01/11/2024

Bộ KH-CN ‘né’ trách nhiệm vụ Formosa

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học – Công nghệ hôm qua (5.7), những thông tin về việc thẩm định công nghệ của Formosa cho thấy có quá nhiều những lỗ hổng “chết người”.

 

Bộ KH-CN ‘né’ trách nhiệm vụ Formosa

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học – Công nghệ hôm qua (5.7), những thông tin về việc thẩm định công nghệ của Formosa cho thấy có quá nhiều những lỗ hổng “chết người”.




Buổi họp báo của Bộ KH-CN ///  Ảnh: Nguyên Hạnh

 

Buổi họp báo của Bộ KH-CNẢNH: NGUYÊN HẠNH


Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) trong việc thẩm định công nghệ của Formosa sau thảm hoạ môi trường, bà Trần Thị Tuyết Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá – Thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH-CN), nói: “Bộ KH-CN không thẩm định công nghệ. Giai đoạn thẩm định trách nhiệm chủ yếu thuộc Bộ Công thương. Liên quan đến công nghệ, thiết kế công nghệ là Bộ Công thương duyệt”.
Công nghệ vào VN không được kiểm soát
Trước thắc mắc của báo giới: “Vì sao dự án 10 tỉ USD mà lại thiếu vắng vai trò của Bộ KH-CN trong thẩm định thiết kế?”, Vụ trưởng Vụ Đánh giá – Thẩm định và giám định công nghệ Đỗ Hoài Nam giải thích: “Đối với trường hợp Formosa, việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Khi xem xét dự án này, Bộ KH-CN cũng đã nhận được công văn kèm theo báo cáo dự án nghiên cứu tiền khả thi từ UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi về. Trong hồ sơ chỉ nêu công nghệ lò cao truyền thống. Sau đó, Bộ KH-CN đã có công văn ngày 27.4.2008 trả lời đây là công nghệ phổ biến đối với các nhà máy luyện thép trên thế giới và cũng không phải là công nghệ mới”.
 
 
Bộ KH-CN 'né' trách nhiệm vụ Formosa - ảnh 1
Hiện các mẫu thu thập đang trong quá trình phân tích. Để xác định độc tố còn lại bao nhiêu, chúng ta cần có thêm các dữ liệu trong mẫu đó còn lại bao nhiêu độc tố phenol, cyanua, phân hủy tự nhiên bao nhiêu, phân hủy những chất nào và đã chuyển hoá những chất nào. Dự kiến, đến cuối tháng 7 hội đồng sẽ có buổi công bố tất cả dữ liệu mà người dân quan tâm

Bộ KH-CN 'né' trách nhiệm vụ Formosa - ảnh 2
 
PGS-TS Vũ Đức Lợi, Phó viện trưởng Viện Hoá học (Viện Hàn lâm KH-CN VN) – Phó chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân cá chết
 

Cũng theo Vụ trưởng Đỗ Hoài Nam, luật Đầu tư nước ngoài vào VN trước đây có quy định trong hồ sơ nhà đầu tư phải có giải trình về công nghệ, nhưng đến luật Đầu tư 2005 chỉ quy định nhà đầu tư chịu trách nhiệm về công nghệ, phần giải trình đã được đơn giản hoá. Nội dung trong bước xin cấp giấy chứng nhận đầu tư của Formosa chỉ là báo cáo tiền khả thi, chưa nói đến công nghệ dập cốc khô hay ướt. Sau bước này, Bộ Công thương theo chức năng quản lý chuyên ngành sẽ duyệt thiết kế cơ sở. “Khi góp ý gộp luật Đầu tư trong nước và luật Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-CN cũng đã có ý kiến, việc đơn giản hóa các thủ tục cũng như hồ sơ và rút ngắn xem xét các dự án đồng nghĩa với việc mình không có đủ các thông tin về công nghệ mà có thể xem xét ở giai đoạn cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cho nên, với thông tin được cung cấp trong báo cáo đầu tư, Bộ KH-CN chỉ có thể xem xét được như vậy”, ông Nam nói.

