27/12/2024

Vắt cạn máu đào vì người dưng

Có ba gia đình tại TP Đà Nẵng đã hiến máu tổng cộng 262 lần cho những người mà họ chưa từng quen biết.

 

Vắt cạn máu đào vì người dưng

 

Có ba gia đình tại TP Đà Nẵng đã hiến máu tổng cộng 262 lần cho những người mà họ chưa từng quen biết. 

 

 

 

 

Vắt cạn máu đào vì người dưng
Anh Thi Lý Bình (đứng) – Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 

Có người hiến máu đến 60 lần, với tổng lượng máu cho đi gấp ba lần lượng máu trong một cơ thể bình thường.

“Mình phải làm gương hiến máu trước thì mới vận động được người thân. Mà người thân và gia đình mình cùng hiến máu thì hàng xóm và xã hội mới thấy và cùng nhau hiến máu cứu người được

Anh Thi Lý Bình

Họ đi hiến máu bất chấp nửa đêm, gà gáy, lúc đứng trưa hay trong dông bão. Miễn có người cần máu là họ lên đường không cần nghĩ ngợi, âu lo… Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định tặng bằng khen cho những cống hiến âm thầm của họ vì nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người.

Đại gia đình hiến máu

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên đường Ngô Chân Lưu, (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là nơi trú ngụ của vợ chồng anh Thi Lý Bình. Trên bức tường trắng ở phòng khách chi chít những tấm bằng khen và hình ảnh anh được cán bộ cấp cao tặng quà vì thành tích hiến máu nhân đạo cứu người.

Anh Bình cho biết mình rất vui khi hay tin Thủ tướng tặng bằng khen. “Hành động hiến máu cứu người của tôi và những thành viên trong gia đình chỉ là muốn góp phần cho cuộc sống này tốt đẹp hơn mà thôi.

Bây giờ ở tuổi 36, mình mập lên nhìn vậy, chứ lúc trước có 50kg thôi nhưng nghe anh em gọi là đi hiến máu. Nhiều lúc trốn cha mẹ để hiến máu vì ông bà không hiểu lại đâm ra âu lo” – anh Bình kể.

Anh Bình cùng vợ đều làm trong ngành y tại Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng, hơn ai hết anh thấu hiểu và chia sẻ những đau đớn của người bệnh. Càng biết rõ giá trị của từng giọt máu cho đi để cứu những mạng người cấp thiết nên anh chị quyết định vận động người thân trong gia đình mình hiến máu.

Riêng bản thân anh Bình đã 58 lần hiến máu, nhưng đặc biệt có đến 36 lần hiến máu đột xuất. “Mình phải làm gương hiến máu trước thì mới vận động được người thân. Mà người thân và gia đình mình cùng hiến máu thì hàng xóm và xã hội mới thấy và cùng nhau hiến máu cứu người được” – anh Bình chia sẻ.

Chị Thảo, vợ anh Bình, cho biết trừ hai con nhỏ của anh chị ra thì hầu hết các thành viên trong gia đình ai khoẻ mạnh đều cùng nhau hiến máu. Năm anh em ruột của anh Bình, em vợ, em rể, em dâu, chị dâu trong đại gia đình đã 110 lần đến bệnh viện hiến máu cứu người.

Nhấp chén trà, anh Bình cười bảo: “Tất nhiên mình có cả một câu lạc bộ hiến máu nhưng trường hợp bệnh viện cần máu nóng, nhất là lúc nửa đêm, mưa bão, khi đó gọi anh em hơi khó vì vậy gọi người thân trong gia đình đi hiến máu là nhanh nhất”.

Anh Bình kể đã chấp nhận hiến máu nóng cứu người thì việc đầu tiên là điện thoại không bao giờ tắt máy. Bất kể lúc nào bệnh viện cần là phải có mặt.

“Nhiều gia đình khi mình hiến máu thì người thân có đến thăm, họ nói lời cảm ơn, an ủi, nhưng thông tin cá nhân thì hầu hết anh em không để lại bao giờ. Gia đình tôi cũng thống nhất rằng không vì giọt máu ân tình mà để người bệnh cảm thấy nặng lòng với những người đã cho mình máu” – anh Bình tâm sự.

Nửa đêm chở vợ 
hiến máu cứu người

Không kém cạnh thành tích hiến máu của gia đình anh Bình, gia đình ông Trương Ngọc Dũng (50 tuổi, phường Bình Thuận, quận Hải Châu) cũng có đến 9 người hiến máu, với tổng cộng gần 100 lượt cho đi.

Khác với anh Bình, ông Dũng là người đàn ông nhỏ thó, khô ráp chỉ nặng hơn 50kg. Điều duy nhất đọng lại ở người đàn ông này là ánh mắt sáng, khuôn mặt rạng rỡ tươi cười. Xuất thân từ cán bộ Đoàn, làm công tác Đoàn từ những năm 1990 của Thành đoàn TP Đà Nẵng, trong công tác hiến máu ông Dũng luôn đi đầu.

