01/11/2024

Hơn 20 năm nhặt rác ở “hồ B52”

Đến ngõ 158, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) hỏi nhà ông Luyện nhặt rác “hồ B52” ai cũng biết. Hơn 20 năm qua dù nắng hay mưa, ông vẫn cần mẫn nhặt rác làm sạch hồ.

 

Hơn 20 năm nhặt rác ở “hồ B52”

 

Đến ngõ 158, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) hỏi nhà ông Luyện nhặt rác “hồ B52” ai cũng biết. Hơn 20 năm qua dù nắng hay mưa, ông vẫn cần mẫn nhặt rác làm sạch hồ.

 

 

 

Hơn 20 năm nhặt rác ở “hồ B52”
Hằng ngày ông Luyện cần mẫn vớt từng thứ rác, ao bèo bẩn ở lòng hồ đem tập kết vào bãi rác – Ảnh: N.H.Thanh

Tuổi năm nay đã gần 80 nhưng ông Đỗ Sáng Luyện vẫn ngày ngày đi bộ 3 – 4 lần ra hồ Hữu Tiệp, tay cầm bộ đồ nghề là cây sào nứa buộc ít lưới làm thành vợt để gom rác dưới lòng hồ.

Di tích và rác

Hồ Hữu Tiệp hay còn gọi là “hồ B52” đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là địa điểm hồ duy nhất còn lưu giữ xác máy bay B52 rơi trong nội thành Hà Nội cho đến hôm nay.

“Hồi 23g05 ngày 27-12-1972, Mỹ đem pháo đài bay B52 đến ném bom Hà Nội, chưa kịp ném bom đã bị quân và dân ta bắn rơi. Một bộ phận máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp nơi tôi sinh ra và lớn lên” – ông Luyện mở đầu câu chuyện với chúng tôi nghiêm trang như thế.

Thế nhưng sau mỗi lần chợ tạm ven hồ Hữu Tiệp họp xong, rác lại chất đống, một số người đi xe máy định vứt rác vào vỉa hè nhưng trượt tay rơi xuống hồ, các em học sinh ở trường tiểu học gần đó ăn bánh, quà sáng cũng vứt rác xuống lòng hồ.

Mỗi ngày chứng kiến hồ đang chết dần do phải hứng chịu bao nhiêu rác thải, ông Luyện đau đáu nỗi niềm phải làm sạch hồ để gìn giữ môi trường.

“Đây là di tích lịch sử được Nhà nước công nhận, hằng ngày du khách nước ngoài đến tham quan hồ rất đông. Năm nay là hơn 20 năm rồi, sáng – trưa – chiều – tối tôi thường ra tập thể dục ở hồ rồi dọn, quét, nhặt rác quanh khu vực. Tập thể dục để khoẻ người, nhặt rác để góp phần nhỏ giữ gìn vệ sinh môi trường, góp công sức cho cộng đồng, xã hội” – ông Luyện chia sẻ.

Ngày ngày ông Luyện lại vác đồ nghề ra hồ làm công việc thường nhật, gió thổi chiều nào ông vớt rác theo chiều ấy. Hỏi ông sao không dùng thuyền ra vớt cho đỡ mệt, ông bảo: “Thuyền bè không đi chỗ này được, để thuyền đó nhỡ các cháu đùa nghịch lại ngã xuống hồ, thành ra tôi làm việc theo chiều gió, rác dạt vào bờ tôi lại vớt vào. Ngày nào vớt ngày đó, 3 – 4 lần sẽ không mệt”.

Gần hồ Hữu Tiệp là Trường tiểu học Ngọc Hà, ông Luyện tâm sự làm việc này cũng muốn nhắc nhở con cháu, để khi các cháu thấy một ông cụ tuổi gần 80 vớt rác sẽ có ý thức gìn giữ di tích lịch sử của dân tộc, gìn giữ môi trường xung quanh.

“Ông già thần kinh”

Suốt 20 năm qua, kỷ niệm khiến ông Luyện “sợ” nhất là khi vớt một con chó đã chết từ hồ lên: “Khi đó có người cho con chó đã chết vào bao tải rồi vứt thẳng xuống hồ, vừa thối vừa nặng, ruồi nhặng bu đầy. Lúc đó vợt của tôi không thể vớt được, tôi phải làm một cái móc kéo ra chỗ cầu ao rồi lôi lên đem đi bỏ ở bãi rác”.

Kể tiếp câu chuyện, ông Luyện trầm tư: “Thời gian đầu làm việc này cũng có người không hiểu chuyện mắng tôi là ông già này bị thần kinh, trời nắng thế này không kiếm chỗ mát ngồi lại đi vớt rác. Có người tốt, người xấu, người hiểu, người không hiểu cháu ạ”.

Nhưng đến tận bây giờ, hình ảnh ông già tay cầm vợt vớt rác ở quanh hồ Hữu Tiệp đã in đậm trong trí óc những người dân sống xung quanh hồ.

“Người ta ủng hộ, quý quá, thích quá. Có người đi thu gom rác, làm sạch cửa nhà cho mình ai chả thích. Bây giờ họ chỉ mong tôi khoẻ mãi, sống thật lâu để tiếp tục làm công việc này”, ông Luyện chia sẻ.

Hỏi ông có bao giờ xin hỗ trợ kinh phí để nhặt rác, ông lắc đầu rồi nói mình làm việc này không phải vì tiền. Hơn 20 năm làm công việc “vác tù và hàng tổng”, ông chỉ muốn làm đẹp cho khu phố và đặc biệt gìn giữ di tích lịch sử “hồ B52”.

Nói về việc làm của ông Luyện, bà Đào Thị Thu Bằng, cán bộ phụ trách mảng văn hóa thông tin phường Ngọc Hà, cho biết: “Hơn 20 năm qua, ông Đỗ Sáng Luyện có nhiều đóng góp cho tổ vệ sinh môi trường của địa bàn dân cư số 3 cũng như phường Ngọc Hà.

Năm 2013, ông Luyện được TP Hà Nội nêu gương người tốt việc tốt, hằng năm phường cũng viết tin bài về ông phát trên loa truyền thanh để người dân biết và noi gương.

Việc làm rất thiết thực của ông giúp thế hệ trẻ làm theo, ra sức giữ gìn cảnh quan vệ sinh môi trường, khiến ngõ xóm phường Ngọc Hà sáng – xanh – sạch – đẹp”.

DƯƠNG LIỄU – N.H.THANH