“Trước đây trong luật Đầu tư nước ngoài tại VN, hồ sơ đầy đủ các danh mục, thậm chí máy móc nhập đều phải thông qua Vụ Xuất nhập khẩu – Bộ Thương mại. Còn bây giờ, tất cả các thủ tục này đều bỏ qua. Các công nghệ vào VN hầu như không được kiểm soát. Khi xảy ra vấn đề gì rồi lúc đó mới hỏi đến Bộ KH-CN. Đây là kẽ hở của các văn bản quy phạm pháp luật của VN hiện nay. Đối với công nghệ, không thể như các lĩnh vực khác, khi lựa chọn rồi, xây dựng nhà máy rồi mà không phù hợp thì không thể bê nhà máy ấy đi đâu được”, ông Nam nói thêm.
Trước câu hỏi Bộ KH-CN có được Bộ Công thương mời tham gia đánh giá thẩm định công nghệ của Formosa hay không?, ông Nam lúng túng: “Chúng tôi chưa kiểm tra được. Nhưng nếu có, chúng tôi sẽ cử chuyên viên trong lĩnh vực này. Tôi nhớ năm 2008, đồng chí chuyên viên đó chuyển sang Bộ Công thương làm”.
Cuối tháng 7 mới biết hải sản an toàn hay không
Sau khi đã có kết luận về nguyên nhân cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung, thông tin được người dân quan tâm hiện nay là mức độ ô nhiễm môi trường và mức độ an toàn của hải sản tại các tỉnh ven biển miền Trung như thế nào?
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc nói: “Làm khoa học phải căn cứ vào các số liệu khoa học và trả lời hết sức chính xác và trung thực, do vậy chúng tôi chưa thể trả lời được”.
Theo PGS-TS Vũ Đức Lợi, Phó viện trưởng Viện H học (Viện Hàn lâm KH-CN VN) – Phó chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân cá chết, hội đồng vẫn tiếp tục làm việc chia làm các nhóm nghiên cứu độc tố, sinh học, hải lưu, các vấn đề liên quan. Đặc biệt, đối với hệ sinh thái biển, các nhà khoa học đã khảo sát 13 mặt cắt khác nhau từ Vũng Áng đến Thừa Thiên-Huế, ngoài vùng ven biển, các mẫu phân tích còn được lấy ở những vùng đối chứng, những vùng xa bờ. “Hiện các mẫu thu thập đang trong quá trình phân tích. Để xác định độc tố còn lại bao nhiêu, chúng ta cần có thêm các dữ liệu trong mẫu đó còn lại bao nhiêu độc tố phenol, cyanua, phân hủy tự nhiên bao nhiêu, phân hủy những chất nào và đã chuyển hóa những chất nào. Dự kiến, đến cuối tháng 7 hội đồng sẽ có buổi công bố tất cả dữ liệu mà người dân quan tâm”, ông Lợi cho biết.
Ưu tiên ngư dân 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi cá chết đi xuất khẩu lao động
Chiều 5.7, Bộ LĐ-TB-XH đã công bố giải pháp hỗ trợ ngư dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng do Formosa xả thải gây hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Có khoảng 263.000 lao động (LĐ) tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng do cá chết, trong đó có 100.000 LĐ trực tiếp. Bộ LĐ-TB-XH đã thống nhất với các địa phương sẽ có một đề án tổng thể về dạy nghề, tạo việc làm. Đề án sẽ được Bộ trình xin ý kiến Chính phủ”. Trước mắt, với chương trình xuất khẩu LĐ, Bộ đề xuất với Chính phủ áp dụng 2 chương trình, ưu tiên cho các LĐ thuộc huyện ven biển của 4 tỉnh tham gia: chương trình cấp phép việc làm cho LĐ nước ngoài đi làm việc tại Hàn Quốc; chương trình tu nghiệp sinh đi làm việc tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, 2 chương trình mà Bộ đang triển khai là điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức cũng sẽ ưu tiên cho con em của ngư dân của khu vực này nếu đủ điều kiện. Ngoài ra, nếu LĐ ở những vùng trên có nguyện vọng, Bộ cũng sẽ tạo điều kiện đưa sang làm việc tại Đài Loan,Thái Lan với chi phí thấp, không mất tiền phí môi giới…

Thiết kế dập khô, thi công dập ướt
Tối 5.7, trả lời PV Thanh Niên về thông tin cho rằng Bộ Công thương phải có trách nhiệm trong quá trình thẩm tra công nghệ của dự án Formosa, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói quy định tại thời điểm đó không giao việc này cho Bộ của ông. “Thời điểm dự án Formosa được xem xét đầu tư và cấp phép đầu tư, theo quy định của Chính phủ, mà cụ thể là Nghị định 12, thì việc cấp phép là thẩm quyền của tỉnh Hà Tĩnh. Quy định cũng trao quyền cho chủ đầu tư được quyết định thiết kế cơ sở và các bộ ngành chỉ tham gia góp ý cho thiết kế cho cơ sở đó”, ông Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, khi ấy, các bộ chỉ được tham vấn đối với thiết kế cơ sở, song cũng với tư cách cơ quan góp ý. Nhờ vậy, các cơ quan chuyên môn của bộ này nắm được thông tin là công nghệ của quy trình luyện cốc tại dự án Formosa theo thiết kế cơ sở là công nghệ dập cốc khô. Từ đó về sau, cơ quan cấp phép không lấy ý kiến thêm lần nào nữa nên Bộ Công thương cũng không tham gia. “Tuy nhiên, năm ngoái, khi có mặt trong đoàn liên ngành về kiểm tra công tác thực hiện đầu tư dự án này thì Bộ Công thương – với tư cách là thành viên trong đoàn – cũng đã phát hiện công nghệ xử lý cốc là dập ướt chứ không theo thiết kế ban đầu là dập khô. Khi đó, đoàn thanh tra liên ngành cũng đã lập biên bản và đề nghị chủ đầu tư phải hoàn thiện công nghệ theo như thiết kế cơ sở”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

 

Thu Hằng