Nông dân phải là lực lượng chính trong bảo vệ rừng
Tôi rất hoan nghênh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh đóng cửa tất cả rừng tự nhiên để ngăn chặn đà suy giảm rừng ở Việt Nam.
Nông dân phải là lực lượng chính trong bảo vệ rừng
Tôi rất hoan nghênh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh đóng cửa tất cả rừng tự nhiên để ngăn chặn đà suy giảm rừng ở Việt Nam.
Gỗ khai thác trái phép từ rừng Tà Năng (Lâm Đồng) được đưa đi tiêu thụ (ảnh chụp tháng 2-2016) – Ảnh: TRẦN XUÂN TIẾN |
Là người sinh sống và làm việc về mảng môi trường trong nhiều năm ở Việt Nam, tôi xin đóng góp một số giải pháp để giữ và bảo vệ rừng một cách hiệu quả hơn.
Trả công cao hơn cho nông dân
Việt Nam có diện tích rừng tự nhiên lớn, nên việc huy động nhân lực đủ để bảo vệ rừng khỏi bị xâm hại bởi những kẻ buôn lậu gỗ và lâm tặc thật sự là thách thức lớn.
Tôi cho rằng cần huy động người dân, đặc biệt là nông dân, vào việc giữ rừng bằng các cơ chế, chính sách khuyến khích.
Trên thực tế, những người bảo tồn, gìn giữ và phát triển các dịch vụ môi trường chưa được hưởng những lợi ích xứng đáng mà xã hội phải trả cho những nỗ lực của họ.
Cụ thể, tại Việt Nam dịch vụ môi trường rừng chi trả từ 200.000 – 362.000 đồng/ha rừng (số liệu cập nhật của cơ quan chức năng năm 2014) theo tôi là quá thấp.
Để tạo động lực cho người dân giữ rừng, cách tốt nhất chính là tăng mức chi trả cho họ. Theo tôi được biết, Chính phủ Việt Nam đang áp dụng mô hình “Chi trả dịch vụ hệ sinh thái/môi trường (PES)” – một công cụ kinh tế để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. Bốn loại dịch vụ hệ sinh thái đang được trả phí là:
1. Bảo vệ rừng đầu nguồn (cung cấp dịch vụ chất lượng nước, điều tiết nước, bảo vệ nơi cư trú dưới nước và kiểm soát ô nhiễm đất…),
2. Bảo tồn đa dạng sinh học (phòng trừ dịch bệnh, giá trị hệ sinh thái…),
3. Du lịch sinh thái,
4. Hấp thụ cacbon (rừng hấp thụ cacbon làm giảm khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu).
Do vậy, theo tôi, giải pháp là tăng phí dịch vụ hệ sinh thái/môi trường và qua đó tăng mức chi trả cho nông dân, bảo đảm họ được trả công xứng đáng.
Tôi nghe có một số ý kiến cho rằng trên thực tế nhiều người dân vì quá nghèo mà phá rừng, phát nương làm rẫy. Có giải pháp nào cho vấn nạn này không?
Tôi nghĩ là có và giải pháp cốt yếu chính là nâng cao nhận thức của người dân thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện, các chiến dịch tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học cũng như cảnh báo họ về các hậu quả của việc phá rừng.
Tôi lớn lên ở khu vực nông thôn Thuỵ Điển. Ngày còn nhỏ, tôi chứng kiến nhiều người vứt rác và những phế phẩm điện tử xuống các mương nước, gây ô nhiễm nguồn nước.
Sau đó, chính phủ phát động các chiến dịch làm sạch Thuỵ Điển, huy động nhiều người tham gia.
Nhờ đó, Thuỵ Điển đã trở thành một trong những nước có môi trường sạch trên thế giới như hiện nay. Dĩ nhiên, việc nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam không chỉ là ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình lâu dài.
TS Elisabeth Simelton – Ảnh: Q.TR. |
Quản lý rừng dựa vào cộng đồng
Philippines là quốc gia có nhiều tương đồng với Việt Nam, chẳng hạn như cùng có hệ thống rừng nhiệt đới và phong phú về đa dạng sinh học.
Ở Philippines, người dân trở thành đối tác, người quản lý và người chủ của các tài nguyên rừng. Người dân bảo vệ rừng ở Philippines được trao quyền bán các sản phẩm rừng không phải là gỗ (NTFPs) ở cộng đồng của họ.
NTFPs bao gồm trái cây, hạt, rau quả, các loại thảo dược, chiết xuất thực vật… Việc được trao quyền này đã khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng bởi họ thấy được các nguồn lợi kinh tế từ việc bảo vệ rừng giúp ích trực tiếp cho cuộc sống của họ.
Để ứng phó với độ che phủ rừng giảm, dân số tăng, tình trạng đói nghèo ở vùng cao, nhu cầu gỗ và thức ăn tăng, các biện pháp xử lý tình trạng cho thuê rừng thất bại, năm 1995 Chính phủ Philippines ban hành pháp lệnh số 263 lấy quản lý rừng dựa vào cộng đồng (CBFM) làm chiến lược quốc gia để phát triển bền vững đất rừng và các tài nguyên đất rừng.
Các chương trình hoạt động quản lý rừng dựa vào cộng đồng được thành lập nhằm trao cho cộng đồng quyền, trách nhiệm quản lý trực tiếp và hưởng lợi từ nguồn tài nguyên rừng.
Vì khi các vấn đề đói nghèo và mất công bằng trong việc tiếp cận tài nguyên được giải quyết thì các cộng đồng địa phương sẽ nhận ra trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ và quản lý rừng.
Theo tôi, nhờ các chính sách đúng đắn nói trên mà Philippines có chất lượng rừng và độ đa dạng sinh học tốt hơn so với Việt Nam.
Cần giải pháp bảo vệ rừng trên cả nước Nhân tiện, tôi muốn đề xuất Chính phủ Việt Nam không chỉ nên tập trung đưa ra các giải pháp bảo vệ các khu vực rừng ở Tây nguyên mà còn cho tất cả các khu vực rừng trên khắp nước. Bởi nếu chúng ta tập trung nguồn lực đẩy lâm tặc và những kẻ buôn lậu gỗ ra khỏi một cánh rừng thì họ sẽ đi tìm cánh rừng khác. Ngoài ra, theo tôi, lực lượng kiểm lâm nên kết hợp với nông dân được giao giữ rừng để bảo vệ rừng một cách tốt hơn. |