23/01/2025

Elie Wiesel, người lưu giữ ký ức về thảm hoạ Holocaust, đã qua đời

Elie Wiesel là người Mỹ gốc Do Thái sinh tại Romania, vừa qua đời hôm thứ bảy, 02 tháng 7 năm 2016 vừa qua tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, ở tuổi 87. Ông đã dành cả đời mình để lưu giữ ký ức về thảm hoạ Holocaust – nạn diệt chủng người Do Thái – sau khi may mắn sống sót trở về từ Trại Tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã. Với những hoạt động tích cực trong việc chống nạn bạo động và kỳ thị chủng tộc, ông được trao Giải Nobel Hoà bình năm 1986.

 Elie Wiesel, người lưu giữ ký ức về thảm hoạ Holocaust, đã qua đời

 

 
WHĐ (05.07.2016) – Elie Wiesel là người Mỹ gốc Do Thái sinh tại Romania, vừa qua đời hôm thứ bảy, 02 tháng 7 năm 2016 vừa qua tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, ở tuổi 87. Ông đã dành cả đời mình để lưu giữ ký ức về thảm hoạ Holocaust – nạn diệt chủng người Do Thái – sau khi may mắn sống sót trở về từ Trại Tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã. Với những hoạt động tích cực trong việc chống nạn bạo động và kỳ thị chủng tộc, ông được trao  Giải Nobel Hoà bình năm 1986.

Khi nhận Giải thưởng Charlemagne, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về điều cần thiết đối với châu Âu là phải “lưu truyền ký ức” – một kiểu nói rất quen thuộc của Elie Wiesel.

Giải thưởng Charlemagne lần thứ 58 được trao cho Đức Giáo hoàng Phanxicô ngày 06-05-2016 tại Vatican. Giải được trao hằng năm kể từ năm 1950 cho các cá nhân có những “đóng góp xuất sắc cho một châu Âu thống nhất”. Trong diễn văn nhận giải, vị Giám mục Roma đã trích dẫn Elie Wiesel.

Ngài đặt câu hỏi về số phận của châu Âu: “Điều gì đã xảy ra với Châu Âu, miền đất của các thi sĩ, các triết gia, các nghệ sĩ, nhạc sĩ và văn sĩ? Điều gì đã xảy ra với Châu Âu, người mẹ của các dân tộc và các quốc gia, mẹ của những vĩ nhân nam cũng như nữ đã biết bảo vệ và hy sinh cuộc đời vì phẩm giá của anh chị em mình?”

Để trả lời những câu hỏi này, Đức Giáo hoàng đã nhờ đến Elie Wiesel và nói: “Nhà văn Elie Wiesel, người sống sót từ trại tập trung của Đức Quốc xã, đã nói rằng nhiệm vụ hàng đầu ngày nay của chúng ta là phải “lưu truyền ký ức”. Cần “ghi nhớ”, cần giữ một chút khoảng cách với hiện tại để lắng nghe tiếng nói của tổ tiên chúng ta.”

“Ký ức giúp chúng ta tránh được những sai lầm trong quá khứ” là tư tưởng vẫn thường được Đức giáo hoàng Phanxicô nhắc đến, như trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng”: “Người già cống hiến những ký ức và sự khôn ngoan của kinh nghiệm để cảnh giác chúng ta đừng phạm phải những lỗi lầm trong quá khứ.” (s. 108).

Đức Giáo hoàng nói thêm: “Việc lưu truyền ký ức giúp chúng ta thoát khỏi xu hướng hiện nay, vốn thường hấp dẫn hơn, đó là hấp tấp xây dựng những kết quả tức thời trên bãi cát lún.”

 (Theo La Croix)

 
 

 

Minh Đức