23/01/2025

Chúa Nhật XIII TN C – 2016: Theo Chúa Giêsu để thành người cứu thế

Chúa Giêsu mời gọi ta cần phải bỏ đi một vài thái độ tiêu cực, nếu muốn theo Người một cách hiệu quả để thật sự mang lại ơn cứu độ cho muôn loài. Đó là những thái dộ nào?

 

Theo Chúa Giêsu để thành người cứu thế 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước, Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta là những Kitô, người được Thiên Chúa xức dầu, rằng: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).

Tuần này, Người mời gọi ta cần phải bỏ đi một vài thái độ tiêu cực, nếu muốn theo Người một cách hiệu quả để thật sự mang lại ơn cứu độ cho muôn loài. Đó là:
– Tránh chôn chân vào một địa điểm cố định để tự do đi đến mọi nơi.
– Tránh gắn đời mình vào quá khứ chết chóc để hướng về tương lai sống động.
– Tránh trói buộc mình vào những mối quan hệ riêng lẻ để được tự do xây dựng Nước Trời.

1. Tránh chôn chân vào một địa điểm cố định để tự do đi khắp đất trời

Đức Giêsu hiểu mối quan tâm: có “an cư” thì mới “lạc nghiệp” của con người. Ai cũng muốn có một chỗ ở ổn định, một mái nhà để đi về, một địa điểm cố định làm trung tâm phát huy tài năng và hoạt động của mình. Người còn hiểu hơn nữa tình trạng ổn định của Giáo Hội trần thế hiện nay, khi người ta quá nhấn mạnh đến yếu tố vật chất và địa vị. Do đó, Người hiểu nỗi lòng của những linh mục thích sống ở thành thị, coi sóc nhiều xứ đạo lớn lao với nhà xứ đầy đủ tiện nghi hơn là dám dấn thân vào vùng sâu, vùng xa, không có điện nước, thiếu thốn mọi bề. Nhiều tu sĩ khi nghe bề trên gửi mình đến những vùng khó khăn, nghèo khổ, xa người thân, không có những phương tiện sống tối thiểu, đã nghĩ đến việc xuất tu vì tưởng rằng bị bề trên đày đoạ. Nhưng nếu bám vào những địa điểm cố định đó, làm sao ta có thể theo Người cứu độ thế gian?

Chúa Giêsu mời gọi ta hãy can đảm bước theo Người, đi khắp miền đất nước loan báo Tin Mừng cứu độ như Người đã làm trong 3 năm hoạt động. Người nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi tựa đầu” (Lc 9,57). Người như một hành khất, như bang chủ của Cái Bang trong lịch sử Trung Quốc, rong ruỗi khắp miền đất nước, đi đâu cũng là đường, đến đâu cũng là nhà, ăn nhờ, ở đậu để với lưỡi gươm Lời Chúa, Người chiến đấu cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”.

Sau khi sống lại, không còn nơi chốn, địa điểm nào ngăn cản bước chân của Chúa Giêsu và các tông đồ. Họ chiến đấu chống lại những người quan chức bất công, những tư tế tham lam, những biệt phái giả hình, giải thoát cho những ai bị ma quỷ kiềm chế, tha thứ tội lỗi để đưa con người vào đàng công chính, chữa lành bệnh nhân, giúp cho người đói khổ được no nê. Theo Người là chúng ta trở thành những nhà cách mạng chân chính. Với các ân sủng Người ban qua Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng thành những người phi thường, có thể hàng ma phục linh, giải phóng muôn loài. Ta tự hỏi mình có muốn theo Người để thoả chí tang bồng không?

Ngày xưa, ông bà ta khi có ai sinh con trai thì lấy thân cây dâu gọi là “tang” làm thành cây cung và lấy cỏ bồng làm thành mũi tên, bắn đi 4 phương 8 hướng để cầu chúc cho đứa bé trai sau này trở thành anh hùng, hào kiệt. Làm người con trai phải biết mình mắc nợ núi sông, nợ nhân loại, nợ ơn trời để sống cao thượng, hào hiệp mà trả được món nợ ân tình ấy. Vì thế thi sĩ Nguyễn Công Trứ cũng là vị tướng nổi tiếng tạo ra hai huyện Kim Sơn ở Ninh Bình và Tiền Hải ở Thái Bình, mới nói đến: “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”.

Bây giờ để mừng trẻ con sinh ra người ta mua súng nhựa, gươm nhựa, mua đồ chơi rẻ tiền của Trung Quốc và không biết cầu chúc đứa trẻ điều gì. Mỗi Kitô hữu chúng ta phải là những anh hùng, liệt nữ đi theo Đức Giêsu đến tứ phương thiên hạ để cứu nhân độ thế. Bạn có muốn điều đó không?

