Cứu bé gái, 4 phụ nữ lái xe máy qua 10 nước
Một nhóm phụ nữ người Ấn Độ độ tuổi từ 27-35 đang tiếp tục hành trình qua 10 nước châu Á bằng xe máy phân khối lớn, sau khi ghé thăm Việt Nam hai ngày.
Cứu bé gái, 4 phụ nữ lái xe máy qua 10 nước
Một nhóm phụ nữ người Ấn Độ độ tuổi từ 27-35 đang tiếp tục hành trình qua 10 nước châu Á bằng xe máy phân khối lớn, sau khi ghé thăm Việt Nam hai ngày.
Nhóm Biking Queens thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP.HCM -Ảnh: Biking Queens |
Nhiều người hỏi tôi có phải đang thực hiện trao quyền cho phụ nữ, tôi luôn bảo không, vì phụ nữ vốn đã rất có quyền rồi, họ chẳng phải là người rất quan trọng trong gia đình đó sao? |
Trưởng nhóm SARIKA J. MEHTA |
Bốn thành viên nhóm Biking Queens gồm Sarika J. Mehta, Khyati N. Desai, Yugma J. Desai và Durriya M. Tapia bắt đầu chuyến hành trình kéo dài 40 ngày của mình từ Surat, Ấn Độ hồi đầu tháng, dự kiến đi qua Đông Bắc Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Singapore.
Tại Việt Nam, đoàn di chuyển tổng đoạn đường dài 1.500km, sau khi đến từ Lào qua cửa khẩu biên giới Gia Lai, và vừa rời TP.HCM cuối tuần qua.
Chuyến đi do WHO và Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ, được thực hiện nhằm tuyên truyền cho chiến dịch “Beti Bachao, Beti Padhao” (tạm dịch là Hãy cứu và giáo dục bé gái) do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi xướng để nâng cao ý thức về phúc lợi cho phụ nữ.
Các cô gái Ấn Độ chạy xe môtô xuyên rừng ở Gia Lai (Việt Nam) – Ảnh: Biking Queens |
Phụ nữ không phải là gánh nặng
“Tại nhiều nơi, tôi thấy xã hội và gia đình vẫn coi các bé gái là gánh nặng của họ, chúng tôi muốn giáo dục các em biết rằng mình không phải là gánh nặng, và các em có thể tự lo cho cuộc sống của mình” – tiến sĩ Sarika J. Mehta, thành viên Hiệp hội Tâm lý Mỹ, trưởng nhóm Biking Queens, chia sẻ với Tuổi Trẻ khi đoàn ghé thăm TP.HCM.
Tại các nước mình đi qua, nhóm gặp gỡ chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các hội nhóm hoạt động vì phụ nữ để tuyên truyền cho chiến dịch, cũng như đóng góp dụng cụ học tập cho các trường còn thiếu thốn.
Trong thời gian ở Việt Nam, nhóm đã gặp gỡ Hội Phụ nữ Việt Nam tại TP.HCM, trao đổi quan điểm về phát triển năng lực, phúc lợi, biện pháp hỗ trợ đối với phụ nữ và vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình, xã hội. Ngoài ra, nhóm còn có một số hoạt động giao lưu với cộng đồng nữ lái xe ở thành phố.
“Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu của dự án, giai đoạn thứ 2 chúng tôi sẽ quay lại các nước trong hành trình và ở lại lâu hơn, thực hiện nhiều công trình xã hội hơn” – Sarika J. Mehta nói.
Không có gì phải sợ
Biking Queens cho biết phản ứng nhóm thường gặp là mọi người rất ngạc nhiên khi biết phụ nữ Ấn Độ lại có thể đi xe máy phân khối lớn qua 10 quốc gia. Trước khi bắt đầu, nhóm có nghe nhiều người nói về chuyện nguy hiểm trên đường đi, bị “hù dọa” rằng đi qua các nước sẽ chẳng được ai ủng hộ hay thậm chí còn có thể gặp rắc rối nữa. “Nhưng sự thật khác hoàn toàn, chúng tôi nhận được sự ủng hộ cực lớn từ mọi người”, các bạn tươi cười chia sẻ.
Ngoài sự ủng hộ từ chính quyền và cơ quan đại diện ở Ấn Độ tại các nước, nhiều đoạn còn có xe hộ tống của sứ quán, nhóm còn nhận được sự giúp đỡ từ người dân địa phương.
“Mới hôm qua thôi, sau khi qua biên giới từ Lào vào Việt Nam, phương tiện của chúng tôi gặp sự cố không thể di chuyển được. May mắn làm sao là lúc đó chúng tôi đi ngang một ngôi làng và bạn biết không, một người đàn ông trong làng đã chất xe chúng tôi lên xe của ông ấy và chở đi được hơn 40km. Ông ấy còn đãi đồ ăn chay khi biết chúng tôi là người ăn chay nữa. Thật tốt bụng” – Sarika kể.
Trước đó, nhóm còn được gần 5.000 người chạy xe môtô hộ tống hơn 25km đầu tiên khi họ bắt đầu hành trình từ Ấn Độ. Dù hai lần bị tai nạn hư xe ở Bhutan và Ấn Độ, bị kẹt trong rừng, không tìm được chỗ trú ban đêm do lở đường, chạy xe trong mưa lớn và sương mù, các cô gái Biking Queens vẫn hào hứng gọi đó là những thử thách mà họ đã vượt qua và “học được rất nhiều thứ”.
Hãy bước ra khỏi vùng an toàn Sarika J. Mehta tâm sự cô bắt đầu đến với xe môtô phân khối lớn cách đây hơn hai năm sau khi thấy nhiều đàn ông ở Ấn lái các loại xe môtô thể thao, nhưng bạn bè bảo “phụ nữ không lái được xe to đâu”. “Lúc đó tôi nghĩ đàn ông và phụ nữ cớ gì lại có sự phân biệt như vậy? Thế là tôi quyết chí tập lái môtô” – cô nhớ lại. Chính thức được thành lập vào tháng 8-2015, Biking Queens đến nay thu hút khoảng 50 thành viên. “Chúng tôi còn lái xe vì muốn truyền tải thông điệp sống với đam mê. Nếu các bạn gái dám bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình, họ sẽ làm được rất nhiều điều kỳ diệu” – Sarika J. Mehta gửi gắm. |