25/12/2024

Những tiêu chuẩn để phân định hồng ân đoàn sủng

Hôm thứ Ba 14-06-2016, Bộ Giáo lý Đức tin đã tổ chức một buổi họp báo để công bố Thư gửi cho các giám mục của Giáo hội Công giáo có tiêu đề Iuvenescit Ecclesia (Giáo hội Trở nên Trẻ trung, viết tắt: IE), do Đức Hồng y Bộ trưởng Ludwig Müller và Đức Tổng Giám mục Thư ký Luis Ladaria ký ngày 15-05-2016, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thư này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn và truyền công bố trong buổi tiếp kiến Đức Hồng y Müller vào ngày 14-03-2016.

 Những tiêu chuẩn để phân định hồng ân đoàn sủng

 

 
WHĐ (18.06.2016) – Hôm thứ Ba 14-06-2016, Bộ Giáo lý Đức tin đã tổ chức một buổi họp báo để công bố Thư gửi cho các giám mục của Giáo hội Công giáo có tiêu đề Iuvenescit Ecclesia (Giáo hội Trở nên Trẻ trung, viết tắt: IE), do Đức Hồng y Bộ trưởng Ludwig Müller và Đức Tổng Giám mục Thư ký Luis Ladaria ký ngày 15-05-2016, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thư này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn và truyền công bố trong buổi tiếp kiến Đức Hồng y Müller vào ngày 14-03-2016.

IE chủ yếu nói về “mối tương quan giữa hồng ân phẩm trật và hồng ân đoàn sủng trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội”. Hồng ân phẩm trật là những hồng ân được ban qua Bí tích Truyền Chức (giám mục, linh mục và phó tế), trong khi hồng ân đoàn sủng được Chúa Thánh Thần ban tặng cách tự do.

Sẽ là một sai lầm khi đặt “Giáo hội bác ái” đối nghịch với “Giáo hội cơ cấu”, vì “hồng ân đoàn sủng” và “hồng ân phẩm trật” đều do Chúa Thánh Thần ban tặng để góp phần xây dựng Giáo hội theo những cách khác nhau.

IE muốn “khuyến khích các phong trào, cộng đoàn mới tham gia vào sự sự hiệp thông và sứ vụ của Giáo hội một cách hiệu quả và đúng mực, khi đưa ra một số điểm giáo lý chính yếu về đoàn sủng trong Tân Ước và suy tư của Huấn Quyền về các phong trào và cộng đoàn trong Giáo hội.

Như thế, dựa trên một số nguyên tắc của thần học hệ thống, IE xác định những yếu tố của cả hồng ân đoàn sủng và hồng ân phẩm trật, theo những tiêu chuẩn giúp nhận ra tính chất Giáo hội đích thực của hồng ân đoàn sủng.

Sau đây là 8 tiêu chuẩn để phân định hồng ân đoàn sủng:

– Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh trước hết.
 Việc tham gia vào một đoàn sủng đích thực phải là phương tiện để nên thánh trong Giáo hội, và do đó, làm gia tăng lòng bác ái và thực sự hướng tới đức ái hoàn hảo.

– Dấn thân loan báo Tin Mừng. Những đoàn sủng đích thực là “những quà tặng của Chúa Thánh Thần được ban cho Hội Thánh, hướng về trung tâm là Đức Kitô để rồi đi ra với một động lực truyền giáo”. Như thế, các đoàn sủng phải đạt được “sự hoà hợp và cộng tác vào mục tiêu tông đồ của Giáo hội”, thể hiện một “lòng nhiệt thành truyền giáo, trở thành những công cụ ngày càng tích cực hơn cho công cuộc Tân Phúc âm hoá”.

– Tuyên xưng đức tin Công giáo. Mọi đoàn sủng phải là môi trường giáo dục đức tin toàn vẹn, “bằng cách đón nhận và công bố sự thật về Chúa Kitô, về Giáo hội và con người, phù hợp với giáo huấn của Giáo hội”; do đó phải tránh việc mạo hiểm “đi ra ngoài (proagon) giáo lý và cộng đoàn Giáo hội”. Thật vậy, người nào “không ở lại trong giáo huấn của Đức Kitô, thì không được kết hợp với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô (x. 2 Ga 1,9)”.

