy Nguyễn Quốc Phong – chủ nhiệm mái ấm Thiên Ân (TP.HCM): “Hãy nhớ, mù không phải là chấm hết. Những gì không thay đổi được thì cố gắng vui vẻ mà chấp nhận”.
Những năm tháng đó, Thể Hạnh chẳng khác gì một “đứa trẻ tuổi 30”, sống trong sự chăm bẵm và giúp đỡ của cả gia đình.
Bà Dương Thị Thuận, mẹ của Thể Hạnh, nhớ lại: “Ngày trở về Đà Lạt, Hạnh khóc suốt ngày, cả gia đình cứ khóc theo vì chẳng ai hiểu được Hạnh đang nói gì. Cơ miệng bị lệch sang một bên khiến con gái tôi không nói được, tay chân yếu không đi lại được, không ăn uống được. Tất cả mọi thứ Hạnh đều làm không được. Cả gia đình tôi hơn chục người luôn túc trực bên Hạnh, cùng nhau dồn hết tâm trí, sức lực để vực dậy sự sống của con tôi”.
Hôm nay, ngồi nói chuyện với chúng tôi tại TP.HCM, với tư cách là một người vừa trở về từ cõi chết, Thể Hạnh đã chứng minh cho cuộc đời thấy rằng cho dù định mệnh có đẩy ta đến bờ vực của sự sống và cái chết thì bằng nghị lực và niềm tin, chúng ta vẫn có thể mạnh mẽ mà bước tiếp và cống hiến cho đời.
Ông Lê Văn Chương, cha Thể Hạnh, xúc động: “Tôi rất mừng vì thấy con gái của mình bằng nghị lực và lòng yêu thương của gia đình đã có thể “chết đi sống lại”. Nay Thể Hạnh còn có thể tiếp tục làm việc, viết sách và giúp đỡ cho nhiều người cùng cảnh ngộ, tôi thấy an ủi vì đã lần thứ hai sinh ra một người con có ích cho đời”.
Sắc màu hi vọng Sau 3 năm nỗ lực để vượt lên số phận cùng với muôn vàn khó khăn, thử thách, Thể Hạnh đã tự tin đứng lên và làm lại cuộc đời. Chị quyết tâm trở lại TP.HCM, nơi đã từng lưu dấu những tháng ngày hoàng kim của Hạnh. Năm 2012, Thể Hạnh thành lập website www.sacmauhyvong.com nhằm chia sẻ những kinh nghiệm vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đến với những mảnh đời tật nguyền, bất hạnh như mình. Sau đó không lâu, được sự hỗ trợ và đồng hành của nhóm cựu sinh viên khoa Đông phương Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, nhóm thiện nguyện mang tên Sắc màu hi vọng đã ra đời. Tháng 9-2013, Thể Hạnh đã đoạt được giải nhì và một giải phụ đặc biệt “Gương mặt truyền thông cơ sở xuất sắc” của cuộc thi viết văn “Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống” của Quỹ Bill & Melinda Gates. Sau đó, Hạnh đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với bà Deborah Jacobs, giám đốc chương trình thư viện toàn cầu của Quỹ Bill & Melinda Gates. Lần gặp gỡ đó đã tiếp thêm niềm tin và động lực để chị xây dựng hình ảnh “người mù lao động và cống hiến với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin”. Năm 2014, Thể Hạnh chính thức bước vào con đường hoạt động xã hội bằng dự án thư viện chữ nổi mini dành cho người mù với sự đồng hành của mái ấm Thiên Ân – mái nhà chung của hơn 30 trẻ em khiếm thị, ngụ tại 122 Nguyễn Ngọc Nhựt, Q.Tân Phú, TP.HCM. Tâm sự với chúng tôi, Thể Hạnh lấy làm tự hào vì hiện tại chị sắp hoàn thành bộ từ điển nói Nhật – Việt dành cho người mù mà theo chị đó là bộ từ điển nói Nhật – Việt hiếm hoi của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Hạnh nói: “Bộ từ điển nói này sẽ mở ra cơ hội tốt hơn cho các bạn trẻ khiếm thị ham mê tiếng Nhật. Đó là một ngoại ngữ rất khó, bản thân tôi đã may mắn được học tiếng Nhật bằng ánh sáng, nay tôi muốn trao cho các em khuyết tật một phương tiện để các em có thể học tiếng Nhật kể cả trong bóng tối”. |
Tiểu thuyết Có một mặt trời không bao giờ tắt Dựa trên câu chuyện có thật về những trải nghiệm khi kề cận cái chết và quá trình vượt lên số phận đẫm nước mắt nhưng dạt dào niềm tin và hi vọng của chính tác giả Lê Dương Thể Hạnh, quyển tiểu thuyết với độ dài hơn 450 trang, gồm 31 chương được Nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành vào cuối năm 2015 đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng. Không dừng lại ở đó, Thể Hạnh vẫn đang ấp ủ một kế hoạch lớn hơn là viết lại câu chuyện đời mình bằng phiên bản tiếng Anh với tên gọi There is a never stop shining sun. Chị mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình đến với độc giả nhiều nơi trên thế giới, đồng thời giới thiệu một hình ảnh đẹp về người khiếm thị Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. |