24/01/2025

Nhà máy ven bờ đầu độc những dòng sông

Cứ tưởng hai con sông Tiền, sông Hậu mênh mang trong lành, nhưng thực chất ở nhiều đoạn sông muốn thở cũng không thở nổi.

 

Nhà máy ven bờ đầu độc những dòng sông

 

Cứ tưởng hai con sông Tiền, sông Hậu mênh mang trong lành, nhưng thực chất ở nhiều đoạn sông muốn thở cũng không thở nổi.

 

 

 

Nhà máy ven bờ đầu độc những dòng sông
Nhiều nhà máy, cụm công nghiệp nằm sát bờ sông. Trong ảnh: Cụm công nghiệp Thốt Nốt (Cần Thơ) nằm ngay bên bờ sông Hậu – Ảnh: Đ.Vịnh

 

 

Đeo bám dọc hai bên sông Tiền, sông Hậu – hai con sông mẹ ở ĐBSCL – là hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Chưa rõ mức độ gây ô nhiễm của những nhà máy, xí nghiệp này, nhưng hai bên bờ sông và những kênh rạch quanh đó đang chết dần.

Cứ tưởng hai con sông Tiền, sông Hậu mênh mang trong lành, nhưng thực chất ở nhiều đoạn sông muốn thở cũng không thở nổi.

Nhà máy bám chặt sông

Dọc sông Hậu, từ Thốt Nốt (Cần Thơ) lên tới Châu Đốc (An Giang) hai bên bờ có vô số nhà máy lớn nhỏ, phần lớn là các nhà máy chế biến thuỷ sản, chế biến lương thực, sản xuất thức ăn chăn nuôi… Tất cả đều nằm sát bên sông.

Tại nhiều nhà máy, khu vực xung quanh bốc mùi hôi dậy, đầy ruồi nhặng, nước sông ở đó đầy rác rưởi, đen ngòm.

Dọc bờ sông Tiền cũng vậy. Ở thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới (An Giang) còn có Nhà máy thép Miền Tây sản xuất thép từ phế liệu.

Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, người dân hai bên bờ sông thuộc thị trấn Chợ Mới và xã Tân Long, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) phải sống trong cảnh khốn khổ vì chất thải, khói bụi, mùi hoá chất từ luyện thép và tiếng ồn.

“Nhà máy nằm bên đây sông mà khói bụi bay sang tận bên kia sông, hai bên bờ đều thấy bụi bặm phủ đầy nhà cửa, vườn tược, cây cối, ban ngày phải đóng cửa trùm bạt che kín nhà lại. Cứ năm này qua năm nọ vầy chịu sao thấu” – bà Nguyễn Thị Hiền, xã Tân Long, than vãn.

Nhà máy này từng bị phạt hồi tháng 5-2013 do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 162 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động, đồng thời yêu cầu khắc phục ngay các vi phạm.

Kể từ đó nhà máy này chuyển qua hoạt động chủ yếu vào ban đêm, người dân tiếp tục bị tra tấn bởi tiếng ồn và cái mùi khó chịu từ 22g – 7g sáng. Tình trạng này kéo dài tới nay.

Dọc sông Cái Vừng, bên bờ thuộc huyện Phú Tân (An Giang) cũng có hàng chục nhà máy quy mô lớn. Dịp cận tết vừa qua, hơn 1.100 tấn cá nuôi lồng bè trên nhánh sông này đột ngột chết hàng loạt.

Dù Sở Tài nguyên – môi trường có báo cáo cá chết không do nhiễm độc, nhưng người dân nghi ngờ thủ phạm do nước thải từ cơ sở sản xuất nằm ven bờ.

“Tại sao lại cho đặt vô số nhà máy sát ven sông?” – ông Nguyễn Văn Nhàn, xã Long Hòa, huyện Phú Tân, đặt câu hỏi.

Ngoài ra, dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu có những khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp có diện tích hàng chục đến hàng trăm hecta với nhiều nhà máy.

Tại An Giang, Cụm công nghiệp Mỹ Quý từng gây ô nhiễm thời gian dài, sau này các nhà máy mới xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh.

Theo báo cáo của Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh này, hiện KCN Bình Long, KCN Bình Hoà vẫn chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định. Tình trạng nước thải gây ô nhiễm khiến người dân địa phương bức xúc.