– Làm chứng về sự hiệp thông thực sự với toàn thể Giáo hội; tức là có “mối tương quan con thảo với Đức Thánh Cha – là trung tâm hữu hình và mãi mãi của sự hiệp nhất của Giáo hội phổ quát”, và “với giám mục – là nguyên lý hữu hình và là nền tảng của sự hiệp nhất của Giáo hội địa phương”. Điều này dẫn đến thái độ “sẵn sàng đón nhận những giáo huấn và hướng dẫn mục vụ của các ngài một cách trung thành” cũng như “sẵn sàng tham gia các chương trình và hoạt động của Giáo hội trên bình diện quốc gia và quốc tế; dấn thân trong công tác dạy giáo lý và đào tạo các Kitô hữu”.

– Nhìn nhận và tôn trọng tính bổ sung lẫn nhau của các đoàn sủng khác trong Giáo hội.Thái độ này dẫn đến sự sẵn sàng hợp tác với nhau. Thật vậy, “dấu chỉ rõ ràng về tính xác thực của một đoàn sủng là tính giáo hội của đoàn sủng ấy, là khả năng tháp nhập cách hài hoà vào đời sống của dân thánh Chúa, vì thiện ích của mọi người. Một sự mới mẻ thực sự được Chúa Thánh Thần khơi lên không cần phải che lấp những linh đạo và ân huệ khác để khẳng định mình”.

– Chấp nhận những giai đoạn thử thách trong việc phân định các đoàn sủng. Vì hồng ân đoàn sủng có thể có “một mức độ mới mẻ thực sự nào đó trong đời sống thiêng liêng của Giáo hội, và có những sáng kiến trong hoạt động có thể gây ra khó chịu”, một tiêu chuẩn khác về tính xác thực của đoàn sủng là “khiêm tốn chịu đựng những nghịch cảnh”. “Mối tương quan thích đáng giữa đoàn sủng đích thực mang tính mới mẻ và đau khổ là điều vẫn xảy ra trong lịch sử: đó là mối liên kết giữa đoàn sủng và thánh giá”. Những căng thẳng có thể có đòi hỏi mọi người phải bày tỏ một đức ái lớn lao hơn, để đạt đến tình hiệp thông và hiệp nhất sâu xa hơn trong Giáo hội.

– Đem lại hoa trái thiêng liêng của bác ái, niềm vui, bình an và sự trưởng thành của con người (x. Gl 5, 22); ước muốn “sống mạnh mẽ hơn cuộc sống của Giáo hội”, “nhiệt thành lắng nghe và suy niệm Lời Chúa”; “nếm trải hương vị mới mẻ của cầu nguyện, suy niệm, phụng vụ và đời sống bí tích; giúp nhận ra các ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, linh mục thừa tác, và đời sống thánh hiến”.

– Có chiều kích xã hội của truyền giáo. Ngoài ra cũng phải nhìn nhận rằng, nhờ sự thúc đẩy của bác ái, “kerygma (lời rao giảng cơ bản) mang một nội dung xã hội rõ rệt: ở tâm điểm của Tin Mừng là đời sống cộng đoàn và sự dấn thân cùng với những người khác”. Tiêu chuẩn phân định này, vốn không chỉ đề cập riêng người giáo dân, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có những trào lưu sống động về sự tham gia và liên đới, để kiến tạo những điều kiện sống công bằng và huynh đệ hơn giữa lòng xã hội. Về vấn đề này, điều có ý nghĩa là “việc thúc đẩy sự hiện diện của người Kitô hữu trong những môi trường khác nhau của đời sống xã hội; thành lập và linh hoạt các công trình bác ái, văn hoá và thiêng liêng; tinh thần siêu thoát và khó nghèo của Tin Mừng để thực thi tình bác ái quảng đại hơn với mọi người”. Cũng nhất thiết phải tham chiếu học thuyết xã hội của Giáo hội. Đặc biệt, “đức tin của chúng ta vào Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo khó và luôn gần gũi những người nghèo và những người bị hất hủi, là cơ sở cho mối quan tâm của chúng ta đối với sự phát triển toàn diện của các thành viên bị lãng quên nhất của xã hội”, đây là điều không thể thiếu nơi một thực tại đích thực của Giáo hội.
 
 

Minh Đức