24/01/2025

Chúa Nhật XII TN C – 2016: Cứu độ thế giới

Sứ mạng cứu độ này tuy làm chúng ta phải đau khổ, tủi nhục, thiệt thòi, có khi phải chết như Đức Giêsu đã báo trước về thân phận của mình. Nhưng đồng thời cũng mang lại sự thật và sự sống, niềm vui và hạnh phúc, tình yêu và sự giải thoát cho muôn loài.

Cứu độ thế giới bằng việc từ bỏ mình
và vác thập giá hằng ngày

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh Chúa Nhật XII này như mời gọi Kitô hữu suy nghĩ về sứ mạng cứu độ để cùng theo Đức Giêsu Kitô thực hiện sứ mạng đó trong đời sống hằng ngày như Người mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).

Sứ mạng cứu độ này tuy làm chúng ta phải đau khổ, tủi nhục, thiệt thòi, có khi phải chết như Đức Giêsu đã báo trước về thân phận của mình. Nhưng đồng thời cũng mang lại sự thật và sự sống, niềm vui và hạnh phúc, tình yêu và sự giải thoát cho muôn loài. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là mỗi người có dám đi theo Đức Giêsu hay không?

1. Điều chỉnh bản văn Thánh Kinh

1.1. Không phải than khóc thần thánh

Trước khi bàn đến việc thực hiện ơn cứu độ, chúng ta cần điều chỉnh bản văn Thánh Kinh trong bài đọc I (x.Dcr 12, 10-11;13,1) thì mới hiểu được ý nghĩa của sứ mạng cứu độ này.

Trong sách lễ của Nhóm Phiên dịch Các giờ Kinh Phụng vụ mà nhiều nơi đang dùng, dù chưa được phép chính thức của Toà Thánh và của Hội đồng Giám mục Việt Nam, câu số 11 trong bài đọc I đã được dịch như sau: “Ngày ấy tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giêrusalem như người ta khóc than thần Ha-đat Rim-môn ở cánh đồng Mơ-ghit-đô”. Còn bản dịch trong Sách Bài đọc Mùa Thường Niên I do Uỷ ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Việt Nam chỉ nói đến “khóc than Adadremmon trong cánh đồng Magêđđon”.

Chúng ta cần phải tìm lại sách Các Vua, quyển II, ở chương 23, câu 29-30 và sách Biên Niên Sử, quyển II,  ở chương 34 và 35, câu 23-25 thì mới hiểu được rằng đây là việc than khóc của toàn dân Giuđê thương tiếc vị vua Josiah anh minh, can đảm, đạo đức đã bị vua Ai Cập Nêkô giết tại cánh đồng Magêđđon ở gần thành phố Hadad Rimmon chứ không phải là than khóc thần Hadad Rimmon nào cả.

1.2. Than khóc vua Josiah

Vua Josiah lên trị vì nước Giuđa vào lúc 8 tuổi đã cho phá bỏ mọi tượng thần ngoại giáo, đã tu bổ đền thờ Giêrusalem, đã tìm thấy sách luật mà Chúa đã ban cho ông Môsê, đã tái lập giao ước giữa dân với Thiên Chúa. Trong thời vua Josiah, dân tộc sống rất an ninh thịnh vượng. Nhưng rồi vua Nêkô đã đến đánh chiếm thành Giêrusalem. Vua Josiah đã dẫn đầu đoàn quân chống lại quân xâm lăng để bảo vệ tự do, độc lập cho đất nước. Vua bị giết chết vào năm 609 TNC khi 1 mũi tên bắn trúng tim vua.

Vì thế, người Do Thái thời đó khóc than vua Josiah như khóc than người con một. Tiên tri Dacaria đã nhắc lại việc than khóc đó để báo trước thời đại của Đấng Kitô sắp đến: “Dân thành Giêrusalem cũng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu như khóc than người con một. …Rồi một dòng suối sẽ vọt ra để tẩy trừ tội lỗi và ô uế”.

2. Đấng Kitô của Thiên Chúa

2.1. Hình ảnh của Đấng Kitô tương lai

Các vua Do Thái nắm quyền chính đáng thường được gọi là Kitô, nghĩa là người được Thiên Chúa xức dầu. Vua Josiah là đấng Kitô, là hình ảnh của Chúa Giêsu, Người đã bị đâm thâu trên thập giá sau những năm Người rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại, tha thứ tội lỗi để chứng tỏ tình yêu của Chúa Cha yêu thương thế gian đã ban Người Con Một của mình (x. Ga 3,16). Trên đường lên núi Sọ dân chúng đi theo Chúa Giêsu và nhiều phụ nữ than khóc Người (x. Lc 23,27).

Đức Giêsu chính là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” nhưng khác biệt với tất cả các Kitô khác. Người là Đấng Kitô trọn vẹn vì Người không phải chỉ lập nước Thiên Chúa tạm thời và sau cùng bị giết chết như vua Josia. Nhưng Người đã sống lại để thiết lập nước Thiên Chúa vĩnh hằng và mang lại ơn cứu độ vĩnh viễn cho tất cả những ai tin vào Người (x. Ga 1,9-13).

