Với tốc độ phát triển của công nghệ, Nghị viện châu Âu đang nghiêm túc cân nhắc những đề xuất nhằm quy định khung pháp lý đối với các hành động độc lập của rô bốt trong tương lai.
Viễn cảnh ‘người điện tử’
Với tốc độ phát triển của công nghệ, Nghị viện châu Âu đang nghiêm túc cân nhắc những đề xuất nhằm quy định khung pháp lý đối với các hành động độc lập của rô bốt trong tương lai.
“Luật người máy” nghe qua có vẻ như là một thuật ngữ xuất phát từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, với việc liệt kê chi tiết những phát hiện công nghệ và kỹ thuật trong nỗ lực tạo ra trí thông minh nhân tạo. Tuy nhiên, đó thật sự là một dự luật do nghị sĩ Nghị viện châu Âu đại diện Luxembourg, bà Mady Delvaux, Chủ tịch Uỷ ban Quy định luật về người máy và trí thông minh nhân tạo, soạn thảo và đệ trình với mục tiêu đấu tranh giành những quyền cụ thể cho rô bốt như là “những con người điện tử”.
Trong khi một số điểm có hơi hướm giống kịch bản phim Hollywood, tựu trung dự thảo cũng chứa những đề xuất hợp lý và theo thời gian có thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi trí thông minh nhân tạo ngày càng phát triển hơn trước.
Không phải lúc nào cũng có kiến nghị đề cập mọi thứ phi nhân loại như Frankenstein, Pygmalion (nhân vật trong thần thoại Hy Lạp đem lòng yêu một bức tượng do mình điêu khắc) và rô bốt Golem trong phim viễn tưởng. Trên thực tế, nội dung kiến nghị đã chỉ ra những điểm cần phải làm hoặc các mối bận tâm của những người đang làm việc trong lĩnh vực rô bốt học nhằm chế tạo ra người máy.
Như báo cáo của nghị sĩ Delvaux đã nói rõ, con người chúng ta có thể đang ở trên bờ vực của một cuộc cách mạng mới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc các hoạt động về người máy dưới góc độ pháp lý, đặc biệt khi trí thông minh nhân tạo đạt đến mức một cỗ máy có thể chịu trách nhiệm một phần hoặc toàn phần về hành động hoặc sai sót của mình.
Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu rô bốt có nên được trao địa vị về pháp lý hay không, và theo thời gian, phải chăng quyết định của các cỗ máy nên được nhìn nhận như là “các nhân cách điện tử” trong những trường hợp khi mà quyết định của chúng và các tương tác của bên thứ ba được thực hiện không có sự can thiệp của con người.
Bên cạnh những suy đoán về việc các cường quốc thế giới cần phải đối phó như thế nào trước sự tấn công của quân đội người máy nếu cứ tiếp tục thúc đẩy việc phát triển trí thông minh nhân tạo (một viễn cảnh mà Hollywood đang khai thác triệt để trong phim ảnh), những đề xuất chủ chốt trong báo cáo cũng đưa ra những khía cạnh đạo đức quan trọng để Nghị viện châu Âu có thể cân nhắc.
Chẳng hạn, những tổ chức sử dụng rô bốt thay thế nhân lực cần phải công khai những khoản tiết kiệm được từ hành động này vì mục đích nộp thuế; chủ sở hữu hoặc người điều khiển rô bốt buộc phải trả những khoản tiền dưới dạng bảo hiểm xã hội để sẵn sàng chi trả cho bất cứ phí tổn nào xuất hiện do hành động độc lập của rô bốt; cũng như vạch ra trách nhiệm pháp lý có thể trong các hành động của người máy.
Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu có nên áp dụng hoặc bác bỏ những đề xuất trong “Luật người máy”. Tất nhiên, trước khi đi đến quyết định cuối cùng, nhiều người dự kiến sẽ diễn ra các cuộc tranh luận nảy lửa do nhiều hãng công nghệ từng cho rằng nếu áp đặt quá nhiều luật lệ đối với rô bốt trong tương lai thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc nghiên cứu và phát triển trí thông minh nhân tạo.