01/11/2024

Nguy cơ tan rã Đồng bằng sông Cửu Long: Phải giải quyết từ gốc

Hệ luỵ của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông dẫn đến nguy cơ tan rã ĐBSCL, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân và an ninh lương thực dài hạn…

 
Nguy cơ tan rã Đồng bằng sông Cửu Long: Phải giải quyết từ gốc
 
 
 
Hệ luỵ của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông dẫn đến nguy cơ tan rã ĐBSCL, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân và an ninh lương thực dài hạn…






Các giải pháp công trình ở ĐBSCL có nguy cơ làm “tồi tệ” thêm tình hình. /// Ảnh: Chí Nhân

Các giải pháp công trình ở ĐBSCL có nguy cơ làm “tồi tệ” thêm tình hình.ẢNH: CHÍ NHÂN


Chuyên gia sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng nhóm tư vấn quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược 12 đập thuỷ điện dòng chính sông Mê Kông, nhận xét: Nhiều người cho rằng, đắp đập thì hết nước là không đúng và quá đơn giản. Thực tế mất phù sa sẽ dẫn đến sạt lở, tan rã ĐBSCL dần dần và sẽ không có cách nào khắc phục được. Mất phù sa đồng nghĩa mất nguồn dinh dưỡng thì đất sẽ bạc màu vĩnh viễn sau 20 năm, phân bón không thể thay thế. Phù sa như chiếc “áo giáp” che chở cho ĐBSCL. Nếu nhìn trên ảnh vệ tinh chúng ta sẽ thấy một dải nước đục ven biển, từ bờ ra khoảng 20 km. Dãy nước đục này giúp cản năng lượng sóng. Nếu mất đi thì bờ biển sẽ bị sạt lở mạnh.
Để dễ hiểu, ông Thiện lấy ví dụ, nếu chúng ta lấy một thau nước lọc và một thau nước sông (có phù sa) đặt trước một cái quạt gió, thau nước lọc sẽ sóng sánh nhiều hơn thau nước sông. Với vùng ven biển miền Tây cũng giống như vậy, mất phù sa sẽ khiến sóng mạnh hơn và bờ biển bị sạt lở mạnh hơn.
Xây đập thì không thể phục hồi
Cũng theo ông Thiện, vùng ven biển ĐBSCL tạo ra hệ sinh thái nước lợ đặc trưng. Đây là nơi rất phong phú về thủy sản, đặc biệt là yếu tố loài. Chính vì vậy, mất phù sa sẽ mất đi nguồn thuỷ sản này và nguồn cung cấp thức ăn cho hải sản biển tự nhiên. Mất thuỷ sản biển và thuỷ sản nước ngọt thì khó có gì thay thế được, kể cả cá nuôi. Đặc biệt, nó sẽ ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học của vùng biển nơi này.
“Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, một khi các đập đã xây dựng thì tác động sẽ là vĩnh viễn, không thể phục hồi được. Đó chính là lý do báo cáo trên đã kêu gọi hoãn việc quyết định xây đập thêm 10 năm để nghiên cứu tiếp”, ông Thiện nói.
Trở lại vấn đề của VN, theo TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ), lâu nay các chính sách đầu tư cho vùng ĐBSCL đều hướng đến đối tượng chính là cây lúa. Ở vùng ngọt – đầu nguồn sông Cửu Long thì đào kênh đắp đê; ở vùng mặn – ven biển cũng xây cống đắp đập để ngăn mặn giữ ngọt. Sau đợt hạn mặn kỷ lục vừa qua, các giải pháp cống đập càng được nhắc đến nhiều hơn và đặc biệt là các công trình lớn. Nhưng nếu xem đó là giải pháp thì hệ sinh thái của cả ĐBSCL sẽ biến thành hệ sinh thái hồ, ô nhiễm nguồn nước…
Trong khi chúng ta biết rằng thiếu nước, thiếu phù sa thì không thể sản xuất hay làm được gì cả. Và cũng không thể “mở đê” để cho nước vào đồng ruộng được. Vì nhiều nơi ở ĐBSCL người ta đã làm vườn trồng cây ăn trái trên ruộng lúa – trong vùng đê bao. Nếu mở đê cho nước vào sẽ xảy ra xung đột lợi ích.
