23/12/2024

Chúa Nhật XVI TN C – 2016: Cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa

Rất nhiều khi chúng ta chỉ chú ý đến công việc và hiệu quả cho Chúa, như cô Marta trong bài Tin Mừng hôm nay, nên không cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ như cô Maria.

 

Cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa  

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, tuy có vẻ mầu nhiệm nhưng hết sức sống động, để đem lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ. Tuy nhiên nền văn hoá thời đại hình như đang làm giảm giá trị của sự hiện diện này. Rất nhiều khi chúng ta chỉ chú ý đến công việc và hiệu quả cho Chúa, như cô Marta trong bài Tin Mừng hôm nay, nên không cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ như cô Maria. Vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu về sự hiện diện của Chúa trong đời sống thường ngày.

1. Tâm thế con người thời nay

1.1. Xem thường sự hiện diện và óc thực dụng

Chúng ta đang sống trong một thời đại có rất nhiều tiến bộ khoa học với những máy tự động và người ta dường như không cần đến sự hiện diện cụ thể của con người. Người ta có thể chỉ cần bỏ đồng tiền là có thể mua nước uống, gọi điện thoại, mua vé tàu xe mà không cần người bán có mặt. Người ta chỉ cần quẹt thẻ tín dụng là có thể mua hàng, rút tiền. Người ta chỉ cần bấm lệnh qua điện thoại là có thể đóng cửa, mở cửa, tưới cây, làm bao công việc trong nhà mà không cần phải có mặt tại chỗ. Những trận đá bóng Euro 2016 tổ chức ở nước Pháp trong cả tháng vừa qua cho ta thấy rằng: dù châu Âu cách xa chúng ta vài ngàn cây số, nhưng chúng ta không cần phải tốn mấy chục triệu mua vé sang Pháp, rồi phải mua vé vài triệu nữa để vào sân vận động xem tận mắt 1 trận bóng. Chúng ta chỉ cần mở tivi lên cũng xem được trận bóng thật rõ và đẹp hơn cả những người xem trực tiếp trên sân cỏ.

Hơn nữa, óc thực dụng của con người thời nay cũng xem thường sự hiện diện mà chỉ chú ý đến công việc và hiệu quả vật chất hơn là cảm nghiệm được hạnh phúc và những giá trị tinh thần của tình bạn, tình yêu, cảnh đẹp thiên nhiên…. Thí dụ đến ngày kỷ niệm sinh nhật của cha mẹ hay bạn bè, vì bận việc nên con cái, bạn bè gửi tín nhắn qua điện thoại, gửi hoá đơn quà tặng rồi nhờ công ty bán hàng qua mạng đem đến, và người ta nghĩ thế là lịch sự và đầy đủ rồi. Thậm chí với óc thực dụng, nhiểu người không cần người khác có mặt mà chỉ đánh giá nhau qua món quà đắt tiền, độc đáo không đụng hàng.

1.2. Ảnh hưởng đến đời sống đạo đức

Dần dần tâm thế xem thường sự hiện diện và thực dụng ấy cũng ảnh hưởng đến đời sống đạo đức của người tín hữu. Chúng ta đến dự lễ, rước lễ, đọc kinh, cầu nguyện và cảm thấy an tâm vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ người tín hữu đạo đức mà không quan tâm đến sự hiện diện của Chúa, chẳng cần tìm hiểu xem Chúa có vui lòng với những việc chúng ta làm không. Chúng ta đánh giá lòng đạo đức của nhau bằng việc mỗi ngày đọc cho Chúa bao nhiêu tràng chuỗi Lòng Thương Xót, lần cho Đức Mẹ bao nhiêu tràng chuỗi Mân Côi, có dự lễ Chúa Nhật đều đặn không, có xưng tội rước lễ thường xuyên không và chúng ta cảm thấy an lòng.

Nhiều khi óc thực dụng còn đi xa hơn nữa, nhất là đối với một số người trong Giáo Hội. Trong lịch sử thần học người ta từng tranh luận về hiệu quả của bí tích giữa 2 quan điểm là “opere operato” và “opere operantis”. Một hành động được thực hiện trọn vẹn (opere operato) là có hiệu quả tất yếu, không cần xét đến người thực hiện hành động ấy (operantis) có xứng đáng hay không. Thí dụ: một linh mục dâng thánh lễ đọc đầy đủ lời truyền phép là bánh rượu trở thành Mình Máu  thánh Chúa, vì chính Chúa Giêsu thực hiện hành động đó, chẳng cần biết linh mục ấy xứng đáng hay không hoặc người rước lễ lĩnh nhận như thế nào. Dần dần người tín hữu tin rằng mình dự lễ, rước lễ là làm đủ bổn phận vì linh mục đã hoàn thành bí tích với hiệu quả thật sự và quên mất sự hiện diện của Chúa. Do đó, đời sống của họ không phát huy được niềm vui, hạnh phúc, quyền năng nhờ sự kết hợp với Chúa.