Ông Dũng kể việc hiến máu cứu người với gia đình ông được xem như việc làm thiện nguyện hằng tháng. Vợ ông, dược sĩ Nguyễn Thị Sinh, cũng đều đặn theo ông đi hiến máu lúc cần. Việc hiến máu của ông có khi rất bất chợt.

Có hôm hai vợ chồng đi đến bệnh viện thăm bà con bị bệnh, thấy đứa trẻ con của một gia đình nghèo từ huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) ra cấp cứu nhưng thiếu máu, ông Dũng lại lao vào.

“Tôi bảo vợ đứng chờ, xắn tay áo cho bác sĩ tiêm kim vào hút. Hút xong máu không sử dụng được. Tôi bèn thuyết phục cô gái bên cạnh hiến máu để cứu cháu nhỏ. Hai chú cháu hiến máu xong ai nấy đều tươi cười” – ông kể.

Cách đây ba năm, nửa đêm mưa gió như trút, điện thoại đổ chuông liên hồi gọi hiến máu cứu người bị thương khẩn cấp. Ông Dũng liền lay vợ đang ngủ, bảo: “Em ơi! Đến bệnh viện cùng anh”. Hai vợ chồng dắt díu nhau đi trong mưa gió tới bệnh viện, hiến máu xong thì trời vừa sáng.

Thủ lĩnh ngân hàng 
máu sống

Cùng với anh Bình, ông Dũng, ông Đoàn Văn H (49 tuổi, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Đà Nẵng) là một trong ba người được Thủ tướng khen trong đợt này. Là người vận động hơn 4.300 lượt người hiến máu, bản thân ông Hoà cũng không dưới 30 lần hiến máu, nhưng ông không muốn nói về công trạng của mình.

Ông Hòa nói việc hiến máu nhân đạo ở TP Đà Nẵng luôn đi đầu trong cả nước nhiều năm qua, máu lúc nào cũng dư là nhờ sự dâng hiến tận tâm của những người dân sống trong TP này.

Những người làm công tác thanh niên thời ông Hòa giờ có rất nhiều người đã thăng tiến xa, nhưng ông vẫn ở đây vì yêu thích công việc của mình. Gia tài của ông H còn lại không gì hơn là hàng chục nhóm tình nguyện với danh sách hàng ngàn tình nguyện viên sẵn sàng hiến máu.

Các bệnh viện lớn, nhỏ tại TP Đà Nẵng bây giờ cần máu thì ông là người họ gọi đầu tiên. Ngoài công việc chuyên môn ở Hội Chữ thập đỏ, công việc còn lại của ông H là lên kế hoạch hiến máu hằng năm, hằng tháng và lịch dự trữ máu cho TP.

“Mỗi tháng TP cần ít nhất 3.000 đơn vị máu. Nhưng cái khó là phân loại các nhóm máu và lượng người dự trữ sẵn sàng cho. Đặc biệt là các nhóm máu hiếm như RH(-), RH(+). Nhất là trước và sau tết là những ngày tháng căng thẳng về nhu cầu máu nên mọi thứ phải tính toán, cân nhắc…” – ông H chia sẻ.

Cũng như những tình nguyện viên khác, các thành viên trong gia đình ông Hoà cũng đều là người cho máu rất nhiều lần. Có đêm một bệnh nhân ở Bệnh viện Sản nhi cần tiểu cầu và để cho tiểu cầu cần ít nhất bốn người hiến máu.

Đã có ba tình nguyện viên ở bệnh viện, bệnh nhân lại cần gấp, cô em gái ông H sáng sớm mai phải làm cô dâu trong lễ cưới nhưng vẫn theo ông qua bệnh viện hiến máu cứu người.

Miệt mài 20 năm

Hơn 20 năm qua, từ lúc chiếc điện thoại bàn, sau này có điện thoại di động, bất chấp việc gì xảy ra thì ông Hoà vẫn phải trực chiến 100% để nghe gọi điện thoại. Khi các tình nguyện viên đến hiến máu, ông Hoà cũng phải đến bệnh viện để ngồi bên cạnh. Dù tiền xăng hỗ trợ cho ông mỗi tháng 300.000 đồng, tiền điện thoại mỗi tháng 150.000 đồng, nhưng điện thoại của ông phải không được hết tiền, hết pin.

Xăng lúc nào cũng đủ để chạy bất kể đêm ngày. Một người bạn của ông Hòa bảo: “Với năng lực của ông ấy thừa sức làm cho các công ty lớn, tổ chức sự kiện, lương cao ngất nhưng ông vẫn miệt mài với công việc của mình. Hết đi vận động nơi này qua nơi khác, tất cả vì giọt máu hồng cho người dưng”.

TẤN VŨ