26/12/2024

Rừng mất, dự án cũng không hiệu quả

Hàng ngàn hecta rừng Tây nguyên mất trắng để làm dự án nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều dự án đang bỏ dang dở hoặc bị dân 
lấn chiếm.

 

Rừng mất, dự án cũng không hiệu quả

 

Hàng ngàn hecta rừng Tây nguyên mất trắng để làm dự án nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều dự án đang bỏ dang dở hoặc bị dân 
lấn chiếm.

 

 

 

 

Rừng mất, dự án cũng không hiệu quả
Công ty TNHH Anh Quốc được phê duyệt dự án trồng rừng, cao su nhưng trong khuôn viên của công ty đang trồng 2ha đậu xen canh cây mắc ca (ảnh chụp chiều 22-6) – Ảnh: TIẾN THÀNH

 

 

Chiều 22-6, tại dự án trồng cao su của Công ty TNHH Anh Quốc (thuộc tiểu khu 293 xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, Đắk Lắk), nhiều diện tích đất ở đây đang trồng… đậu xanh, mắc ca và bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy. Công ty này được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án trồng rừng, cao su với tổng diện tích trên 1.160ha, trong đó diện tích trồng rừng cao su là 434,5ha, còn lại là diện tích quản lý bảo vệ rừng.

Ông Lê Thanh Tùng, giám đốc Công ty TNHH Anh Quốc, giải thích năm 2011 công ty có trồng thí điểm 100ha cao su nhưng hiện cao su chết hết. “Năm 2014, sau khi dự hội thảo về cây mắc ca, tôi có trồng thử nghiệm 2ha mắc ca. Công ty đang làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích cây trồng” – ông Tùng nói.

Tương tự, hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên thuộc dự án khu kinh tế quốc phòng tại hai xã Ia R’Vê và Ya Lốp (Ea Súp, Đắk Lắk, do binh đoàn 16 làm chủ đầu tư) cũng biến thành đất trống và “rừng keo chết đứng”. Binh đoàn 16 được UBND tỉnh Đắk Lắk giao hơn 29.000ha đất rừng tại các xã Ia R’vê, Ia Lốp thuộc huyện Ea Súp để thực hiện dự án kinh tế – quốc phòng.

Từ năm 2003, binh đoàn này tiếp nhận 2.301 hộ dân ở Thanh Hoá, Bến Tre vào vùng dự án và tiến hành khai hoang rừng tự nhiên, đầu tư trồng hơn 14.000ha điều.

Nhưng đến khi thu hoạch, phần lớn diện tích điều không có trái. Binh đoàn 16 lại chặt bỏ vườn điều, hợp đồng liên kết với Công ty CP tập đoàn Tân Mai (Đồng Nai) trồng keo làm nguyên liệu giấy trên gần 30.000ha (toàn bộ đất dự án). Đến nay Công ty Tân Mai trồng được 7.000ha keo nhưng phần lớn đều… chết đứng. Hiện UBND huyện Ea Súp đang thu hồi một phần đất của binh đoàn 16 để cấp cho dân.

Rừng mất, dự án cũng không hiệu quả
Gỗ được xẻ, đưa ra khỏi rừng tại một dự án trồng cao su ở huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk – Ảnh: TRUNG TÂN

Theo tìm hiểu, chỉ riêng huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) hiện có 28 dự án liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng của 26 doanh nghiệp được cấp phép, phê duyệt. “Ngoài ra còn có bốn dự án nông lâm nghiệp đang trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ” – ông Nguyễn Bá Bân, phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ea Súp, thông tin.

Theo ông Bân, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, chưa thực hiện đúng như mục tiêu, để người dân địa phương lấn chiếm. “Các dự án này gây cho địa phương bao nhiêu là hệ luỵ về phá rừng, tranh chấp đất mà thực tế không hiệu quả được bao nhiêu. Tuy nhiên, việc thu hồi dự án là cả một vấn đề khó khăn dù địa phương rất kiên quyết” – ông Nguyễn Đình Toản, phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp, nói.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, Công ty TNHH MTV Bình Dương (công ty con của Tổng công ty 15) được UBND tỉnh Gia Lai giao 2.400ha đất rừng để chuyển đổi trồng cao su nhưng tính đến nay đơn vị này san ủi vượt trên 350ha ngoài dự án. Việc san ủi đất rừng bắt đầu từ tháng 8-2011, lúc đó cán bộ quản lý rừng đã ngăn cản và báo lên cấp trên đề nghị xử lý nhưng không được phản hồi.

Các dự án gây nhiều hệ luỵ cho rừng

TS Cao Thị Lý – Trường ĐH Tây Nguyên – nói: “Nếu nhìn ở giá trị và trữ lượng gỗ thì rừng khộp ở Tây nguyên đều là rừng nghèo. Rừng khộp có những vùng ngập nước, trảng cỏ, không có cây rừng nhưng đó là một kiểu sinh cảnh của rừng, là nơi cho thú rừng uống nước, hành lang bảo vệ voi rừng”.

Theo TS Lý, việc khai thác, chuyển đổi rất nhiều rừng để trồng cao su, cây điều, cây ăn trái tại các rừng khộp, đặc biệt các dự án ở Ea Súp, đem lại hiệu quả rất thấp nhưng hệ luỵ cho rừng, môi trường là rất lớn. “Rừng đâu phải cứ nhìn ở trữ lượng gỗ mà còn nhiều giá trị về sinh thái, môi trường, là hành lang bảo vệ thú rừng, tránh xung đột giữa voi và người” – TS Lý phân tích.

Đối với việc phục hồi rừng, TS Lý cho rằng “cứ để yên, rừng sẽ tự phục hồi”. “Có nhiều vùng thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn trước đây là lâm trường Đrăng Phốk bị phá trắng, nay nhiều cây gỗ quý đã tự tái sinh xanh tốt. Không hề tốn nhiều tiền cho việc phục hồi rừng như cách nhiều người đưa ra để lấy lý do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng” – TS Lý nhấn mạnh.

280.000ha 
đất rừng 
bị tranh chấp

Bộ NN&PTNT cho biết đến hết năm 2015, toàn vùng Tây nguyên đang có hơn 280.000ha đất rừng bị tranh chấp, trong đó đất giao cho UBND các cấp bị tranh chấp nhiều nhất với gần 165.000ha, kế đến là các ban quản lý, rừng phòng hộ với gần 57.000ha, sau đó là của các doanh nghiệp…

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2007-2014, riêng địa phương này mất hơn 125.800ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là hơn 74.500ha, rừng trồng giảm hơn 51.200ha. Trong 5 năm từ 2010-2015, tỉnh Đắk Lắk giao hơn 241.000ha rừng cho các tổ chức, cộng đồng nhưng đến nay bị lấn chiếm hơn 10.600ha.

TRUNG TÂN – TIẾN THÀNH – THÁI THỊNH – THÁI BÁ