Con sông bị đầu độc

Trạm xử lý nước thải KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang) có công suất 2.000 m3/ngày đêm, nước thải sau khi xử lý đạt chuẩn sẽ thải ra sông Hậu.

Tuy nhiên, dự kiến đầu năm 2014 trạm xử lý này đi vào hoạt động nhưng tới nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng(!). Trạm chưa hoạt động, nhưng mấy chục nhà máy lớn nhỏ ở KCN này vẫn phải hoạt động. Như vậy nước thải chảy ra sông Hậu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Điện – phó trưởng Ban quản lý các KCN Hậu Giang, các doanh nghiệp đều có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải song việc vận hành, xử lý còn chưa đúng với quy định, vẫn còn tình trạng nguồn nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn xả ra các kênh rạch.

Đơn cử, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Hậu Giang từng bắt quả tang Công ty cổ phần thủy sản Nam Sông Hậu đóng tại KCN Sông Hậu không bơm nước thải sản xuất vào hệ thống xử lý nước thải mà thiết kế hệ thống ống ngầm, xả thẳng chất thải chưa qua xử lý ra sông Cái Dầu đổ ra sông Hậu.

Ông cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục siết chặt việc quản lý xử lý nước thải của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông Hậu.

TP Cần Thơ hiện có 5 KCN với 223 nhà máy đang hoạt động. Cả 5 KCN là Trà Nóc 1, 2; Thốt Nốt; Hưng Phú 1; Hưng Phú 2 và Hưng Phú 2B đều nằm dọc sông Hậu. Đầu năm 2016, Công ty CP Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ đã đưa nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động với công suất 6.000 m3/ngày đêm phục vụ KCN Trà Nóc 1, 2.

Tuy nhiên ông Huỳnh Tấn Lợi – giám đốc Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Trà Nóc 1, 2 – cho biết mới ký hợp đồng xử lý nước thải cho 18 doanh nghiệp với công suất 3.000 m3/ngày đêm, bằng 50% công suất nhà máy.

“Doanh nghiệp phải trả thêm phí xử lý, đường ống khó đấu nối với nhà máy xử lý nước thải. Doanh nghiệp đăng ký với cơ quan chức năng xả nước thải 10.000 m3/ ngày đêm nhưng chỉ thuê nhà máy xử lý 5.000 m3/ngày đêm” – ông Lợi nêu khó khăn.

Điều này đúng với nhận định của Công an TP Cần Thơ rằng doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hậu rất tinh vi. Doanh nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ cho hoạt động khi có đoàn kiểm tra hoặc xử lý một phần nước thải.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn xây dựng ống xả thải ngầm ra sông Hậu và xả thải vào ban đêm, cá biệt có một doanh nghiệp tại KCN Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bơm nước thải chưa xử lý lên sà lan, nửa đêm đem ra giữa sông Hậu đổ.

Một con rạch chết

Rạch Cái Chôm dài chỉ trên dưới 3 cây số, chảy qua địa bàn khu vực Thới Hòa và Thới Nguơn B (P.Phước Thới, Q.Ô Môn, TP Cần Thơ) đổ ra sông Hậu.

Rạch này nằm bên cạnh Khu công nghiệp Trà Nóc, nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ ở Cần Thơ. Do đó nó như một đường dẫn tự nhiên cho bao nhiêu thứ nước thải từ nhiều nhà máy ở khu công nghiệp tuôn ra sông Hậu.

Ông Tám Dứt, người dân sống ven rạch Cái Chôm, kể trong cam chịu: con rạch là nguồn sống từ bao đời của người dân nơi đây, giờ trở thành nguồn nước đầu độc sức khoẻ cộng đồng. Con rạch vật vờ đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Tám Dứt cho hay: ba bốn năm trước con rạch này nước còn trong xanh, dân hai bên rạch còn xẻ mương nuôi cá, lấy nước tắm giặt, nấu cơm…

“Vậy mà giờ con vịt còn không dám lội xuống con rạch này, huống gì con người! Chú coi, nước đen như nhớt cặn vậy chịu sao thấu? Con rạch này chết lâu rồi” – ông Ba Nam, người dân địa phương, bức xúc.

TIẾN TRÌNH – ĐỨC VỊNH – 
LÊ DÂN