Sự sống sau cái chết ?
Nghiên cứu mới của các chuyên gia Mỹ đã tiết lộ sự thật bất ngờ đằng sau hoạt động của những gien kể từ thời điểm sự sống bị rút khỏi cơ thể.
Sự sống sau cái chết ?
Nghiên cứu mới của các chuyên gia Mỹ đã tiết lộ sự thật bất ngờ đằng sau hoạt động của những gien kể từ thời điểm sự sống bị rút khỏi cơ thể.
Liệu có sự sống sau khi chết là câu hỏi luôn quanh quẩn trong đầu óc con người qua bao nhiêu thế hệ. Giờ đây, giới nghiên cứu phát hiện các gien ở một loài động vật vẫn có thể “sống” tối đa 4 ngày sau khi hồn rời khỏi xác, theo tạp chí Science.
Một số gien, bao gồm loại hỗ trợ việc tạo ra phôi thai và nhóm liên quan đến ung thư, thậm chí vẫn tiếp tục được kích hoạt hoặc trở nên tích cực hơn sau cái chết. Do vậy, cuộc nghiên cứu này hứa hẹn sẽ cung cấp thông tin có lợi cho nhiều lĩnh vực áp dụng, chẳng hạn như giảm nguy cơ ung thư sau khi cấy ghép nội tạng hoặc bộ phận cơ thể, hoặc hỗ trợ giới chuyên gia pháp y phát hiện thời gian tử vong của nạn nhân trong các vụ án mạng.
Thí nghiệm đột phá
Giáo sư Peter Noble của Đại học Washington (Mỹ), một trong các nhà khoa học tham gia dự án, giải thích cuộc nghiên cứu ban đầu là một thí nghiệm nhằm tìm lời giải cho sự tò mò rằng điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể mất đi sự sống.
“Chúng ta có lẽ sẽ thu được nhiều thông tin về cuộc sống bằng việc nghiên cứu cái chết”, Giáo sư Noble chỉ ra. Thế là nhóm của ông bắt đầu phân tích xác chuột và cá ngựa vằn với hơn 1.000 gien, cụ thể là 1.063 gien, kể từ thời điểm cái chết ập đến. Những thay đổi trong gien được ghi nhận tối đa đến 4 ngày đối với cá ngựa vằn và 2 ngày trong trường hợp của chuột.
“Lúc đầu, chúng tôi chỉ nghĩ rằng cái chết đột ngột ở một loài động vật có xương sống cũng tương tự trường hợp một chiếc ô tô đang chạy băng băng trên đường cao tốc và hết xăng. Trong một thời gian ngắn, các pít tông của động cơ sẽ tiếp tục di chuyển lên xuống và buji sẽ nháy lên, nhưng cuối cùng chiếc xe buộc phải ngừng lại và “chết”,” theo mô tả của các nhà nghiên cứu trên website bioRxiv.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy hàng trăm gien vẫn tiếp tục tăng cường điều chỉnh nhiều giờ sau khi chết, với một số còn “sống” đến vài ngày. Nếu một số gien góp phần trong việc kích thích hệ miễn dịch hoặc đối phó với stress, những gien khác lại thuộc nhóm phát triển, như tạo ra phôi thai, khiến các chuyên gia vô cùng ngạc nhiên.
Kết quả cuộc nghiên cứu có thể tiết lộ nhiều thông tin hữu ích trong việc bảo quản tốt hơn các cơ quan nội tạng của người đã khuất cho các cuộc phẫu thuật cấy ghép sau đó. Đồng thời, những thay đổi ở gien có thể được sử dụng để dự đoán chính xác thời gian qua đời của nạn nhân, cải thiện phương pháp hiện nay vốn vẫn còn nhiều thiếu sót.
Phi Yến