Trong bối cảnh như vậy, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) đề xuất: Nhà nước nên có những chính sách để giúp nông dân sản xuất quy mô lớn để họ có thể tự “quy hoạch” sản xuất trên mảnh ruộng của mình. Nông dân sản xuất lớn càng nhiều sẽ càng giảm những xung đột lợi ích từ hệ thống canh tác hiện nay.
Kể câu chuyện về một nông dân ở Đồng Tháp có 4 ha đất và 4 đứa con nhưng ông bắt buộc các con mình phải lo chuyện ăn học, tìm một nghề nghiệp khác làm kế mưu sinh chứ nhất định không cho con theo nghề nông, vì ông đã sống mấy chục năm rồi làm đến 4 ha đất mà còn không giàu được, bây giờ chia ra cho mỗi đứa 1 ha thì mỗi đứa không thể sống,
TS Tuấn chua chát kết luận: “Câu chuyện của ông nông dân cho thấy hiện tại chúng ta không có một giải pháp cụ thể nào cho vùng ĐBSCL nếu không giải quyết được những vấn đề mang tính tổng thể, vĩ mô”.
Vấn đề toàn cầu
Hiện nay Trung Quốc đang muốn hướng câu chuyện Mê Kông tập trung vào vấn đề nguồn nước để làm nhẹ đi yếu tố cốt lõi làphù sa. Với những hành động gần đây cũng có thể nhận thấy, Trung Quốc đang muốn “lái” câu chuyện Mê Kông theo hướng nó chỉ là “câu chuyện riêng của 6 nước”.
TS Dương Văn Ni phân tích cả lưu vực châu thổ Mê Kông là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho toàn thế giới. Chính vì vậy, câu chuyện Mê Kông là vấn đề toàn cầu. Ngoại trừ sông Amazon, thì dòng Mê Kông là dòng sông duy nhất trên thế giới có những loài cá nước ngọt to đến hàng trăm ký, cá heo nước ngọt Irrawaddy. Mê Kông xứng đáng được xem là dòng sông di sản thế giới. Nếu các đập thủy điện được xây dựng, các loài cá này sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta cần làm cho thế giới hiểu rằng dòng Lan Thương, theo cách gọi của Trung Quốc, là một phần không thể tách rời của dòng Mê Kông.
Theo ông, hiện nhiều người vẫn nhìn nhận câu chuyện thủy điện ở Lào và Campuchia là câu chuyện trên lãnh thổ của họ và chúng ta không thể ý kiến hay can thiệp. Nhưng có thể xem thủy điện như những quả “bom nước”. “Nếu nhà hàng xóm cưa bom chúng ta có ngồi yên?”, TS Ni đặt câu hỏi và cho rằng, cách tư duy như vậy là không ổn.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Lê Anh Tuấn bày tỏ quan điểm: “Dù đập Xayaburi sắp hoàn thành và những con đập khác sắp khởi công nhưng chúng ta không được phép bỏ cuộc mà vẫn phải tiếp tục lên tiếng. Phải đấu tranh đến tận cùng bằng pháp lý, bằng cơ sở khoa học, tiếng nói của người dân trong khu vực và thế giới”.
Theo TS Dương Văn Ni, nếu nhìn vấn đề ở góc độ rộng hơn thì ngay chính Trung Quốc cũng sẽ gánh chịu hậu quả của thuỷ điện Mê Kông. Hiện nay Trung Quốc nhập khẩu trên 30% lượng gạo xuất khẩu của VN, tương đương trên 2 triệu tấn, chưa kể lượng gạo tiểu ngạch khoảng 1 triệu tấn, tương đương khoảng 5 triệu tấn lúa, chưa kể thuỷ hải sản, rau quả, khoai lang… Khi ĐBSCL gánh chịu tác hại của thuỷ  điện thì chính Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng về nguồn nhập khẩu lương thực, nông sản từ VN. Đây là sự thiệt hại dây chuyền.


 

Chí Nhân