Vì thế, Đức Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”. Nhiều môn đệ đã kể lại lòng tin của người Do Thái vào Đức Giêsu: Người ta nghĩ rằng Đức Giêsu chính là ông Gioan Tẩy Giả bị giết và sống lại; hoặc là ông Elia đã trở lại với dân tộc Do Thái để thiết lập đất nước bình an, thịnh vượng; hoặc là một ngôn sứ nào đó từ cõi chết sống lại để loan báo lời của Chúa cho con người, để thiết lập giao ước của Chúa với toàn dân. Nhưng Người muốn biết thật sự các môn đệ  nghĩ Người là ai. Và Đức Giêsu đã nghe câu trả lời rất chính xác của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

2.2. Đức Kitô trọn vẹn và muôn thuở

Đấng Kitô ấy được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần để đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn loài, đã giải thoát con người khỏi sự kiềm chế của ma quỷ để mang lại niềm vui, bình an, hy vọng và tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con người. Người cứu độ không phải trong một giai đoạn nào đó, mà là vĩnh viễn thiết lập nước Thiên Chúa bởi vì Người không phải chỉ sống một khoảng thời gian mà đã sống lại để có thể lập nước Thiên Chúa mãi mãi cho muôn loài (Lc 4, 16-19).

Tuy nhiên, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa, nhiều môn đệ nghĩ rằng mình sẽ theo Người để thiết lập Nước Thiên Chúa, “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý tình yêu và bình an” một cách dễ dàng như Người đã thực hiện trong 3 năm rao giảng. Người đã  làm nhiều phép lạ để cho ai theo Người được no nê, khoẻ mạnh, an lành và chính Chúa Giêsu cũng được tôn kính, trọng vọng. Đi theo Đức Giêsu như vậy thì ai cũng có thể theo được. Nhưng Đức Giêsu đã phá tan sự lầm tưởng của các môn đệ cũng như của rất nhiều người chúng ta, Người nói: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Muốn làm Đấng Kitô thật sự chúng ta không được quên điều đó và cũng phải thể hiện trong đời sống của mình.

3. Thực hiện sứ mạng cứu độ bằng việc vác thập giá mình hằng ngày

Trong bài đọc II (Gl 3,26-29), thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng: “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô… Qua bí tích Rửa Tội, anh em đã mặc lấy Đức Giêsu Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô”. Trở thành một với Đức Kitô là chúng ta sẽ đi lại con đường cứu độ mà Đức Giêsu đã thực hiện trong cuộc sống của Người, nhất là vác thập giá mình hằng ngày để chuẩn bị cho cái chết và cuộc sống lại của mình. Vì nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Đức Giêsu, chúng ta mới có thể chia sẻ vinh quang với Người. Nếu chúng ta cùng chết với Đức Giêsu, chúng ta mới cùng sống lại với Người.

Đứng trước sứ mạng cứu độ mà chúng ta cần thực hiện trong thế giới hôm nay, ngoài việc  kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô và phát huy những ân sủng của Thánh Thần để rao giảng, làm phép lạ, chúng ta có dám sống lại mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa: từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày, chịu chết và sống lại không?

Ngồi ở bàn học, bật máy vi tính lên, chúng ta có thể xem những phim ảnh đồi truỵ; chơi những trò chơi kích dục, ta sẽ hy sinh như thế nào? Trong gia đình, bật ti vi lên chúng ta có thể xem những trận đấu Euro rất hấp dẫn trong mùa này trong khi con cái cần im lặng để học bài, làm bài, trong khi người vợ vất vả với các chồng bát đĩa phải rửa, các chậu quần áo phải giặt. Chúng ta sẽ từ bỏ mình như thế nào để giúp cho con của mình học hành tốt, giúp cho vợ của mình bớt cực khổ? Làm ở công ty, bạn bè rủ đi ăn nhậu, sau ăn nhậu lại đi đến mấy tiệm massa thiếu lành mạnh, nếu từ chối những bạn bè ấy, chúng ta có thể bị người ta loại trừ, cô lập, thiệt thòi về tiền bạc, chúng ta có thái độ nào? Mỗi người chúng ta đều cảm nghiệm được sức quyến rũ của tham vọng, dục vọng, chúng ta đang làm hết sức để kiếm thật nhiều tiền, để có được những danh lợi mà chúng ta mơ ước, khi chúng ta bán những hàng xấu, những hàng độc hại, gây nguy hiểm cho sự sống con người, chúng ta vác thập giá mình hằng ngày như thế nào?

Lời kết

Khi hành động từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày như Chúa Giêsu, chúng ta mới cảm nghiệm được tình yêu thương xót của Cha Trên Trời đối với mỗi người chúng ta khi ban cho ta Người Con Một. Chúng ta sẽ không còn phải than khóc Chúa Giêsu qua cái chết của Người, nhưng chúng ta vui mừng vì được cùng Người mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ cho toàn thế giới.