Báo động bệnh da liễu leishmaniasis
Bệnh da liễu leishmaniasis do ký sinh trùng leishmania, xuất hiện tại Syria trong vài thế kỷ, nhưng bất ổn xã hội kéo dài và chiến tranh xảy ra làm phá huỷ hệ thống chăm sóc y tế đã biến căn bệnh này thành dịch.
Báo động bệnh da liễu leishmaniasis
Bệnh da liễu leishmaniasis do ký sinh trùng leishmania, xuất hiện tại Syria trong vài thế kỷ, nhưng bất ổn xã hội kéo dài và chiến tranh xảy ra làm phá huỷ hệ thống chăm sóc y tế đã biến căn bệnh này thành dịch.
Còn được gọi là “lời nguyền aleppo”, bệnh da liễu leishmaniasis lây lan từ người này sang người khác thông qua ruồi cát. Căn bệnh có thể dễ dàng nhận diện thông qua các vết loét lớn trên da, gây đau đớn và có thể làm biến dạng vĩnh viễn nơi bị tổn thương. Có nhiều dạng bệnh tương tự, như leishmaniasis nội tạng là tình trạng nghiêm trọng nhất, gây sốt và khiến gan, lá lách sưng phồng. Bệnh nhân sẽ thiệt mạng nếu không điều trị kịp. Còn chứng leishmaniasis màng nhầy là tình trạng ký sinh trùng ăn dần màng nhầy ở mũi, miệng và cổ họng.
Báo cáo trên chuyên san PLOS One cho hay hiện có hàng trăm ngàn người mắc tình trạng này tại các trại di dân hoặc bị mắc kẹt trong các vùng xung đột tại Syria. Ở Li Băng, có 6 ca được trình báo trong giai đoạn 2000 – 2012, so với 1.033 trường hợp chỉ tính riêng trong năm 2013. Các ca tương tự cũng xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Đông Libya và Yemen. Trước đây, bệnh da liễu leishmaniasis phần lớn được kiềm chế bên trong lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, xung đột và chiến tranh đã thổi bùng căn bệnh. Tình trạng thiếu hụt các nguồn lực chăm sóc sức khoẻ đồng nghĩa với thực tế là nhiều người không được điều trị, và khi họ bị mắc kẹt trong các vùng xung đột, căn bệnh càng có cơ hội lây lan sang những người khác. Khi họ tháo chạy khỏi nơi này, bệnh dịch tiếp tục lan rộng trong các trại di dân. Đói nghèo và thiếu dinh dưỡng, cũng như không tiếp cận được nguồn nước sạch, có thể làm trầm trọng hơn tình hình.
Hiện giới chuyên gia vẫn chưa nắm rõ bức tranh toàn cảnh về bệnh dịch do hầu như không thể điều được các nhóm chuyên gia bệnh nhiệt đới và da liễu đến Syria, Iraq, Đông Libya, cũng như tiếp cận các trại di dân ở Jordan, Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ, theo trang Nature Middle East dẫn lời Peter Hotez, Hiệu trưởng Trường Y nhiệt đới quốc gia (Mỹ). Do vậy, việc điều trị cũng như ngăn chặn bệnh dịch lây lan đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Tụ Yên