2. Bài học về sự hiện hiện

Hiện diện trọn vẹn không phải chỉ là sự có mặt bên ngoài cho người khác thấy nhưng là một thái độ nội tâm, hướng cả con người mình về đối tượng mình gặp gỡ, là thực sự liên kết với đối tượng ấy để hoà nhập vào đời sống của nhau. Như thế ta hiểu rằng Chúa luôn có mặt bên ta nhưng ta lại không có mặt bên Chúa.

2.1. Ý nghĩa các bài Thánh Kinh

Các bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống của mình để cảm nghiệm được sự hiện diện tuy nhiệm mầu nhưng rất sống động của Thiên Chúa.

Trong Bài  đọc I (x. St 18,1-10), Abraham thấy Chúa đến và ông hết lòng yêu mến, tiếp đãi, rửa chân, dọn bữa, đứng hầu hạ Chúa như người đầy tớ. Chúa hiện ra với hình ảnh ba người khách tượng trưng cho Ba Ngôi. Trong sự hiện diện của Chúa, ông Abraham cảm nhận được hạnh phúc, bình an và ơn lành đặc biệt là bà Sara sang năm sẽ sinh con trai dù đôi vợ chồng ông đã già. Sự phục vụ này còn được cô Marta biểu lộ đối với Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng (x.Lc 10,38-42).

Thánh Phaolô trong bài đọc II (x. Cl 1,24-28) cũng nhắc nhở chúng ta về điều đó: “Chúa muốn cho chúng ta biết mầu nhiệm phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang“. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Khi Người hiện diện giữa chúng ta, Người mang lại cho chúng ta niềm vui, bình an và ơn cứu độ, cho chúng ta cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa nơi trần thế đầy căng thẳng và bất an này.

Tuy nhiên, sau vài thế kỷ đầu tiên nhấn mạnh đến sự hiện diện và cảm nghiệm được sự hiện diện đó, dần dần chúng ta quên mất sự có mặt của Chúa trong đời sống thường ngày. Chúng ta chỉ cố gắng làm những việc tối thiểu mà Hội Thánh mời gọi, bằng lòng với các bí tích, các việc đạo đức mà chúng ta tin tưởng rằng chính Chúa hành động trong đó và không còn thấy hứng thú để tìm gặp được Đấng Phục Sinh như các Tông đồ xưa. Việc ai đó kể lại rằng mình đã gặp được Chúa là một điều hoạ hiếm trong khi Chúa luôn ở ngay trước mặt con người.

2.2. Chọn phần tốt nhất là cảm nghiệm Chúa có mặt trong đời mình

Qua bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu muốn phá tan những quan niệm sai lầm ấy. Người nhắc nhở chúng ta đừng chỉ bắt chước cô Marta tất bật với biết bao công việc và hãnh diện rằng mình đang phục vụ Chúa Giêsu bằng những món ăn nói lên sự tiếp đãi ân cần. Nhưng hãy noi gương cô Maria đã chọn phần tốt nhất vì cô ngồi bên chân Chúa, lắng nghe lời Người, cảm nhận được niềm hạnh phúc đang được ở bên Đức Giêsu. Nhận ra được sự hiện diện gần gũi và thân thiết của Chúa sẽ dẫn ta vào sự hiệp thông trong tình yêu, làm cho ta cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ của Người. Từ đó, ta mới có thể chuyển thông niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho người khác, vật khác. Đó mới là phần tốt nhật của người tín hữu trong cuộc sống tạm bợ này.

Vì thế, chúng ta hãy nhìn lại xem có phải đời sống của mỗi người chúng ta đang lệ thuộc vào những hành động mà chúng ta đang làm cho Chúa, cho người với bao nhiêu công việc đạo đức, bác ái, từ thiện để ta tính công với Chúa không? Hay là chúng ta đang cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Người với những ân phúc Người ban để rồi chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô cho thế giới hôm nay. Đây là nội dung cần thiết mà thánh Phaolô đã dành cả cuộc đời thực hiện và nhắc nhở chúng ta hôm nay: “Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô”.

Lời kết

Chính trong tinh thần đó, Giáo Hội mời gọi chúng ta thay đổi thái độ, vượt thoát khỏi tâm thế không cần sự hiện diện và thực dụng để luôn có mặt với Chúa Giêsu ngay trong mỗi giây phút cuộc đời. Sự hiện diện này giúp ta hoà nhập với mọi người, nhất là với những người nghèo khó, tàn tật quanh ta.