Nỗi lòng người bán vé số
Dù đang bệnh tật và phải chật vật lo cái ăn mỗi ngày bằng việc bán vé số nhưng từ năm 2010, anh Dương Hồng Phi (43 tuổi) đã làm thẻ để sau này chết đi được hiến xác cho y học.
Nỗi lòng người bán vé số
Dù đang bệnh tật và phải chật vật lo cái ăn mỗi ngày bằng việc bán vé số nhưng từ năm 2010, anh Dương Hồng Phi (43 tuổi) đã làm thẻ để sau này chết đi được hiến xác cho y học.
Gia đình anh Dương Hồng Phi – Ảnh: Yến Trinh |
Đằng nào mình chết thân xác cũng tiêu tan, nên để lại cho người ta làm được gì thì làm. Vậy cũng đỡ cực cho vợ con phải lo việc chôn cất |
Anh Dương Hồng Phi |
Trong khu ổ chuột ven dòng kênh đường Trần Văn Kiểu (Q.6, TP.HCM), ai cũng thương cho hoàn cảnh gia đình anh Dương Hồng Phi (43 tuổi, quê Đồng Tháp). Bị chứng ho ra máu nhưng ngày nào anh Phi cũng cố gắng cầm 50 tờ vé số đi bán để có tiền lo liệu gia đình.
Sau cơn mưa chiều, hơn chục căn nhà trọ tường gạch không tô vữa ở xóm này càng hắt hiu. Phòng trọ rộng chừng ba chiếc chiếu của gia đình anh Phi bốc lên mùi ẩm mốc, mưa dột một lỗ lớn trên nóc nhà giằng tôn và bạt xập xệ.
Chị Trần Thị Thuỷ (41 tuổi, vợ anh) đang nấu bữa cơm chiều gồm một nhúm thịt kho và rau muống hái ở cái ao tù sau xóm trọ. Nước ao đục ngầu, sát đó là một bãi phế liệu, nhưng chị nói rau ở đây là cái ăn quen thuộc của nhà mình.
Xòe bàn tay nhỏ xíu đen nhẻm để xem còn hột mưa nào không, cô bé Dương Thị Kim Quyên (11 tuổi, con gái anh Phi) dắt chiếc xe đạp nhắm hướng đường lộ chạy đi.
“Chiều nào con cũng đi bán thêm vé số, có khi đạp tới khu bùng binh cách đây 3-4 cây số để bán cho hết rồi mới về ăn cơm” – Quyên nói.
Trước đó, buổi sáng Quyên cũng đạp xe quãng đường như vậy đi bán. Cô bé có gương mặt sáng và đôi mắt trong veo đã phải nghỉ học khi mới hết lớp 5 ở trường dưới quê. Thương con, anh Phi xin cho bé học ở lớp học tình thương nơi ngôi chùa gần nhà trọ.
Nhìn dáng con nhỏ xíu chưa ngồi tới yên xe đạp, anh chạnh lòng: “Để con đi bán vậy nhiều khi xót muốn đứt ruột nhưng phải cắn răng chịu.
Tui cố lắm cũng được chừng đó vé số, không đủ lo cả nhà, còn vợ thì khờ khờ, không biết chữ, bị giật vé số cũng chỉ biết bưng mặt khóc. Mà bả đi bán thì lại sợ ở nhà tui lên cơn ho…”.
Cố nén một cơn ho, anh kể về cuộc đời mình mà nét mặt chẳng chút hi vọng nào: “Hồi thanh niên tui mần dữ lắm, đi đắp đê, phụ hồ, vác lúa… rồi nhiễm lạnh, đi bệnh viện bác sĩ nói bị bệnh về phổi. Nhà cũng khổ nên cứ để vậy không chạy chữa gì”.
Năm 2003, anh lấy chị, lần lượt có hai mặt con. Ai trong xóm kêu gì làm đó, hai người cũng lo được cho hai đứa con. Quyên học giỏi, năm nào cũng có giấy khen của trường.
Cuộc sống cứ vậy trôi cho đến cách đây một năm rưỡi, bệnh anh Phi trở nặng. Sáng nào dậy người anh cũng mệt, không làm gì được, máu trong phổi trào đầy mũi miệng.
Giờ sáng nào Quyên cũng chạy ra tiệm thuốc tây mua hai ống thuốc về cho cha chích để ngăn máu không trào ra, hết 40.000 đồng. Trong nhà luôn để sẵn ca nước đá để khi nào anh Phi đau thì nằm nghiêng lại, chườm đá lên ngực.
Anh giơ tấm phim X-quang chụp hôm ở bệnh viện, bên phổi trái của anh hiện lên trên phim “nát bét”. “Ở nhà có một ông anh chết vì bệnh này rồi. Cũng không biết là bệnh gì vì chưa bao giờ có tiền khám cho đàng hoàng” – anh buồn buồn nói.
Rồi anh Phi xoè tấm thẻ chứng nhận sau này chết đi sẽ hiến xác cho ĐH Y dược thành phố. “Đằng nào mình chết thân xác cũng tiêu tan, nên để lại cho người ta làm được gì thì làm. Vậy cũng đỡ cực cho vợ con phải lo việc chôn cất” – anh nói giản dị về nghĩa cử của mình.
Giờ anh chỉ mong bệnh giảm được phần nào và đang tìm cách đưa con về quê gửi cho ông bà để hai đứa được đi học vì anh muốn hai chị em bé Quyên cần có cái chữ để sau này không khổ như cha mẹ chúng.