2. Tránh gắn đời mình vào quá khứ chết chóc để tự do hướng về tương lai

Mỗi người chúng ta đều có một quá khứ. Đời sống càng lâu dài, quá khứ càng lắm thương đau! Nhưng nếu chúng ta cứ nhớ lại quá khứ để tiếc nuối, để ân hận về những con người và sự việc, chúng ta chỉ thấy buồn phiền, thất vọng vì những con người ôm hận đó cũng đang chết lần chết mòn trong cái bể khổ sinh lão bệnh tử này.

Đức Giêsu không muốn chúng ta như thế. Người mời gọi ta “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Lc 9,60). Còn ta, cứ nhìn thẳng vào con đường sự thật và sự sống trước mắt và mạnh bạo bước đi loan báo Nước Trời.

Nền văn hoá sự chết đang được thế giới văn minh cổ vũ là đòi cho mình được tự do giết hại sự sống của mình và của người khác khi hô hào phá thai, phổ biến những cách thức làm cho người ta chết cách nhẹ nhàng, đầu độc con người bằng đủ thứ nghiện ngập, tự do buôn bán những hàng hoá, nông sản độc hại, gây nên bệnh tật, chết chóc cho thể xác con người. Nền văn hoá sự chết còn khủng khiếp và ác độc hơn khi hô hào quyền tự do phổ biến những tin tức giả dối, những ý thức hệ sai lầm, những phim ảnh đồi truỵ làm băng hoại tinh thần con người.

Kitô hữu chúng ta quyết tâm theo Đức Giêsu để xây dựng nền văn hoá sự sống và nền văn minh tình yêu. Vì thế, chúng ta phải tích cực thực hiện những hành động bảo vệ sự sống, để chỉ nói những lời tích cực, chỉ nghĩ những điều tốt đẹp, chỉ làm những việc chính đáng trong đời sống hằng ngày. Có như thế thì Nước Thiên Chúa, nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và hoà bình mới thật sự được người Kitô hữu xây dựng nơi trần thế này.

3. Tránh trói buộc mình vào những mối tương quan riêng lẻ để tự do xây dựng nước Thiên Chúa

Nhiều người nghĩ rằng sống nơi trần thế trong vài chục năm là hết, nên họ phải lập gia đình để cho có con cháu nối dõi tông đường. Vì thế, họ gắn bó chặt chẽ với vợ chồng, con cái, cha mẹ, ông bà, bạn hữu, đồng đội. Những mối tương quan xã hội đó quả thật làm cho họ được an ủi, được hạnh phúc. Ai chẳng hãnh diện khi có người tình xinh đẹp, người chồng tài giỏi, con cái thông minh, cha mẹ an lành! Nhưng để đạt được điều đó, họ phải tốn nhiều công sức để chiều chuộng, dạy dỗ, lo lắng cho gia đình và người thân.

Nhiều người không bỏ được việc gắn bó với gia đình tuổi thơ của mình để xây dựng một gia đình mới, nên bỏ người yêu để giữ được mẹ cha. Nhiều người lại quá lo lắng, chiều chuộng con cái đến độ không còn lo việc Chúa là cứu độ thế giới, giữ mối tương quan với muôn người muôn vật quanh mình. Họ thật sự là những người mất tự do vì bị lệ thuộc. Vì thế, Đức Giêsu nhắc nhở người xin về từ biệt gia đình trước khi đi theo Người rằng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”.

Tiên tri Elisa, trong bài đọc I (x. 1V 19,16-21) khi được kêu gọi đi theo tiên tri Elia, “đã giết cặp bò làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà” để nói lên quyết tâm đi vào mối tương quan mới với con người để lo việc Chúa.

Thánh Phaolô trong bài đọc II (x. Gl 5,1.13-18) cũng mời gọi chúng ta “đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau”. Trong Đức Giêsu Kitô “tất cả chúng ta chỉ là một”, là con cái Thiên Chúa, là anh chị em với nhau trong đại gia đình Thiên Chúa (x. Gl 3,26-29), thay vì chỉ biết nhau là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè riêng tư của nhau.

Lúc đó ta sẽ cảm nhận được việc “bỏ” một người sẽ được hàng trăm người (x. Lc 18,29) để từ nay ta yêu thương phục vụ họ một cách trong sáng, quảng đại, tốt đẹp và hiệu quả lạ lùng. Vì qua sự sống lại của Đức Giêsu và tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng ta đều sống mãi mãi với Thiên Chúa và được kêu gọi để xây dựng nước Thiên Chúa cho nhau.

Lời kết

Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi mỗi Kitô hữu can đảm, quảng đại, trong sáng bước theo Người để trở thành hình ảnh sống động của Đấng Cứu Thế trong thời đại khoa học đầy thực dụng này.

Xin Mẹ Maria giúp đỡ để chúng ta bước theo Chúa Giêsu như Mẹ.