23/12/2024

ĐHY Raï: Căn tính dân tộc của Liban đang bị đe doạ vì người tị nạn

Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Hoa Kỳ hồi cuối tháng 6 vừa qua, Đức Hồng y Bechara Boutros Raï – Thượng phụ Antiokia, Liban, thuộc nghi lễ Maronite – đã lưu ý về nguy cơ mà con số 1,5 triệu người tị nạn tại Liban có thể gây ra.

 ĐHY Raï: Căn tính dân tộc của Liban đang bị đe doạ vì người tị nạn

 

 
WHĐ (05.07.2016) – Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Hoa Kỳ hồi cuối tháng 6 vừa qua, Đức Hồng y Bechara Boutros Raï – Thượng phụ Antiokia, Liban, thuộc nghi lễ Maronite – đã lưu ý về nguy cơ mà con số 1,5 triệu người tị nạn tại Liban có thể gây ra.

“Liban đã tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn từ Syria và từ Irak đã trốn khỏi đất nước họ vì chiến tranh và vì tình hình bất ổn về mặt chính trị. Những người này nghĩ rằng họ có thể trông chờ được Liban giúp đỡ khi gặp thiếu thốn. Liban quả là đáng được ca ngợi. Nhưng những người tị nạn này cũng có thể là một gánh nặng đe doạ căn tính và tương lai của xứ sở này.”

Trong bài phát biểu hôm 28 tháng 6 vừa qua tại trụ sở của Hội Bác ái Công giáo vùng Cận Đông (CNEWA) ở New York, Đức Thượng phụ Bechara Raï đã nhấn mạnh rằng một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng liên quan đến người tị nạn trong toàn vùng Cận Đông đòi phải có một nền hoà bình bền vững và việc đưa dần các người tị nạn về lại quê hương của họ.

Theo Đức Thượng phụ, cần phải tránh bằng mọi giá không để những người này định cư lâu dài tại Liban trong những điều kiện “nhiều khi rất bấp bênh và đôi khi tuyệt vọng”, biến những người tị nạn này, đa số theo Hồi giáo, thành “kho cung cấp nhân sự cho các tổ chức khủng bố”.

Hơn 1,5 triệu người Syria tị nạn

Vì lý do chiến tranh diễn ra tại Syria từ tháng 3-2011, hơn 1,5 triệu người Syria (tức gần 1 phần 3 của dân số 4 triệu người của Liban) đã tìm nơi trú ngụ tại Liban, trong số này, chỉ có 1,2 triệu người được ghi danh  trong danh sách của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Lại còn phải thêm hơn 50.000 người Palestin và cũng con số này người Liban sinh sống tại Syria nữa, đã tới Liban. Ngoài ra, còn khoảng 400.000 người Palestin, là con cháu của những người đã chạy trốn hoặc bị trục xuất khỏi Palestin khi quốc gia Israel ra đời vào năm 1948, và họ không có quốc tịch Liban.

Theo Đức Hồng y Raï, sự hiện diện đông đảo những người tị nạn này có nguy cơ làm đảo lộn các thế quân bình và cả căn tính của dân tộc Liban. Sau các vụ đánh bom tự sát diễn ra ngày 27 tháng 6 trong vùng ngoại ô Al-Qaa có đông người Kitô giáo, ở Đông Bắc đồng bằng Békan, ngay sát biên giới Syria, nhiều địa phương đã thiết lập giờ giới nghiêm để kiểm soát việc di chuyển của người tị nạn Syria cư ngụ tại các địa phương này.

Theo nhật báo Liban L’Orient-Le Jour, hôm 30 tháng 6, ông Gebran Bassil, Bộ trưởng Ngoại giao Liban, nói rằng tất cả các người tị nạn không phải là những kẻ khủng bố, nhưng ông cũng nói thêm là thực sự đã có một số kẻ khủng bố trà trộn trong số người tị nạn,

Không thể không thành lập một quốc gia Palestin


Đức Thượng phụ Antiokia cho rằng cuộc xung đột Israel-Palestin là “nguồn gốc của các vấn đề vùng Cận Đông”. Theo ngài, cuộc xung đột này chỉ có thể được giải quyết “qua việc thành lập một quốc gia Palestin bên cạnh một quốc gia Israel, với sự trở về của các người tị nạn Palestin và việc quân đội Israel rút khỏi các vùng đất họ chiếm đóng tại Palestin, Syria và Liban”.

Đức Hồng y Raï cho rằng việc tách biệt tôn giáo và chính trị quốc gia, “đối với Do Thái giáo cũng như đối với Hồi giáo”, là một trong những điều kiện căn bản của một giải pháp chính trị lâu dài trong vùng. Và ngài khẳng định rằng các vấn đề bắt đầu nảy sinh “khi người ta mặc nhiên kỳ thị các công dân không theo tôn giáo của quốc gia”.

Đức Hồng y Raï kêu gọi Hoa Kỳ giúp “chặn đứng nạn chảy máu nhân lực qua việc người tị nạn bỏ xứ sở ra đi”, và nhấn mạnh rằng Liban có một vai trò không thể thiếu trong việc xây dựng hoà bình và ổn định tại Trung Đông, cũng như trong việc “củng cố tinh thần sống chung giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau trong vùng này”.

(Theo La Croix)

 
 

 

Mai Tâm