26/12/2024

Ba chị em bước qua nỗi đau

Cuộc sống khốn khó nhưng ba chị em Thảo Nguyên luôn cháy bỏng khát khao được cắp sách đến trường…

 

Ba chị em bước qua nỗi đau

Cuộc sống khốn khó nhưng ba chị em Thảo Nguyên luôn cháy bỏng khát khao được cắp sách đến trường…

 

 

 

Ba chị em bước qua nỗi đau
Dù khó khăn nhưng ba chị em Thảo Nguyên vẫn quyết tâm học giỏi để thực hiện mơ ước của mình – Ảnh: N.LINH

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, 16 tuổi, Trần Thị Thảo Nguyên (thôn Giáp Thượng 1, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) thay cha mẹ chăm sóc hai em ăn học.

Nhiều lần chúng tôi về thôn Giáp Thượng 1 để tìm gặp Thảo Nguyên nhưng không được. Có ngày Thảo Nguyên đi bán sim điện thoại dạo, lúc thì đi phục vụ chạy bàn cho nhà hàng tiệc cưới, có hôm Nguyên đi dạy thêm. Bà con lối xóm cho biết từ khi mất mẹ cha, Thảo Nguyên phải chạy như con thoi, đi học rồi đi làm thêm từ mờ sáng đến tối mịt mới về nhà.

Chúng tôi gặp Thảo Nguyên khi em vừa chở em gái Kiều Trinh đi thi THPT ở TP Huế trở về. Căn nhà của ba chị em trở nên ấm áp, rôm rả tiếng cười bởi Kiều Trinh làm bài thi khá tốt.

Tuổi thơ bất hạnh

Thảo Nguyên kể mẹ em bị bệnh ung thư vú và qua đời lúc em 14 tuổi, Kiều Trinh 11 tuổi, còn em gái út Trần Thị Thúy Vi chưa đầy 7 tuổi. “Những ngày mới mất mẹ, ba chị em thật sự khủng hoảng, trống vắng. Thúy Vi nhớ mẹ khóc suốt đêm. Nhiều đêm ba chị em ôm nhau khóc, cầu mong mẹ trở về” – Thảo Nguyên nhớ lại.

Hai năm sau tai họa lại giáng xuống cuộc đời chị em Thảo Nguyên khi người cha – chỗ dựa duy nhất của gia đình – cũng từ giã cõi đời ở tuổi 49 vì ung thư gan. Vậy là 16 tuổi, Thảo Nguyên trở thành “chủ hộ”, thay cha mẹ chăm sóc hai em ăn học. Cuộc sống khốn khó đã giúp Thảo Nguyên sống mạnh mẽ, luôn là chỗ dựa vững chắc cho hai em.

Hôm cha Thảo Nguyên mất, ai đến thăm viếng đều rơi nước mắt khi thấy ba đứa trẻ ngây thơ phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Căn nhà tình nghĩa của ba chị em chỉ mới xây xong phần thô, chưa đủ tiền làm cửa, tô tường thì người cha đã ra đi.

Thương ba đưa cháu gái bất hạnh, người cô ruột Trần Thị Diệp đã chuyển đến ở cùng để căn nhà bớt quạnh hiu, cũng để bù đắp tình cảm cho các cháu lúc khuất bóng mẹ cha. Nhờ đó ba chị em tự tin tiếp tục tới trường.

Nuôi ước mơ đổi đời

Người dân thôn Giáp Thượng 1 thường tấm tắc khen ngợi tấm gương vượt khó, ngoan hiền, học giỏi của ba chị em mồ côi. Suốt những năm học phổ thông, dù bươn chải lo cho các em nhưng Thảo Nguyên luôn đạt học sinh khá giỏi. Năm 2013, Nguyên thi đậu vào khoa ngữ văn Trường ĐH Khoa học Huế.

Hai năm nay, cô em Kiều Trinh cũng theo chị đi giúp việc ở tiệc cưới kiếm tiền mua bút sách, nuôi ước mơ. Còn cô út Thúy Vi sau giờ học là lao vào lo toan việc nhà, bếp núc. Sống trong khốn khó nhưng ba chị em đều học giỏi, tự tin và nuôi những ước mơ thật đẹp.

Thầy giáo Trần Hưng Ba, chủ tịch Hội chữ thập đỏ Trường THPT Đặng Huy Trứ (thị xã Hương Trà), chia sẻ: “Mất cha mẹ từ nhỏ, côi cút nhưng cả ba chị em đã có nghị lực rất lớn, đều ngoan hiền, học giỏi; đặc biệt các em có tính tự lập và đầy khát vọng để đổi thay số phận”.

Với ước mơ trở thành luật sư, Kiều Trinh dự định đăng ký thi vào Trường đại học Luật Huế. Năm nay cũng là năm thứ chín liên tiếp Thúy Vi đạt học sinh giỏi, em ấp ủ ước mơ trở thành nữ cảnh sát điều tra.

Lúc chia tay, Thảo Nguyên thủ thỉ: “Người ta còn cha, còn mẹ để mà nũng nịu, để được chăm sóc yêu thương, nhưng chị em em thì không được may mắn như vậy. Nhưng số phận đã sắp đặt, biết oán trách ai! Giờ em chỉ cầu trời cho ba chị em được bình an bên nhau để phấn đấu cho một tương lai tốt đẹp”.

NGUYÊN LINH