Chủ trương phát triển không đánh đổi môi trường của VN đang bị thách thức nghiêm trọng vì khâu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án… hầu như bị méo mó.
Báo cáo môi trường… có cũng như không
Chủ trương phát triển không đánh đổi môi trường của VN đang bị thách thức nghiêm trọng vì khâu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án… hầu như bị méo mó.
Có thể kể hàng loạt ĐTM của dự án “làm cho có”, như dự án lấp sông Đồng Nai sao chép từ ĐTM nghĩa trang Vĩnh Hằng, dự án nhà máy giấy tốp 5 thế giới ở Hậu Giang chỉ tham vấn cộng đồng có 20 hộ dân…, và đặc biệt ĐTM của siêu dự án Formosa thì… quá sơ sài.
Dự báo 20 – 30% cũng duyệt
Theo TS Tô Văn Trường, cuối năm 2007, Formosa gửi thư quan tâm đầu tư. Một tháng sau được cấp phép khảo sát. 12 ngày sau đó, tập đoàn xây dựng xong báo cáo đầu tư. Đầu tháng 3.2008, Formosa đã có giấy phép đầu tư. Một đại dự án như vậy mà chỉ có hơn một năm đã có giấy phép chứng tỏ Formosa được hưởng nhiều ưu đãi.
Bản ĐTM đầu tiên của Formosa được phê duyệt năm 2008 chỉ vỏn vẹn có 285 trang. Theo các chuyên gia, với một dự án khổng lồ thì chỉ cần nhìn “dung lượng” như vậy cũng đã thấy có vấn đề. Sau khi ĐTM này được phê duyệt, dự án nâng công suất từ 7,5 triệu lên 10 triệu tấn thép/năm (Formosa có làm ĐTM bổ sung).
Nghiên cứu ĐTM của Formosa, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót, sai phạm như: Trong ĐTM chỉ nói sau khi nước thải xử lý đạt chuẩn sẽ thải ra sông Quyền, rồi ra biển mà không nói rõ nồng độ, loại chất gì. ĐTM cũng không nói đến lượng bụi nguy hiểm lọt qua các biện pháp xử lý lọc túi vải, tĩnh điện cũng như phương án xử lý, thu gom. ĐTM của Formosa xử lý nước thải xong xả thẳng ra môi trường chứ không có bể lắng. Mà thông thường trong xử lý nước thải cần phải có bể trung chuyển nuôi cá thử nghiệm, nước này không làm chết cá thì mới được thải ra ngoài, ngược lại cá chết nghĩa là nước thải xử lý chưa đạt, không được xả ra môi trường. “ĐTM Formosa không có điểm này mà cơ quan chức năng phê duyệt cho thông qua thì thật là khó hiểu”, GS Hồng nói và cho biết một vấn đề đáng lo ngại là cặn kim loại cũng không thấy nói đến. “Lẽ ra, những người làm ĐTM phải tính toán được nồng độ chất độc nguy hại, dự tính được sức chịu tải của môi trường ra sao, đến ngưỡng nào thì phải dừng lại hoặc giảm sản lượng sao cho cân bằng với môi trường… Nhưng ĐTM Formosa hoàn toàn không đề cập đến”, GS Hồng nói.
Theo GS Hồng, cách tham vấn cộng đồng cũng không đúng. Cách làm đúng là nhóm thực hiện ĐTM phải đưa ra các dự báo về ảnh hưởng môi trường, đời sống, kinh tế, mức độ độc hại, đền bù… phương pháp xử lý, biện pháp khắc phục dự phòng để cộng đồng hiểu và cho ý kiến chứ không chỉ hỏi là có đồng ý hay không như ĐTM Formosa thực hiện.
