23/12/2024

Đừng coi nước là thứ không bao giờ cạn

Tương tự như Việt Nam, Thái Lan là một nước nông nghiệp, phụ thuộc rất lớn vào nước trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

 Đừng coi nước là thứ không bao giờ cạn

 

Tương tự như Việt Nam, Thái Lan là một nước nông nghiệp, phụ thuộc rất lớn vào nước trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. 

Thế nhưng, “chúng ta đã từng coi nước là nguồn tài nguyên vô hạn. Thậm chí đã có lúc không coi trọng nguồn tài nguyên nước. Trên thực tế, chúng ta chưa hề quan tâm đến việc hoạch định, bảo tồn hay phân bổ nước…”.

Nhìn nhận nói trên của ông Roongrote Rangsiyopash – chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, một người đến từ khu vực tư nhân Thái Lan – tại Diễn đàn quản lý bền vững tài nguyên nước được tổ chức ở Bangkok hôm 20-6, cho thấy trong suy nghĩ của nhiều người và cho đến tận bây giờ vẫn thế: coi nước là thứ không bao giờ cạn!

Nhưng với những gì người Thái đang đối mặt, cũng giống như trận hạn mặn khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long hay hạn hán khô cháy khu vực Nam Trung bộ của Việt Nam vừa qua, đã khiến người ta giật mình nghĩ lại: nước trông có vẻ vô tận, nghĩ là xài biết bao giờ cho hết, song trên thực tế nước cho sinh hoạt, sản xuất… đã thiếu trầm trọng, có nơi đến mức khan hiếm kéo dài.

Giới chuyên môn của Thái Lan cũng công bố một thực tế: bất chấp lượng mưa lớn hằng năm, quốc gia này không có khả năng trữ lại lượng nước mưa. Khả năng trữ nước trong kênh rạch của Thái có thể đạt tới hơn 70.000 triệu m3 nhưng thực tế chỉ có khoảng 42.000 triệu m3 nước sông rạch, nước mưa… chảy vào hệ thống này.

Trong khi đó hiện ở Thái mỗi năm sử dụng hơn 100.000 triệu m3 nước và ước tính chỉ riêng trong ngành công nghiệp nhu cầu nước sẽ tăng tới 60% trong tương lai.

Với thực tế như vậy, người Thái đang toan tính những giải pháp khả thi để có thể biến lượng nước trời cho hằng năm thành nước dự trữ và đặt yêu cầu quản lý, sử dụng nguồn nước này một cách thông minh, hợp lý. Họ xem đây là điều kiện cực kỳ quan trọng trong tiến trình đi tìm lời giải “bảo tồn nước cho mai sau” mà họ đang đeo đuổi.

Diễn đàn thật sự ấn tượng với những gì mà Israel đã làm để đưa họ đạt trình độ quản lý nước cấp quốc gia. Với nhu cầu nước toàn quốc lớn gấp hai lần tổng lượng nước có khả năng cung ứng, Israel đã tăng lượng nước cung ứng bằng công nghệ lọc nước biển, tái chế 100% nước thải. Thậm chí, ngày nay họ trữ nước dưới tầng ngầm cho các mục đích sử dụng trong tương lai.

Với nhiều người, điều ấn tượng ở đây không chỉ là công nghệ mà chính là ý tưởng bảo tồn nước của họ – một quốc gia mà mỗi người dân ở đó tự nhận thức được tầm quan trọng của nước để cùng hành động vì mục tiêu chung.

Còn gần gũi hơn, đảo quốc Singapore có một chính sách xác định rất rõ ràng “nước là an ninh quốc gia”. Cũng vì thế nên không có gì phải ngạc nhiên khi quốc gia này được biết đến là nơi có một trong những chính sách quản lý nước tốt nhất trên thế giới.

Để đảm bảo thực thi nghiêm ngặt chính sách an ninh quốc gia này, Singapore cũng bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhưng đáng phải học hỏi: từ năm 1997 giảm thể tích của bình chứa nước bồn cầu từ 9 lít xuống còn 4,5 lít, như một trong những yêu cầu phải tuân theo khi sản xuất loại thiết bị này.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân! Nhìn lại Việt Nam, bên cạnh những nỗ lực chưa tương xứng với quá nhiều chuyện nóng bỏng về nguồn nước – tình trạng ô nhiễm nước mặt nước ngầm, xả thải thiếu kiểm soát tự hu hoại nguồn nước, đặc biệt là lãng phí nước… – thì bài toán bảo tồn nước cho mai sau của ta có lẽ còn bức bách hơn cả Thái Lan.

Và điều đáng buồn là trong sâu thẳm của nhận thức ở nhiều người, nhiều cộng đồng… vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào trong gìn giữ, bảo tồn hay phân bổ, sử dụng nước hợp lý, kể cả trong hoạch định một số chính sách phát triển.

Một quốc gia có lượng mưa lớn như Việt Nam, biến chúng thành nước dự trữ như người Thái đang toan tính, tại sao không?

Rồi những ngành nghề, nhà máy sản xuất mà nhu cầu sử dụng nước quá nhiều cần được liệt vào danh mục không khuyến khích đầu tư, thể hiện rõ ràng như một phần nội dung không thể thiếu trong chính sách quốc gia về bảo vệ môi trường.

Hay yêu cầu tuần hoàn sử dụng tối đa nước thải sau xử lý để tiết kiệm nước cũng cần trở thành một chính sách khuyến khích, ưu tiên rõ ràng và dần trở thành tiêu chí “cứng” trong các quy trình xem xét cấp phép xả thải…