27/12/2024

Biến đổi khí hậu và sức khoẻ 
con người

Biến đổi khí hậu, sức khoẻ và khoa học là những chủ đề được bàn luận sôi nổi trong ngày thứ hai của hội thảo “Khoa học cơ bản và xã hội”, nằm trong khuôn khổ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định) hôm 8-7.

 

Biến đổi khí hậu và sức khoẻ 
con người

 

Biến đổi khí hậu, sức khoẻ và khoa học là những chủ đề được bàn luận sôi nổi trong ngày thứ hai của hội thảo “Khoa học cơ bản và xã hội”, nằm trong khuôn khổ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định) hôm 8-7.

 

 

 

Biến đổi khí hậu và sức khỏe 
con người
Các nhà khoa học quốc tế chăm chú nghiên cứu tài liệu để thảo luận trong buổi hội thảo về biến đổi khí hậu vào sáng 8-7 tại Quy Nhơn – Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

“Năm 2015 là năm nóng nhất của Trái đất kể từ sau El Nino năm 1850” – giáo sư Jean Jouzel, phó chủ tịch Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc (IPCC), mở đầu hội thảo bằng số liệu của IPCC.

Cảnh báo hiện tượng nóng lên ở Việt Nam

Theo báo cáo của IPCC, 95% nguyên nhân gây hiện tượng nóng lên toàn cầu là do hoạt động của con người, trong đó đáng kể nhất là khí thải nhà kính. IPCC dự đoán đến trước năm 2100, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 3oC và mực nước biển sẽ tăng thêm 65cm.

Theo ông Jouzel, dù con người đã có nhiều nỗ lực làm giảm sự nóng lên toàn cầu, như các nước ký cam kết không làm tăng nhiệt độ quá 2oC (tại hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu ở Paris), nhưng vẫn còn quá nhiều điều phải làm để đạt được mục tiêu đó.

Hiện tại, con người đã thải ra đến 70% lượng carbon cho phép. Nếu lượng phát thải không giảm, nhiều hậu quả khốc liệt như hạn hán, lũ lụt, mực nước biển tăng, đại dương bị oxit hoá hay nạn di cư vì khí hậu… sẽ là chuyện không thể ngăn ngừa – giáo sư Jouzel nhấn mạnh.

Ông Trần Thục – nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam – cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng nóng lên ở Việt Nam. Theo ông Thục, từ năm 1958 – 2014 nhiệt độ trung bình ở Việt Nam đã tăng lên 0,62oC, lượng mưa tăng nhiều ở các tỉnh miền Nam (6,9% – 19,8%).

Bên cạnh đó, số lượng ngày nóng trong năm tăng lên 34 ngày trong 10 năm qua, số lượng các cơn bão cũng tăng nhiều. Lũ quét cũng có sự gia tăng mạnh mẽ, giai đoạn 1981 – 1990 chỉ có 8 trận, nhưng sau đó tăng lên đến 182 trận giai đoạn 2001 – 2013. Mực nước biển cũng tăng 2,45 mm/năm, chỉ riêng giai đoạn 1989 – 2014 tăng 3,24 mm/năm.

Câu chuyện sức khoẻ

Ngoài những hậu quả về thiên tai, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là gia tăng các bệnh lây truyền do muỗi.

Ông Robert Sebbag, phó chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn dược phẩm Sanofi – Aventis (Pháp), phát biểu: đã xuất hiện những mầm bệnh có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào và chúng có nguồn gốc sâu xa từ biến đổi khí hậu.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đã thúc đẩy sự phát triển của các loài muỗi, làm tăng nguy cơ bệnh sốt xuất huyết, sốt rét… Ngoài ra còn có mối nghi ngờ rằng biến đổi khí hậu khiến các dạng bệnh như dị ứng, lao có chiều hướng phát triển mới, sinh ra biến thể mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Socorro Escalante, cố vấn Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đề cập tới tác động của biến đổi khí hậu lên những khu vực bị hạn hán. “Hiện tại có 18 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Việt Nam, cuộc sống của hơn 1,7 triệu người bị ảnh hưởng” – bà Escalante nói.

Đầu tư nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân

Bà Socorro Escalante cho biết trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, việc các nhà khoa học cần làm là đầu tư nghiên cứu con đường lây lan của các loại bệnh, xu hướng bệnh, nguồn gốc, cách ngăn ngừa…

“Tôi nghĩ nhiều nghiên cứu cần phải thực hiện ngay” – bà nói. Trước đó, bà chia sẻ trong hội thảo rằng WHO cam kết tìm ra các giải pháp, nhưng hiện nay rất cần các phát kiến khoa học và ứng dụng khoa học.

Tương tự, ông Jean – François Bach, tổng thư ký Viện hàn lâm Khoa học Pháp, cũng cho rằng các nhà khoa học Việt Nam nên tập trung vào việc nghiên cứu nguyên nhân các loại bệnh. “Nếu các bạn có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư cao, điều quan trọng là phải biết vì sao ở Việt Nam lại bị như vậy: do gen, môi trường hay virút… Tìm hiểu và sau đó hãy hành động…” – ông Jean – François Bach chia sẻ.

GS Trịnh Xuân Thuận dành 3 cuộc chuyện trò với bạn đọc TP.HCM

Nhân chuyến về Việt Nam năm nay, GS vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận sẽ có liên tiếp ba cuộc giao lưu với bạn đọc tại TP.HCM: 9g chủ nhật 10-7 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM; 18g thứ ba 12-7 tại khán phòng Idecaf, 28 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM và 9g thứ tư 13-7 tại hội trường A5 Đại học Bách khoa.

Buổi đầu tiên gặp bạn đọc tại Đường sách, GS Trịnh Xuân Thuận sẽ nói chuyện về đề tài “Sách và nhà khoa học”, đồng thời tặng chữ ký cho bạn đọc. Tại khán phòng Idecaf, GS Trịnh Xuân Thuận sẽ trò chuyện về “Nguồn gốc vũ trụ”. Cùng đến buổi giao lưu còn có khách mời là các nhà khoa học, dịch giả, chủ biên tủ sách Khoa học – khám phá của Nhà xuất bản Trẻ.

Buổi giao lưu cuối cùng của đợt này là cuộc gặp gỡ với sinh viên Đại học Bách khoa tại hội trường A5. GS Trịnh Xuân Thuận sẽ giúp sinh viên tiếp cận với các tri thức vật lý thiên văn mới, giới thiệu tầm quan trọng của vật lý thiên văn trong tình hình phát triển khoa học của Việt Nam và thế giới.

LAM ĐIỀN

HỒNG NHUNG – NGỌC ĐÔNG ([email protected])