Ông Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) – người ký duyệt ĐTM của Formosa, thừa nhận: “Thôi thì méo mó có hơn không, dự báo được bao nhiêu thì dự báo, được 20%, 30% cũng phải chấp nhận… Tôi được Bộ trưởng Mai Ái Trực ủy quyền ký. ĐTM có nhiều cái không rõ nhưng hội đồng vẫn phê duyệt nên khi ký tôi cũng băn khoăn”.
Mới đây, trong hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ TN-MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận: “Quy định về ĐTM như hiện nay nặng về hình thức, doanh nghiệp dễ dàng qua mặt địa phương và các cơ quan quản lý”. Bộ trưởng đề nghị Chính phủ quy định nên xem xét ĐTM trong giai đoạn xem xét cấp giấy phép xây dựng dự án. Khi đó, mới thẩm định được thiết kế cơ sở của dự án, ĐTM sẽ chính xác hơn và chi tiết hơn.
TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, dẫn chứng: Tính theo giấy phép xả thải mà Formosa đã được cấp với lưu lượng 45.000 m3/ngày, chỉ riêng với nồng độ phenol hay cyanide cho phép đều là 0,585 mg/l, thì tổng lượng phenol và cyanide sẽ thải ra biển Vũng Áng trong điều kiện Formosa vận hành ổn định và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép sẽ là 17,37 tấn/năm, tức lớn gấp 9,5 lần so với lượng thải của 5 ngày gây ra thảm họa. Nên đấy là lỗi của giấy phép xả thải. “Nhưng tôi nhấn mạnh khuyết điểm lớn nhất không phải là cấp giấy phép xả thải hay báo cáo ĐTM mà chính là lỗ hổng về công tác kiểm tra, giám sát về môi trường của cơ quan chức năng”, TS Trường nói.
“Vừa đá bóng vừa thổi còi”
Trong danh sách các thành viên tham gia lập ĐTM có 3 thành viên của chủ đầu tư, 3 thành viên đến từ ĐH Bách khoa Hà Nội, còn lại toàn bộ là các thành viên thuộc Trung tâm tư vấn đào tạo và chuyển giao công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường). Trong khi đó, cơ quan thẩm định phê duyệt ĐTM này lại chính là Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cũng thuộc Tổng cục Môi trường. Các chuyên gia cho rằng, điều này không khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần xây dựng quỹ lập ĐTM độc lập và tổ chức thẩm định ĐTM độc lập. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án tùy theo quy mô sẽ nộp một khoản tiền nhất định vào quỹ này. Quỹ có trách nhiệm thuê các chuyên gia có chuyên môn, uy tín lập các ĐTM. Sau đó, một tổ chức độc lập sẽ thẩm định ĐTM để tránh những tác động tiêu cực có thể có. Còn hiện nay, ĐTM do chủ đầu tư dự án bỏ tiền thuê các tổ chức môi trường thực hiện, nên hầu hết đều được “lái” theo ý muốn của chủ đầu tư.
Theo một chuyên gia, ở nhiều nước trên thế giới, ĐTM được lập từ khi có ý tưởng về dự án. Khi dự án được phê duyệt, đây sẽ là căn cứ để khi cần thì mang ra đối chứng. Xu hướng của thế giới hiện nay là khi dự án đi vào vận hành, họ giám sát bằng chương trình kiểm toán môi trường, một công cụ ghi chép khách quan, công khai các chỉ số môi trường, sự vận hành các thiết bị, cơ sở vật chất với mục đích quản lý môi trường và đánh giá sự tuân thủ các chính sách của công ty theo các tiêu chuẩn môi trường.
TS Tô Văn Trường đề xuất, chúng ta nên thực hiện phương pháp giám sát sinh học bằng các thuỷ sinh vật đặt tại đầu xả nước thải và theo dõi bằng camera. Nếu thấy cá chết là có vấn đề – thời điểm cá chết có thể thấy do quan sát trực tiếp hoặc qua xem lại dữ liệu. Chú trọng phát triển các phương pháp giám sát bằng tiêu chuẩn môi trường xung quanh.