Xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm: Cần đẩy nhanh chế tài hình sự
Bức xúc với câu chuyện một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Phước vứt hàng trăm xác heo thối sát thượng nguồn sông Sài Gòn, nhiều bạn đọc đề nghị cần xử lý mạnh tay với các doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm: Cần đẩy nhanh chế tài hình sự
Bức xúc với câu chuyện một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Phước vứt hàng trăm xác heo thối sát thượng nguồn sông Sài Gòn, nhiều bạn đọc đề nghị cần xử lý mạnh tay với các doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Số heo chết đang trong quá trình phân huy, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đen, giòi bọ lúc nhúc được quăng bừa bãi ra thượng nguồn sông Sài Gòn – Ảnh: B.L |
Những ngày qua, dư luận chưa hoàn hồn với vụ Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả chất thải ra biển thì nay lại đến Công ty TNHH nông sản Việt Phước (Bình Phước) vứt xác heo ngay sát thượng nguồn sông Sài Gòn, rồi Công ty cổ phần tơ lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) xả nước thải ra suối dân sinh. Và đây cũng chỉ là những điển hình của doanh nghiệp – pháp nhân thương mại – bị phát hiện có hành vi tàn phá môi trường.
Báo chí gần đây tiếp tục phát đi lời cảnh báo: Việt Nam có nguy cơ trở thành “thiên đường ô nhiễm”. Vấn đề là làm sao ngăn chặn các hành vi xâm phạm nghiêm trọng môi trường từ các doanh nghiệp này?
Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 nhưng đã phải hoãn lại) đã có những quy định mới, thể hiện sự tiến bộ so với trước, là có điều khoản xử lý với các pháp nhân thương mại xâm phạm môi trường. Theo điều 33 của bộ luật, pháp nhân thương mại phạm tội sẽ phải gánh chịu một trong các hình phạt chính (như: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn) và một hoặc một số hình phạt bổ sung (gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; và phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính).
Trong đó, hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là “chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra” (điều 79).
Đối chiếu với trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nêu trên, chúng ta thật khó chấp nhận việc ông Li Kuo Hui – tổng giám đốc Công ty Việt Phước – lý giải: “Cái lò thiêu của chúng tôi bị hỏng nên chúng tôi mới đổ ra đây. Tôi chỉ vừa nhậm chức giám đốc, tôi không biết gì cả. Lúc tôi đến đây, mọi việc đã diễn ra rồi”. Giả định ông ta vừa nhậm chức giám đốc thật thì điều này cũng không có nghĩa rằng trách nhiệm pháp nhân của Công ty Việt Phước không được xét đến.
Tuy nhiên, việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 đã đồng nghĩa với việc không truy cứu trách nhiệm hình sự của các pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường nói chung và của Công ty nông sản Việt Phước hay Công ty cổ phần tơ lụa Bảo Lộc nói riêng ngay tại thời điểm này.
Đến đây, ngay tại kỳ họp thứ nhất của mình, Quốc hội khoá XIV nên sớm ban hành văn bản thay thế nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và ba đạo luật khác có liên quan theo hướng chỉ đình chỉ các điều luật bị sai sót trong Bộ luật hình sự 2015, phần nào không bị sai sót thì vẫn có giá trị thi hành theo thời điểm có hiệu lực.
Thiết nghĩ đây là một trong những động thái tích cực thể hiện sự phản ứng nhanh nhạy và sự kiên quyết của Quốc hội khoá mới trong việc tạo cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi xâm phạm nghiêm trọng môi trường tại Việt Nam.
Phải xử mạnh tay * Nhìn hình ảnh (xác heo chết) mà thấy giật mình! Môi trường đang bị huỷ hoại một cách ghê gớm mà người dân là những người phải gánh chịu bởi cuộc sống bị ảnh hưởng. Phải xử mạnh tay đối với những doanh nghiệp phá hoại môi trường như thế này! * Sông Sài Gòn cung cấp phần lớn nước sạch cho người dân thành phố mà không đảm bảo vệ sinh môi trường nguồn nước thượng lưu và kiểm soát nước thải xả xuống dòng thì nguy cơ bệnh tật là rất lớn với sức khoẻ cộng đồng. Rất mong các cơ quan quản lý vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên. * Người dân chúng tôi ủng hộ những doanh nghiệp có tâm đến đầu tư và xây dựng Việt Nam, nhưng không bao giờ chúng tôi chấp nhận những người thiếu lương tâm đến tàn phá đất nước này. * Đề nghị di dời hoặc đóng cửa các doanh nghiệp xả thải ra sông Sài Gòn và sông Đồng Nai để bảo vệ cuộc sống của hàng triệu người sống nhờ vào nguồn nước hai con sông này. * Ủng hộ việc xử lý thật nặng hành vi gây ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của cả một cộng đồng dân cư lớn. Cũng rất cần truy cứu trách nhiệm với cán bộ lơ là, vô trách nhiệm với môi trường và sức khoẻ, tính mạng của hàng triệu cư dân sử dụng nước sông Sài Gòn. |